Sợ bị bắt mạt, bố dạy con phải biết... đánh bạn

23/11/2011 11:05
Con gái anh Nguyên vốn nhỏ người, sợ con đi đâu cũng bị bắt nạt nên anh thường “dạy” con là phải… biết đánh trả. Bạn nói xấu… lườm bạn.
Mang thai, sinh con, nuôi con phát triển khỏe mạnh, giỏi giang là niềm mong mỏi của bất kì ông bố bà mẹ nào. Không ai muốn con mình thua thiệt hơn con nhà người khác, vậy là dù giàu có hay khó khăn thì cha mẹ cũng phải cố mà lo cho con, cũng cố gắng để thể hiện “con nhà mình là nhất”.

Cuộc sống hiện đại khiến những nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần đều tăng lên, yêu cầu chất lượng sống cũng tăng, nhất là đối với thế hệ tương lai – thế hệ con em chúng ta. Cha mẹ nào cũng canh cánh lo một điều rằng, con mình thiếu thốn một chút, thiệt thòi một chút thì sẽ khó phát triển và “có tương lai” sau này trong cuộc sống.

Để xóa đi nỗi lo này, các bậc cha mẹ ngày này lo cho con mình đến tận chân răng, kẽ tóc. Nhưng có điều, người lớn chúng ta không biết rằng, chính những gì người lớn làm và nghĩ rằng tốt nhất cho con vô tình lại là hại con.

Từ chuyện nuôi con…

Chị Thanh Hoài là cán bộ công chức nhà nước. Công việc nhàn rỗi, lại không phải đi sớm về tối nên chị cũng có nhiều thời gian chăm sóc con. Dù đồng lương công chức của chị khiêm tốn nhưng chồng chị lại là người có biệt tài “hái ra tiền” nên mọi chuyện về kinh tế chị không cần lo nghĩ. Chính bởi vậy mà chị luôn cho rằng, con gái chị phải được ăn những thứ ngon nhất và mặc những bộ quần áo đẹp nhất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dù cho con gái mới 3 tuổi nhưng được chị “tha” đi khắp đó đây. Cứ nghe nói có hàng quán nào ngon là hai mẹ con chị lại có mặt. Bạn bè khuyên chị nên nấu cho con ăn những đồ ăn đủ dinh dưỡng thay vì ngày nào cũng đưa con đi ăn các đồ ăn ở cửa hàng. Nhưng chị Hoài cho rằng, cái gì cũng phải cho con ăn để con quen và biết ăn nhiều loại thức ăn, như thế thì càng có nhiều chất cho cơ thể.

Dần dần, con bé không ăn cơm nhà nữa mà nay đòi đi ăn hàng này, mai đòi đi ăn quán khác, thậm chí cả tuần nó ăn một món cũng được. Cho đến khi cô giáo nói là bé không chịu ăn cơm ở lớp và dạo này cháu không tăng cân theo so với những lần cân đo trước đó thì chị Hoài mới giật mình.

Lúc này chị mới để ý kĩ con gái mình. Đúng là con bé chỉ cao lên một chút chứ không béo lên, thậm chí còn gầy gò hơn so với trước đó và thường xuyên có trạng thái mệt mỏi. Chị nhớ ra là những lần đi ăn, chỉ có chị ăn là chính chứ con gái chỉ gẩy gót vài miếng rồi nhìn trước nhìn sau, bảo là no rồi, không ăn nữa và đòi ăn thứ khác. Chị Hoài nghĩ đơn giản là con ăn mỗi thứ một ít cũng đủ rồi nên không ép con ăn thêm gì nữa. Giờ chị thấy xót con vô cùng và nhận ra mình đã quá sai lầm trong việc nuôi con.

… đến chuyện dạy con

Vợ chồng anh Thu chị Yến có cậu con trai năm nay lên 5 tuổi là Bi. Từ nhỏ Bi đã được bố mẹ cưng chiều và đáp ứng mọi yêu cầu cũng như yêu sách của con.

Cuối tuần, hai vợ chồng anh chị cho con đến nhà một người bạn chơi. Người lớn trong nhà đang nói chuyện thì thấy cu Bi khóc toáng lên ngoài sân. Cả hai vội chạy ra xem thì được chứng kiến cảnh tượng cu Bi nước mắt nước mũi tèm lem, vừa gào khóc vừa lao vào đánh cậu bé con chủ nhà cho dù cậu bé này lớn hơn Bi hai tuổi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Có lẽ do lớn tuổi hơn, lại biết điều nên cậu bé không đánh lại Bi mà cứ đứng đấy nhìn. Hỏi ra mới biết do Bi đòi tranh cái ô tô điều khiển từ xa của anh nhưng không được nên lăn ra “ăn vạ” và la làng như vậy. Thế mà suýt chút nữa thì bố mẹ Bi định mắng cho cậu bé một trận.

Bố mẹ Bi còn nói với vợ chồng bạn với vẻ không bằng lòng, ra điều anh lớn thì phải nhường em chứ, không nhường em nó khóc là đúng rồi.

Vợ chồng người bạn không nói gì, chỉ nhìn nhau cười. Hóa ra, ở nhà, cu Bi là “tướng”, muốn gì là phải được nấy.

Hay  bé Ù lì như con nhà anh Nguyên lại có tính đánh đá và đầu gấu hơn người. Con gái anh Nguyên vốn nhỏ người do bố mẹ cùng bé nhỏ, sợ con đi đâu cũng bị bắt nạt nên anh thường “dạy” con là phải… biết đánh trả. Bạn nói xấu… lườm bạn, bạn tranh giành đồ chơi, đồ ăn… giành lại, bạn đánh hay đẩy… đánh lại bạn.

Thay vì nhắc nhở con phải biết nhường nhịn hay sống hòa thuận với bạn bè, có xích mích thì phải nói với cô giáo, anh Nguyên lại dạy con giải quyết vấn đề bằng… bạo lực. Nghe lời bố, cô bé Ù lì giờ có biệt danh là “đầu gấu” khắp trường tiểu học.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ cho những cách dạy con phi khoa học của các ông bố bà mẹ. Những quan điểm dạy con này không phải mới mẻ gì, nó đang ngày càng lan rộng trong đại đa số các gia đình với những những ông bố bà mẹ trẻ sống trong thời đại ngày nay. Đây có thể coi là những sai lầm trong cách nuôi dạy con, mà mọi sai lầm từ việc nuôi dạy con đều có thể dẫn đến hậu quả tai hại cho con, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Yêu thương con không có nghĩa là chiều con. Đừng nghĩ rằng con trẻ không biết gì, sau này lớn dạy dỗ cũng được. Là cha mẹ, người lớn chúng ta hãy tự trang bị cho mình những kinh nghiệm và kiến thức phù hợp để dạy con phát triển đúng hướng chứ đừng chỉ máy móc làm theo những gì mà cá nhân mình cho là đúng.

Theo MaskOnline