Những bài học tuyệt vời từ hộp cơm Nhật Bản

20/04/2011 14:31
Ở Nhật, khi một đứa trẻ bắt đầu chập chững làm quen với những ngày đầu tiên tới trường, chúng cũng sẽ được học những bài học tuyệt vời nhờ những hộp cơm.

Ở Nhật, khi một đứa trẻ bắt đầu chập chững làm quen với những ngày đầu tiên tới trường, chúng cũng sẽ được học những bài học tuyệt vời nhờ những hộp cơm.

Những hộp cơm thường là do bố mẹ hoặc ông bà chuẩn bị cho con mang đến trường và hộp cơm đó chứa đựng cả tình yêu của họ dành cho các cục cưng của mình.

Chứa đựng tình yêu thương

Bất chấp việc Nhật Bản đang phải đối mặt với những khó khăn do trận động đất và sóng thần gây ra hồi đầu tháng 3 vừa qua tại đảo Honshu, phía bắc Nhật Bản, ở hầu hết những khu vực khác, cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường nhật. Tháng 4 được xem là tháng tựu trường trên khắp đất nước Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là các bậc phụ huynh lại bắt đầu phải hì hục dậy sớm chuẩn bị bữa trưa cho con.

Ở Nhật Bản, cơm hộp được gọi là Bento hay Obento. Trong khi hầu hết học sinh cấp 2 và tiểu học đều ăn cơm luôn ở trường thì học sinh mẫu giáo và cấp 3 lại phải mang cơm hộp đi. Đặc trưng của một hộp Bento là ở màu sắc bắt mắt và những hình trang trí độc đáo. Bento thể hiện mong muốn và tình yêu của người mẹ dồn vào cho đứa con cưng của mình. Một hộp Bento hấp dẫn không chỉ ở vẻ ngoài hấp dẫn mà còn đầy đủ dinh dưỡng.

Theo những bà mẹ chia sẻ trên blog về Bento, mỗi sáng họ mất khoảng từ 20 tới 30 phút để chuẩn bị cơm hộp cho cục cưng của mình. Những loại thức ăn để làm Bento có thể là thức ăn thừa từ hôm trước kết hợp với thức ăn đông lạnh hoặc thức ăn được chuẩn bị từ trước. 

Dù được làm với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau nhưng đều phải đảm bảo yếu tố cân bằng về dinh dưỡng. Luôn phải có ít nhất một loại rau và một loại chất đạm như thịt hoặc trứng trong hộp Bento.

Bento và bài học về cuộc sống

Năm 2005, Viện Luật cơ sở và Giáo dục dinh dưỡng Shokuiku Kihon Hou được thành lập bởi 12 bộ, ngành của Chính phủ Nhật Bản, đã đưa ra khái niệm về dinh dưỡng "Shokuiku" - nghĩa là giáo dục bản thân tự nhận thức về những thứ mình ăn về dinh dưỡng, thành phần xuất xứ và kể cả lịch sử hình thành của loại thức ăn đó...

Tại trường mẫu giáo Shin Yoshida, ngoại ô Yokohama, cách trung tâm Tokyo 20 phút, tất cả trẻ em đều mang cơm hộp từ nhà do bố mẹ hoặc ông bà làm sẵn cho. Cả giáo viên cũng mang cơm hộp theo để họ có thể cùng ăn với các bé. Giờ ăn trưa tại Shin Yoshida cũng được coi là dịp để các bé được học thêm về cuộc sống giống như giờ học về nghệ thuật hoặc thủ công...
 

 

Bà Sumie Kato, Hiệu trưởng Trường mầm non Shin Yoshida cho biết, "Shokuiku" là một phần tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Bà nói: "Đó không chỉ đơn thuần là bữa cơm trưa mà nó còn là một khóa học vô cùng quan trọng. Các bé sẽ được học cách trân trọng công ơn của bố mẹ và những người đã làm thức ăn. Các bé cũng sẽ được học về các nghi lễ xã giao đơn giản. Đặc biệt hơn, chúng sẽ có những kinh nghiệm về sinh hoạt tập thể và tạo lập mối quan hệ thân thiết với bạn bè".

Đầu tiên, các bé sẽ được học về vệ sinh bằng cách tự mình đi rửa tay. Sau đó, các bé sẽ ngồi thành từng nhóm ngay dưới sàn nhà và nói với các cô giáo về lòng biết ơn của mình khi có được bữa cơm ngon lành với các bạn. Các bé cũng không quên nói lời cảm ơn tới bố mẹ, các bác nông dân và những người đã góp công sức để các bé có cơm ăn.

Sau đó, các bé sẽ hát một bài hát với những câu hát dễ thương:

Obento, Obento, I'm so happy (Cơm hộp, cơm hộp, cháu rất vui vì được ăn cơm hộp)

My hands are nice and clean (Tay cháu đã sạch và thơm)

Let's all say together (Hãy cùng nhau nói…)

Itadakimasu! (…Cùng nhau ăn cơm)

Khi bài hát kết thúc cũng là lúc các bé mở hộp cơm và ăn. Các hộp cơm được làm với nhiều phong cách dễ thương khác nhau. Các bé sẽ phải cố gắng ăn hết hộp cơm của mình sau đó "khoe" với cô giáo với vẻ mặt đầy tự hào. Những bé không ăn được hết hộp cơm sẽ thấy có lỗi và hứa sẽ ăn hết cơm trong ngày hôm sau.

Sau khi tất cả đã kết thúc bữa ăn, các bé sẽ đồng thanh hô to "Goshisosamadeshita!" (nghĩa là: Cảm ơn vì một bữa ăn ngon!) rồi cùng nhau đi đánh răng.

Bà Kato luôn tin tưởng rằng những bài học về cuộc sống mà bọn trẻ học được trong các bữa ăn tuy nhỏ nhưng sẽ theo chúng đi suốt cuộc đời của mình.

Nhiều người Nhật cho rằng có sự liên hệ mật thiết giữa Bento với tình yêu thương gia đình, được hình thành ngay từ khi còn thơ ấu và sẽ theo suốt cuộc đời của người Nhật. Kể cả khi trưởng thành và đi làm, nhiều người khi mở hộp cơm ra sẽ nhớ tới người mẹ tảo tần của mình, người đã phải dậy sớm để chuẩn bị cơm hộp cho con.
 
Theo giadinh.net