Sợ cha mẹ như sợ... cọp

23/05/2011 08:30
“Cô ơi, con sợ ba lắm! Hình như ngày nào không mắng chửi con là ngày đó ba con ăn cơm không ngon!” – cậu bé chín tuổi P.T. đã lớn lên từng ngày với nỗi sợ hãi.

“Cô ơi, con sợ ba lắm! Hình như ngày nào không mắng chửi con là ngày đó ba con ăn cơm không ngon!” – cậu bé chín tuổi P.T. đã lớn lên từng ngày với nỗi sợ hãi đó...

Khi cha mẹ gieo nỗi sợ cho con

Đi học đã ba năm, T. chưa hề có một người bạn chơi cùng, hậu quả của thái độ lạnh lùng, ngang ngược, hay gây sự của cậu. Giáo viên chủ nhiệm sau nhiều lần hoà giải không thành những xích mích của đám học trò, phải nhờ đến phòng tham vấn tâm lý. Rất khó khăn để T. chia sẻ nỗi niềm của mình. T. sợ ba đến nỗi nhà rất bé nhưng nếu ba ở phía trước, T. lủi ra sau, ba ở dưới đất cậu bé chạy lên gác. Chẳng có việc gì T. làm mà ba vừa ý, lên mâm cơm do lỡ ợ hơi, T. bị ba mắng xối xả. T. xem tivi thì ba cằn nhằn bảo làm ồn, T. rủ bạn về nhà chơi thì ba la là quậy phá...

alt
 
Một trường hợp khác, được một giáo viên chia sẻ với thái độ vô cùng lo lắng. Thuỷ T., học trò của chị khi làm văn tả mẹ, đã so sánh: “Tôi ước mình là con của cô X, cô nhẹ nhàng và tình cảm, mỗi lần đến chơi với bạn, tôi cũng được hưởng ké không khí của gia đình hạnh phúc, còn mỗi khi nghĩ về mẹ tôi chỉ bị ám một chữ cấm! Mẹ cấm tôi ngủ trễ, mẹ cấm tôi học dở, mẹ cấm tôi chơi với bạn xấu, mẹ cấm tôi chơi game...”

Đó chỉ là hai trong nhiều nỗi niềm từ những học trò tiểu học mà chúng tôi tiếp cận được trong các cuộc tham vấn. Cũng như người lớn, trẻ cũng có nhu cầu được cha mẹ tôn trọng. Những lời mắng chửi, nhục mạ đe doạ cuộc sống của trẻ, làm cho trẻ lớn lên với tâm trạng xấu hổ, tự ti. Không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, trẻ dễ có thái độ sống lạnh lùng vô cảm. Bằng chứng là T. mỗi khi bực tức ba, thường đem con chó ra đánh cho hả giận!

Lo lắng và hoảng loạn

Trẻ học kỹ năng ứng xử từ chính thái độ cư xử của cha mẹ. Vì vậy, nếu trẻ càng gặp khó khăn, ức chế trong quan hệ với cha mẹ thì càng nhiều trở ngại trong các quan hệ xã hội như không biết hoà nhập với bạn bè; không biết bày tỏ cảm xúc của bản thân, gây hấn, thậm chí sử dụng bạo lực với bạn bè... Khổ sở trong quan hệ với gia đình lại thêm những khó khăn từ bạn bè trong môi trường học đường, trẻ dễ hoang mang, thiếu tự tin. Nhiều học sinh bị “dán nhãn” cá biệt thường là do những tổn thương tình cảm từ gia đình…

Giá mà cha mẹ đặt mình vào vị trí của con, để hiểu con mình phải chịu đựng rất nhiều từ sự áp đặt, cấm đoán hay những cách dạy dỗ thiếu khoa học. Để con ngoan ngoãn tuân phục, cha mẹ cần hiểu rằng trẻ rất cần được biết những điều cha mẹ cấm đoán thực sự có ý nghĩa gì. Nếu không được giải toả những ấm ức, trẻ cảm thấy bức bối và nhiều khi cho rằng mình đang bị ép buộc vô lý. Rất nhiều thư của trẻ tuổi tiểu học gởi đến phòng tham vấn, mang những câu hỏi tại sao với bao ấm ức: “Cô ơi, tại sao con không được xem phim truyện Việt Nam?”, “Cô ơi, bạn bè con đều có xe đạp, sao ba mẹ không chịu mua cho con?”, “Cô ơi, sao mẹ không cho con đi sinh nhật bạn?”...

Lắng nghe con

Bày tỏ quan điểm của mình và lắng nghe ý kiến của con là cách hữu hiệu nhất để cha mẹ hiểu được con cái. Thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy đưa ra lời đề nghị: “Mẹ nghĩ rằng con nên... Vì...” Hoặc những lời khẳng định sự mong muốn của cha mẹ, đồng thời tạo cơ hội, giúp trẻ có động cơ phấn đấu: “Nếu con đạt thành tích.../ con biết giúp đỡ mẹ... mẹ sẽ có phần thưởng cho con là món quà mà con yêu thích...” Như vậy, cha mẹ đã tạo động lực để giúp trẻ tiến bộ, ngoan hơn, giỏi hơn, đó cũng là cách nâng cao giá trị bản thân trẻ. Đứa trẻ sẽ lớn lên hàng ngày với những cảm xúc tích cực, hài hoà trong các mối quan hệ gia đình để từ đó trẻ sống tự tin và hạnh phúc.

Cư xử như thế nào để con cái cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ là một vấn đề quan trọng. Một gợi ý được nhiều chuyên gia tâm lý đưa ra, đó là đừng bày tỏ sự yêu thương bằng những gì cha mẹ muốn và áp đặt. Thay vào đó, hãy lắng nghe, chia sẻ những gì chúng cần bằng sự thông cảm, tôn trọng.
Theo SGTT