Dễ như trộm cắp tại bệnh viện

06/12/2011 07:37
Thu Hạnh/ANTĐ
Tròn 1 tháng sau vụ bé trai sơ sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, công tác đảm bảo an ninh ở các bệnh viện không có nhiều thay đổi.

Tròn 1 tháng sau vụ bé trai sơ sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, công tác đảm bảo an ninh ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội không có nhiều thay đổi, trộm cắp, móc túi vẫn liên tục xảy ra.

Dễ như trộm cắp tại bệnh viện ảnh 1

Nhiều khu vực đông người trong bệnh viện chưa được cảnh báo trộm cắp


Yếu phòng ngừa

7h45 sáng, cổng bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng, Hà Nội) nườm nượp người ra vào, lẫn trong đám hỗn độn ô tô, xe máy, taxi… dừng đỗ tràn lan dưới lòng đường. Ngay tại cổng chính, dù có nhân viên bảo vệ ứng trực liên tục cầm loa nhắc nhở, nhưng cảnh lộn xộn, mất ANTT ngay lối ra vào không thể kiểm soát. Tại khu vực thu viện phí (tầng 2, 3) Khoa Khám bệnh bệnh viện này, cả trăm người dân xếp hàng chật kín hành lang. Ở mỗi tầng đều có nhân viên bệnh viện ứng trực hướng dẫn, chỉ đường cho người đến khám bệnh, nhưng tuyệt nhiên không có lực lượng bảo vệ.

Ghi nhận của PV gần 1 giờ đồng hồ tại Khoa Khám bệnh bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn quá tải, nhưng không hề có một khuyến cáo, cánh bảo phòng ngừa trộm cắp nào phát ra từ hệ thống loa truyền thanh.

Khu thanh toán viện phí - bệnh viện K đông đúc chẳng kém. Để hạn chế mọi người tụ tập ở đây, các bác sỹ yêu cầu bệnh nhân ngồi xếp hàng ngoài sân, chờ gọi loa theo thứ tự. Bỏ qua quy định đó, hàng chục người đến khám bệnh vẫn cố chen lấn, bất chấp nỗ lực duy trì trật tự của nhân viên bảo vệ. Phòng phát hiện sớm ung bướu, có lẽ là khu vực đông bệnh nhân nhất bệnh viện K. Gần trưa, sảnh chính phòng khám rộng chừng 20m2 vẫn chật kín người. Kẻ đứng, người ngồi đều mệt mỏi. 

Đông đúc là vậy, nhưng giống ở bệnh viện Bạch Mai, tại đây không có một cánh cáo nào về tình trạng trộm cắp, móc túi. Trao đổi với một bảo vệ bệnh viện K, anh này thừa nhận: lợi dụng chen lấn ở những chỗ đông người, sự mất cảnh giác của một số người bệnh cùng thân nhân, kẻ gian đã trà trộn lấy cắp tài sản, tiền bạc. Bảo vệ luôn canh chừng nhưng gần như ngày nào cũng có bệnh nhân đến báo mất cắp ví tiền, điện thoại.

Mới đây, 9h ngày 2-12, chị Trần Thị Lanh, ở phường Kim Tân, TP Lào Cai đến khám bệnh tại bệnh viện K, bị Vũ Trọng Chuyển (SN 1953), ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội - đối tượng có 4 tiền án, vờ làm quen rồi móc trộm 1 điện thoại di động. Đối tượng sau đó bị lực lượng Công an Hà Nội phục kích bắt giữ. 

Trộm cắp ngay tại giường bệnh

65 tuổi nhưng Dũng vẫn dễ dàng “đột nhập” vào trộm cắp ở bệnh viện

Khảo sát tại nhiều BV tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội những ngày qua, điểm chung dễ nhận thấy là biện pháp phòng ngừa trộm cắp tại đây chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh viện nào cũng quy định giờ vào thăm nom, có bảo vệ ứng trực nhưng kẻ gian vẫn thản nhiên “đột nhập”. Trường hợp của Chu Ngọc Dũng (SN 1947), trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là một ví dụ.

Đối tượng kể lại: 4h ngày 29-11, do mất ngủ nên ra hồ Gươm tập thể dục. Gặp mưa to, Dũng nảy sinh ý định “đột nhập” vào bệnh viện Việt Đức trộm cắp. Dạo qua các phòng điều trị nội trú ở tầng 4, Khoa Khám bệnh tự nguyện bệnh viện này, Dũng nhanh tay trộm cắp được 3 chiếc điện thoại di động của bệnh nhân. Khi đang “ăn” vụ thứ 4, đối tượng bị người dân phát hiện bắt giữ, bàn giao cho CAP Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.  

Nói về thực trạng trộm cắp ở 4 bệnh viện: Phụ sản Trung ương; Bệnh viện K; Việt Đức; Răng Hàm Mặt trên địa bàn, Trung tá Tô Quốc Đồng - Phó Trưởng CAP Hàng Bông cho biết: Mỗi ngày 4 bệnh viện trên đón tiếp từ 2.000-3.000 lượt bệnh nhân vào khám chữa, chưa kể số người nhà bệnh nhân đi kèm. Quá tải tại bệnh viện khiến nạn trộm cắp diễn biến ngày càng phức tạp.

Nhiều năm qua, lực lượng công an đã tham mưu cho Ban Giám đốc các bệnh viện, lực lượng bảo vệ treo biển, phát loa cảnh báo ở khu vực đông bệnh nhân, phân công người cắm chốt, đặc biệt là lập tủ cất giữ tài sản cho người nhà bệnh nhân, nhưng chưa bệnh viện nào thực hiện. Yếu biện pháp phòng ngừa nên tuần nào cũng tiếp nhận 1, 2 trình báo mất cắp tài sản ở các bệnh viện - Trung tá Đồng thông tin.

Không thể phủ nhận nhiều bệnh viện đang tích cực triển khai biện pháp đảm bảo ANTT tại cơ sở khám chữa bệnh, như tăng cường lực lượng bảo vệ, hạn chế người ra vào, thậm chí lắp đặt hệ thống camera giám sát… song không thật sự hiệu quả. Bảo vệ bệnh viện tiếng là đào tạo “chuyên nghiệp”, nhưng do thuê ngoài nên thường xuyên luân chuyển chỗ làm việc, chưa được trang bị nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm phát hiện, bắt giữ đối tượng trộm cắp.

Các bệnh viện ở Hà Nội nên học tập cách làm hay của bệnh viện Từ Dũ - TP Hồ Chí Minh. Trong sổ khám chữa bệnh của bệnh nhân, bệnh viện đều kẹp một tờ gấp khuyến cáo, cảnh báo các thủ đoạn, phòng ngừa kẻ gian trộm cắp, kèm theo số điện thoại “đường dây nóng”. Biện pháp không tốn kém lắm mà hiệu quả, vừa nâng cao được ý thức phòng ngừa của nhân dân, vừa có tính răn đe tội phạm - đại diện CAQ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm.

Thu Hạnh/ANTĐ