Gặp lại sát thủ thoát án tử hình

24/04/2011 08:37
Vậy là bốn năm đã trôi qua. Quãng thời gian đủ để cỏ phủ xanh trên mộ người xấu số và kẻ phạm tội chấp hành xong 1/3 thời hạn tù mà bản án đã tuyên.
Vậy là bốn năm đã trôi qua. Quãng thời gian đủ để cỏ phủ xanh trên mộ người xấu số và kẻ phạm tội chấp hành xong 1/3 thời hạn tù mà bản án đã tuyên. Dẫu đã gặp Chung tại phiên tòa sơ thẩm nhưng khi nhìn thấy từng bước chân vội vã của Chung trên lối nhỏ dẫn ra căn phòng gần cổng chính gặp người nhà, tôi vẫn thấy bất ngờ.
 Lê Ngọc Chung tại phòng khách dành cho phạm nhân ở Trại giam Thanh Lâm
Lê Ngọc Chung tại phòng khách dành cho phạm nhân ở Trại giam Thanh Lâm
Nước da vẫn trắng, đôi bàn tay vẫn nhỏ bé nhưng suy nghĩ của Chung thì đã chín chắn hơn trước. Bốn năm trời, gần 1.500 ngày trong trại giam với bao đêm thức trắng, ân hận và day dứt, đau khổ và tuyệt vọng, chán chường và mệt mỏi… đủ để biến một thiếu niên thành một thanh niên trưởng thành.
Quá khứ sẽ lùi xa, mọi việc sẽ vùi sâu vào quá khứ, nhưng tình cảm của Chung với người mẹ thì không hề thay đổi. Dẫu sao, người mẹ ấy vẫn còn cơ hội nhìn lại con khi mãn hạn trở về và đứa con tội lỗi ấy cũng có điểm tựa vững chắc là người mẹ với một tình yêu thương con vô bờ bến.
Sau hai năm ở Trại giam Thanh Xuân, Chung được đưa vào Trại giam Thanh Lâm, Như Xuân, Thanh Hóa. Nếu tính từ ngày gây án đến giờ, cũng đã suýt soát bốn năm rồi. Quãng đường từ Thanh Oai, Hà Nội vào đến Trại giam Thanh Lâm gần 200km. Với quãng đường ấy, thanh niên chạy xe đã vất vả nhưng bà Chín vẫn không quản ngại, hai tháng một lần, cưỡi chiếc xe máy đời 82 vào thăm con. Lần nào bà cũng dậy từ 3h sáng, vào đến nơi khi giờ hành chính của một ngày mới bắt đầu. Bà được gặp con trong một tiếng đồng hồ, sau đó nghỉ ngơi một chút cho lại sức rồi lại tiếp tục hành trình trở về.
Bà Chín bảo: “Lúc đi vào thăm con, còn có động lực chứ lúc quay về nhà, chẳng có gì chờ đợi ở đó cả, nhiều lúc chán nản lắm” - nói vậy nhưng bà lại như an ủi mình, mình không được phép gục ngã! Sau khi con gây án, ông chồng “quý hóa” bỏ đi như một cuộc trốn chạy, con gái lấy chồng hình như sợ vạ lây hoặc mang tiếng nên cũng rất ít khi qua lại với mẹ. Bà Chín không giận con, bà bảo rằng, dù gì từ nhỏ đến lớn nó sống với bố, bây giờ bố nó cũng chẳng còn đây, nó thì cũng lấy chồng, hy vọng gì sự chia sẻ. Vì cuộc sống gia đình như vậy nên bà chẳng mong gì mỗi lần vào thăm con có con gái đi cùng dẫu biết mình bà vượt một quãng đường dài có biết bao rủi ro, nguy hiểm sẵn sàng ập đến.
Thực tế, trước khi tôi vào trại giam thăm Chung với tư cách là người nhà (tôi đi cùng mẹ Chung), tôi đã có vài lần biết tin cậu qua thư. Lá thư nào Chung cũng hứa là sẽ cố gắng cải tạo tốt để được giảm án trở về báo hiếu mẹ. Bên cạnh đó, cậu cũng luôn khoe rằng, có lẽ do thấy cậu quá bé nên các giám thị luôn quan tâm và xếp cho công việc nhẹ nhàng.
Bà Chín từng kể với tôi rằng, hồi còn ở quê, dù nhà làm nông nhưng mẹ sợ con trai vất vả nên không cho làm việc gì, chỉ biết học. Và chính vì ít lao động nặng nên tay chân cậu cứ mềm mại như con gái. Chính Chung cũng từng kể với tôi như thế! Khi ngồi ở phòng chờ phạm nhân, tôi cứ nghĩ, không biết cậu ấy, sau một thời gian dài “nếm mật nằm gai” ở trại giam có già đi tí nào không? Có bớt thư sinh không?
Đang mông lung suy nghĩ thì bà Nguyễn Thị Chín giật nhẹ tay áo: “Chung đến rồi kìa” - tôi quay ra nhìn phạm nhân Lê Ngọc Chung với khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh, Chung nở nụ cười chào mẹ rồi lễ phép quay sang chào tôi. Tôi liếc nhanh xuống đôi bàn tay đang đan nhau nghi ngại của Chung, quả đúng là một đôi tay rất mềm mại. Và tôi tự hỏi, với đôi tay ấy, cậu làm sao có thể xuống tay một lúc giết chết ba mạng người và làm bị thương hai người chỉ trong một đêm? Tuy nhiên, những lời khai của Chung cũng đều đã có trong bản án, những suy luận của tôi chẳng có cơ sở nào.
Bà Chín chỉ sang tôi và hỏi Chung: “Con có biết ai đây không?”- Chung gật đầu và vui vẻ nói về những lá thư mà hai chúng tôi đã từng trao đổi với nhau. Chung bảo rằng, từ ngày cậu bước chân vào tù, ngoài mẹ ra, chưa một lần nhận được lời an ủi động viên của chị gái hay bố cả. Khi nhận được thư của tôi, Chung đã khóc nhiều, cậu khóc vì ân hận đã làm việc không phải, và khóc vì cảm thấy mình vẫn còn được yêu thương bởi người khác chứ không phải chỉ riêng người mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra.
Chung kể, lần nào mẹ vào cũng kể những chuyện sinh hoạt làng xóm rất vui, mẹ luôn tự hào về con trai dù đứa con ấy đã gây ra tội lớn. Khi tôi hỏi bà Chín về những tâm sự ấy, bà cười bảo rằng, con trai bà đúng là đã gây ra tội, và nó đang phải trả giá cho tội ác ấy. Mỗi lần vào, bà vẫn thường vui vẻ động viên con cải tạo tốt, bà không mắng con (dù bà rất giận nó) vì như vậy sợ nó lại suy nghĩ lung tung. Nó ở trong trại, dù có được các quản giáo quý mến đến đâu, dù được các bạn tù thương đến mấy thì cũng đang ở tù chứ không được tự do, mà cuộc sống sau song sắt thì làm sao mà sung sướng được, với những suy nghĩ ấy nên lần nào gặp con, bà cũng muốn được nhìn thấy con cười, nhìn thấy con vui vẻ chào tạm biệt mẹ trước khi nhận đồ tiếp tế để trở lại phòng giam.
Chung bảo, cậu may mắn vì luôn có mẹ ở bên, dù biết rằng con đường trở về còn lâu lắm nhưng cậu vẫn sẽ không thôi hy vọng mình được giảm án. Qua cách trò chuyện của Chung, tôi thấy cậu đã lớn hơn rất nhiều. Những câu nói của Chung có vẻ thận trọng hơn, cân nhắc hơn. Chung cũng bảo riêng với tôi rằng, cậu thương mẹ vô cùng và nếu không có mẹ, có lẽ cậu đã tự tử  từ lâu rồi. Thế nhưng, cứ nghĩ đến mẹ, lúc nào cũng vò võ một mình, tuổi già đi lại vất vả, lại thêm bệnh tật đau ốm… rồi mỗi lần vào thăm con, chạy xe một mình hàng trăm cây số, cậu lại xót xa. Nhớ hôm 26 Tết vừa rồi, mẹ vào đến nơi, nhìn thấy con mà chẳng hỏi được câu nào bởi mẹ đi đường rét quá, chân tay mồm miệng cứng đơ hết cả. Nhìn mẹ, đứa con tội lỗi bỗng cảm thấy ân hận vô cùng. Cứ ước, giá như mình không gây ra tội ấy thì vào thời điểm này, mẹ đang ở nhà, trong gian bếp nhỏ ấm mùi thức ăn và hỏi han con đủ chuyện ở trường.
Dù tấm lưới sắt phía trước như ngăn cách giữa tự do và bị ràng buộc bởi tội ác thì sau cuộc trò chuyện hôm ấy, tôi nhận ra, Chung là một đứa con rất có hiếu với mẹ. Cậu luôn miệng hỏi về căn bệnh của mẹ có phát mạnh hơn không? Cậu cứ dặn đi dặn lại mẹ đừng ăn mặn quá mà bệnh thận sẽ phát triển nhanh hơn…! Mỗi lời nói của Chung cho thấy cậu ấy đã nhận thức được và cảm thấy vô cùng ăn năn hối hận đối với việc làm của mình trong quá khứ. Chung luôn hứa với mẹ sẽ cố gắng cải tạo tốt nhất để được giảm án và sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Trong cuộc gặp ấy, tôi đã định hỏi Chung một lần nữa về tội ác của cậu nhưng cuối cùng, nhìn niềm hạnh phúc của người mẹ được gặp lại con, nhìn nụ cười đã thực sự trở lại trên đôi môi của người mẹ đau khổ một thời ấy, tôi bỗng cảm thấy mình có lẽ không nên nói ra cái điều buồn bã ấy.
Sau một giờ trò chuyện với sát thủ tuổi teen Lê Ngọc Chung, nghe những tâm sự mới nhất của Chung, tôi còn nhận ra một điều, dường như - chính tình yêu thương mà các quản giáo dành cho Chung đã giúp cậu từng ngày gột rửa tội lỗi. Và tôi cũng nghĩ rằng, khi người ta nhận ra sai lầm của mình và hối lỗi thì điều đó có nghĩa, trong trái tim non trẻ ấy đã thực sự hướng thiện thật rồi.
Theo Tiểu Linh/ANTĐ