"Ngộ độc" quảng cáo, hậu quả khôn lường với con trẻ

14/01/2012 11:09
Bé Mi cháu tôi vừa bị bảo vệ siêu thị giữ lại vì chôm một thỏi son nhỏ giấu vào túi. Sự việc khiến mẹ Mi hết sức xấu hổ.
Trước đó, khi đến quầy mỹ phẩm của siêu thị, chị cứ tưởng Mi vơ nhiều thỏi son vì thích làm điệu giống mẹ nên đã không hỏi han cặn kẽ.

Nào ngờ khi chị trả son lại kệ hàng, Mi đã âm thầm lấy cắp. Về nhà, chị tra hỏi, Mi mếu máo nói: “Mua son mới trúng thưởng được!”.

Do biết hiệu son môi của mẹ sử dụng đang có chương trình khuyến mãi (giải cao nhất là căn hộ cao cấp), Mi đòi mua thật nhiều son để sớm có… nhà. Chị nhớ lại, tuần trước, chị đã nhờ tôi cào mã số bí mật ở miếng bìa thỏi son và nhắn tin điện thoại dự thưởng. Hai chị em đã nói đùa với nhau về viễn cảnh dọn về nhà mới, khỏi thuê nhà như hiện nay. Mọi việc đã được bé âm thầm ghi nhận và hành động khi có cơ hội.
Xem quảng cáo nhiều không hẳn tốt cho trẻ.
Xem quảng cáo nhiều không hẳn tốt cho trẻ.
Chuyện của Mi khiến tôi phải tìm cách ngăn ngừa cu Huân nhà mình. Tôi không cho Huân uống loại nước ngọt “ruột” của nó. Gần đây, Huân ghiền một loại nước ngọt không chỉ vì hợp khẩu vị mà do nhãn hiệu đang có chương trình khuyến mãi “bật nắp chai trúng ngay quà tặng hấp dẫn”. Quà tặng đâu chả thấy, chỉ thấy cu cậu đổ bệnh.

Thời tiết mùa này vốn khó ở, Huân lại biếng ăn, suốt ngày chỉ đòi nốc nước ngọt để thu thập nắp chai. Hậu quả là con trai bị ho, ói, sốt. Ra viện, Huân vẫn đòi được uống nước ngọt. Tôi không cho tiền, cu cậu xin ba, bà. Không ai cho, con giãy nảy, không chịu ăn.

Chưa biết làm sao để con bỏ giấc mộng giàu có nhờ… uống nước ngọt, thì nó lại mê trúng thưởng vàng khi sử dụng bột giặt. Tôi đi làm về mệt, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải lo dọn dẹp vì con trai làm tung tóe, vung vãi bột giặt khắp nhà.

Chuyện giặt giũ vốn không liên quan đến Huân, nhưng cu cậu đã hăng hái đổ cả bịch bột giặt vào thau quần áo dơ. Thấy con vừa lục lọi vừa cằn nhằn “sao chưa thấy ta?”, tôi sực nhớ tới đoạn quảng cáo “sử dụng bột giặt có cơ may trúng vàng”.
 
Những mẩu quảng cáo tưởng vô thưởng vô phạt lại len lỏi vào suy nghĩ của trẻ, vô tình khiến chúng làm những việc xấu. Mẩu nào cũng tạo cảm giác khách hàng sẽ “rất dễ ăn”. Tôi bảo con: “Quảng cáo chỉ chiêu dụ khách hàng mua nhiều sản phẩm, giải thưởng rất ít. Khách hàng hàng vạn, hàng triệu người nên việc kiếm giải thưởng khó như mò kim đáy biển”. Nó cãi lại: “Có nhiều người được giải thưởng rồi chứ. Tivi chiếu hoài đó mẹ!”.

Mẹ bé Mi thì khuyên con không cần săn thưởng mà cứ cố gắng học giỏi, mai này đi làm kiếm nhiều tiền sẽ mua được mọi thứ. Bé Mi nói: “Mẹ tính chuyện xa vời. Bây giờ mình dự thưởng, trúng liền phải sướng hơn không?”.

Nếu cấm đoán con, chúng tạm ngưng một thời gian và lại tiếp tục khi người lớn lơ là. Trước đam mê mù quáng của lũ nhóc, tôi biết rằng những người làm cha mẹ không dễ khiến con thay đổi. Hy vọng trúng mánh, có nhiều tiền ở trẻ dường như vô hiệu hóa những lời khuyên bổ ích của cha mẹ, thầy cô.

Không cho con xem quảng cáo cũng khó vì đó là chương trình khá thú vị, hấp dẫn với chúng. Trên truyền hình, quảng cáo lại chen giữa chương trình giải trí nên không chuyển kênh kịp. Vả lại, bên cạnh những mẩu quảng cáo có cách thể hiện vô duyên, thiếu lễ phép, hung hăng, bạo lực, gợi cảm thái quá hoặc kích thích lòng tham… vẫn có nhiều mẩu vui nhộn, dễ thương, mang tính giáo dục, định hướng tốt.

Trẻ ngày nay rất nhanh nhạy, cha mẹ không dễ dàng che mắt, bịt tai chúng. Với trẻ, nói nghịch ý là trẻ sẽ không nghe, nhất là đang trong “cơn say”. Tôi thử tìm cách nương theo con.

Mới đây, tôi áp dụng chiêu độc “gài người” và bước đầu có hiệu quả trong việc giúp con bớt “mê tín” quảng cáo. Tôi nhờ con gái lớn trợ giúp. Chị Hai sẽ nhập cuộc cùng em trai và bé Mi săn giải thưởng. Sau một tuần, cả bọn uống đến 25 chai nước ngọt mà chẳng thu được gì, chị Hai mới bắt đầu kêu chán và khuyên răn các bé đừng mơ “của trên trời”. Chị tính cho các bé thấy số tiền mua nước ngọt kia đủ để mua bánh kem sinh nhật, mua chiếc áo đẹp, mua sách truyện hoặc giúp đỡ người nghèo. Chị lên kế hoạch tuần sau cả nhóm sẽ không mua nước ngọt nữa mà tiết kiệm, góp tiền mua ba ký gạo tặng bà lão nghèo nhất hẻm. Huân và Mi cùng đồng ý.

Tết sắp đến, quảng cáo vào mùa, trẻ con lại có nhiều tiền lì xì nên dễ tiêu xài phung phí và bị kích thích lòng tham. Người lớn cần quan tâm, uốn nắn trẻ.

Theo PNO