Trẻ đòi tiêu tiền: Mẹ nói không, bố thỏa hiệp

17/01/2012 09:50
Quan điểm giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền bao giờ cũng gây rất nhiều tranh cãi và thiếu đồng thuận…
Hỏi: Hai đứa con tôi đều đang ở tuổi mẫu giáo, chúng luôn đòi hỏi mua hết cái này đến cái khác, trong khi tôi rất hạn chế mua đồ cho lũ trẻ thì chồng tôi lại dễ dàng thỏa hiệp với chúng. Tôi nói với chồng, nên tiết kiệm để giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền, nhưng chồng tôi nói bọn trẻ còn nhỏ quá chưa cần thiết. Vậy quan điểm giáo dục trẻ ở tuổi mẫu giáo của tôi là đúng hay sai? (Hồng Thu – Lâm Đồng).

Gửi chị Hồng Thu!   


Quan điểm giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền bao giờ cũng gây tranh cãi và thiếu đồng thuận. Nhiều người rất muốn con cái họ hiểu giá trị đồng tiền, trân trọng sức lao động của cha mẹ. Nhưng ngược lại, nhiều bậc cha mẹ lại không quan tâm, họ cho rằng không nên để trẻ phải suy nghĩ về giá trị đồng tiền quá sớm, khiến chúng mất đi vẻ vô tư hồn nhiên, hiểu về tiền, tự khắc khi lớn trẻ sẽ biết!?
Quan điểm giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền bao giờ cũng gây rất nhiều tranh cãi và thiếu đồng thuận. (Ảnh minh họa).
Quan điểm giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền bao giờ cũng gây rất nhiều tranh cãi và thiếu đồng thuận. (Ảnh minh họa).

Hai quan điểm trên đều có những lý lẽ, đúng - sai riêng, vì ranh giới giữa hai cách giáo dục này rất mong manh nên khó có thể khẳng định được đâu là cách giáo dục đúng, đâu là cách giáo dục sai.

Theo kinh nghiệm và suy nghĩ cá nhân của Mẹ Cún, bất cứ phương pháp giáo dục nào cũng cần áp dụng linh hoạt với từng hoàn cảnh, cá tính, lứa tuổi của trẻ, sao cho trẻ lĩnh hội được những điều bổ ích để phát triển nhân cách hài hòa. Nghĩa là quan điểm giáo dục có thể đúng trong thời điểm này, nhưng không đúng trong một thời điểm khác.

Trở lại với quan điểm của chị Thu về giáo dục con cái biết tiết kiệm, biết trân trọng sức lao động của bố mẹ, ở lứa tuổi mẫu giáo, là hoàn toàn đúng đắn, nhưng có thể nó chưa phù hợp trong thời điểm chị yêu cầu sự hợp tác của chồng.

Muốn giáo dục trẻ trong bất cứ phương diện gì cũng cần có kế hoạch, có phương pháp và cần có sự đồng thuận của những người lớn trong gia đình.

Nếu chị Thu cố gắng giáo dục con cái theo quan điểm của mình, trong khi chồng chị lại không ủng hộ, e rằng sự giáo dục theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không đem lại những kết quả tốt.

Vì vậy, trước hết, chị Thu nên bàn bạc với chồng về những quan điểm giáo dục con cái, yêu cầu sự hợp tác, đồng thuận của chồng. Khi đã thống nhất một cách giáo dục phù hợp nhất, các bậc cha mẹ còn cần áp dụng phương pháp đã đưa ra một cách linh hoạt.

Muốn giáo dục con cái tính tiết kiệm, hãy giúp trẻ hiểu để có tiền con người phải lao động vất vả đến thế nào, từ đó trẻ sẽ hiểu giá trị thật của đồng tiền và giá trị của sức lao động. Thỏa thuận với các con sẽ không chi tiền bừa bãi cho tất cả các yêu sách của chúng, đồ chơi, quần áo chỉ được mua sắm khi đến thời điểm cần thay cũ đổi mới, cần tiết kiệm tiền để đảm bảo cuộc sống dài lâu, tiết kiệm tiền để gây dựng quỹ gia đình, phòng biến cố, đau ốm hoặc giúp đỡ người thân.

Vợ chồng chị Thu hãy làm gương cho con cái về cách tiết kiệm, chi tiêu, cách đối nhân xử thế và sắp xếp cuộc sống. Chắc chắn các con chị sẽ biết nhìn vào anh chị để trưởng thành.

Chúc chị và gia đình hạnh phúc!

Theo Eva