Xúc động thư gửi mẹ nhân ngày Tết Nhâm thìn

24/01/2012 08:57
Đêm 30 nơi xứ người, cả bọn quây quần nghe bài “Xuân này con không về”, một số thằng lẩm nhẩm hát theo, con bỗng thấy sống mũi mình cay cay.
Mẹ, đây sẽ là cái Tết thứ 6 con ăn Tết mà không được quây quần gia đình. Qua 5 cái Tết con tưởng mình sẽ cứng cỏi hơn, sẽ chai sạn hơn, sẽ bớt đi nỗi nhớ nhà. Vậy mà, hôm qua, lúc mẹ gọi sang bảo ở nhà đã là 29 Tết rồi đấy, con bỗng thấy chạnh lòng đến thế.

Chiều Matxcova lạnh buốt, dòng xe cộ ồn ào và dòng người xa lạ hối hả như bao ngày bình thường, với họ Tết “ta” chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ có con ngồi một mình mân mê tách cà phê trong quán vắng, lang thang trong ký ức về một miền xa thẳm.

Cảnh đón Tết của du học sinh Nga.
Cảnh đón Tết của du học sinh Nga.

Nơi ấy có tiếng cười khanh khách, giòn tan của các em, có dáng người liêu xiêu của mẹ mỗi phiên chợ Tết. Gánh hàng trĩu trịt trên vai mẹ, nào lỉnh kỉnh lá dong, gạo nếp, thịt lợn, đồ hàng mã, quần áo mới cho chúng con và cả một cành đào nho nhỏ, phơn phớt hồng… Nơi ấy, có lũ trẻ con quấn quanh chân bố để vòi tiền mừng tuổi, có nụ cười móm mém nhai trầu của bà… Những ký ức tuổi thơ tưởng như đã lãng quên nay bỗng trở về vẹn nguyên đến thế.

Ngày con lên máy bay sang Nga cũng là một ngày giáp Tết và rét mướt. Con vẫn nhớ mắt mẹ rưng rưng, nắm chặt tay con mà xót xa: “Sắp Tết rồi mà phải xa nhà, khổ thân con quá…” rồi cứ thế nức nở. Bố phải kéo mẹ lại để con kịp giờ lên đường.

Khi ấy, thằng con trai 20 tuổi với bao niềm đam mê khám phá, bao háo hức nơi phương trời mới, chỉ vài ngày là con quên khuấy cả nỗi nhớ nhà. Con háo hức liên hệ với các bạn, háo hức đi thăm các con đường, những ngôi nhà cổ kính, đẹp như bức tranh mà ở Việt Nam con vẫn mường tượng. Tết đầu tiên xa nhà, con chỉ thoáng chút chạnh lòng khi nhớ về giọt nước mắt của mẹ.

Nhưng đến Tết thứ hai, con mới thực sự thấm thía cái da diết nhớ về ngôi nhà ấm cúng, cái nỗi “thèm khát” được quây quần bên cả gia đình.

Khi ấy, trường con có khoảng hơn chục học sinh người Việt. Bọn con mỗi đứa mỗi quê nhưng đã nhanh chóng kết bạn với nhau. (Ở bên này, bắt gặp tiếng mẹ đẻ là thấy thân thương như anh em ruột thịt rồi). Sát Tết, cả bọn họp lại lên kế hoạch đón giao thừa.

Ở Matxcova có rất nhiều những con phố người Việt. Tuy nhiên, để mua được đồng bánh chưng và cân giò lụa, chúng con cũng phải lặn lội mấy giờ đồng hồ trên tàu điện ngầm. Thế nhưng, bánh chưng ở đây người ta gói bằng giấy bạc, đun trong nồi áp suất và chắc chắn không ngon bằng bánh ở nhà mình. Sau đó, để có bánh chưng xanh, bọn con lại phải chia nhau tìm ra khu chợ Việt mua lá dong với giá “cắt cổ” để bóc giấy bạc, bọc lại lớp bên ngoài cho đẹp đẽ hơn.

Mâm ngũ quả, bánh chưng, cân giò lụa do tự tay du học sinh làm cho cái Tết xa quê thêm ý nghĩa.
Mâm ngũ quả, bánh chưng, cân giò lụa do tự tay du học sinh làm cho cái Tết xa quê thêm ý nghĩa.

Cành đào thì chúng con “sáng tạo” bằng các cành củi khô, rồi cắt dán hoa bằng giấy thủ công. Vậy mà cũng nom đẹp phết.

Đêm giao thừa cũng đầy đủ mâm ngũ quả, mứt Tết, bánh chưng, gà luộc, giò lụa, nem, thịt đông… thịnh soạn. Giao thừa ở nhà mình là khoảng 8 giờ tối bên này, mấy đứa chúng con ngồi quây quần bên nhau đón Tết. Con gọi điện về nhà, lẫn trong lời dặn dò của mẹ vẫn còn nghe giòn tan tiếng pháo hoa nổ giòn giã.

Thế rồi, có đứa bật bài hát “Xuân này con không về”, mấy đứa lẩm nhẩm hát theo. Con bỗng thấy sống mũi mình cay cay. Quay sang, mấy thằng bạn nước mắt cũng đã rơi từ khi nào.

Thế mà cũng qua 5 cái Tết rồi, cái Tết thứ 6 cũng sắp đến. Con biết giờ này mẹ đang tất tả đi chợ, bố thì lo sửa lại cái mái nhà, còn các em thì lau dọn nhà cửa cho sạch sẽ, tinh tươm. Mẹ vẫn bảo, Tết có vui đến mấy thì niềm vui cũng không trọn vẹn vì còn thương con bơ vơ nơi xứ người. Nhưng Tết này thì khác, năm sau là con ra trường rồi, con sẽ được về bên mẹ và gia đình. Con cũng biết, vì thế, mẹ đem cả nỗi hân hoan này cho cái Tết năm nay.

Mẹ, chờ con, mẹ nhé!

Theo Infonet