Kỳ án: Nghi ngờ chuông cổ, hàng trăm dân đốt phá trụ sở xã

14/10/2011 05:45
Tuệ Minh
(GDVN) - Theo người dân xã Yên Phụ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), chiếc chuông ấy đã gần 200 năm tuổi và nó đã bị đánh tráo một cách bí hiểm.
Tin đồn "ác" “làm vỡ” trụ sở UBND xã
Chùa Phúc Sơn (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) vốn là một ngôi chùa đã có từ lâu. Và chiếc chuông đồng trong ngôi chùa ấy, theo nhiều người dân cũng gần 200 năm tuổi rồi.
Sự việc bắt đầu trở nên ầm ĩ và căng thẳng đến mức xảy ra bạo lực khi một số người dân cho rằng chiếc chuông cổ của chùa làng mình đã không còn trong chùa nữa. Họ cho rằng nó đã bị sư trụ trì thông đồng với cán bộ UBND xã Yên Phụ bán đi và đánh tráo chuông giả.

Người dân cho rằng chiếc chuông này là giả
Người dân cho rằng chiếc chuông này là giả

Một đồn mười, mười đồn trăm và câu chuyện về chiếc chuông bị đánh tráo cứ thế lan nhanh ra khắp làng, xã. Tất cả những lời giải thích của trụ trì chùa cũng như các cán bộ địa phương rằng chiếc chuông đang ở trong chùa là chiếc chuông cổ, chưa hề bị đánh tráo đều trở nên vô ích.

Hàng trăm người dân đã kéo đến đập phá, phóng hỏa trụ sở UBND xã. Thậm chí, một cán bộ Phòng Văn hóa thông tin của huyện còn bị giam lỏng, làm nhục và hành hung… Sau đó, một số người dân đã treo chiếc chuông ấy ra giữa sân UBND xã Yên Phụ.

Tụt quần cán bộ văn hóa

Câu chuyện này đã xảy ra cách đây hơn 1 năm nhưng đến giờ, ông Nguyễn Quý Hiền vẫn bị ám ảnh về vụ việc đó. Ông chính là người cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Yên Phong bị hành hung và làm nhục hôm đó.

Vị cán bộ Phòng văn hóa lắc đầu nhớ lại: hôm đó là ngày 2/5/2010, ông được giao nhiệm vụ công bố kết quả giám định về tuổi quả chuông của chùa Phúc Sơn theo giám định của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh. Kết quả ghi rõ: Đây là chiếc chuông cổ đúc vào đời Nguyễn, triều vua Minh Mệnh thứ 7 (năm 1826).

Khi ông Hiền vừa dứt lời công bố kết quả thì hàng trăm người dân có mặt tại sân chùa đã la ó, phản đối. Nhiều người cho rằng: “khảo cổ dỏm”, “ăn tiền làm điêu”. Sau đó, ông Hiền và một số cán bộ xã về trụ sở UBND xã Yên Phụ họp rút kinh nghiệm.

Nhưng những người kích động khi trước trong sân chùa vẫn chưa chịu về mà kéo đến và xông vào hội trường UBND xã.

Trụ sở UBND xã tan hoang sau khi một số đối tượng quá khích phóng hỏa
Trụ sở UBND xã tan hoang sau khi một số đối tượng quá khích phóng hỏa

Thấy nguy hiểm, ông Hiền đi từ hội trường sang trụ sở của Công an xã lánh nạn nhưng cũng không yên thân. Những người quá khích đã lăng mạ, tắt điện, hành hung ông Hiền, lực lượng công an ở đó cũng không kịp trở tay. 

Đến 21h cùng ngày, ông Hiền được một số người dân đưa ra chân cầu thang nhà hai tầng – nơi có điện cao áp để dễ bảo vệ. Tuy nhiên, các đối tượng quá khích vẫn lao lên đánh, khống chế lực lượng bảo vệ và đập vỡ tài sản. Sau đó, ông Hiền bị ép nằm trên bàn gỗ và phải xác nhận, kết quả giám định không đúng sự thật. 

Hai giờ đồng hồ sau đó, ông Hiền bị Tô Văn Tuyến tụt quần và bị khiêng ra sân trụ sở UBND xã để đánh, giữ làm con tin. Nhận định sự việc đã diễn ra đến mức nghiêm trọng, lực lượng công an đã đến giải cứu ông Hiền và đưa đi.

Tới tận 4h ngày hôm sau, vị cán bộ Văn hóa huyện này mới thoát thân và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).

Sau hơn 8 giờ đồng hồ bị hành hung, ông Hiền được nhập viện
Sau hơn 8 giờ đồng hồ bị hành hung, ông Hiền được nhập viện

Phiên tòa đông bị cáo với nhiều tội danh

Ngày 9/6 vừa qua, TAND huyện Yên Phong đã đưa các đối tượng trong vụ án gây rối, đập phá trụ sở UBND xã và lăng mạ cán bộ Văn hóa của huyện ra xét xử.

Theo đó, các bị cáo trong vụ án này là: Nguyễn Thị Hồng, Lê Văn Đảm, Chu Văn Thành, Chu Văn Thìn, Nguyễn Văn Toán, Đào Văn Việt, Tô Văn Tuyến, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Trường, Nguyễn Văn Liêm, Đinh Văn Minh, Nguyễn Thị Hợi, Chu Văn Hòa, Đặng Văn Nam, Dương Văn Đạt và Dương Thị Sửu cùng ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).

Trong đó, các đối tượng “đầu têu” kích động trong vụ án này là Nguyễn Thị Hồng, Dương Thị Sửu. Đây cũng chính là hai người đã lăng mạ ông Hiền trong khi ông này bị Đảm trông giữ. Thậm chí lúc đó, Hồng đã ra oai, hô lớn: “Hôm nay đàn ông không xử thì đàn bà sẽ xử lý…”.

Không chỉ vậy, Đảm còn bị cáo buộc là đã cùng Chu Văn Thành đập phá tài sản của UBND xã Yên Phụ. Trong khi đó, Chu Văn Thìn đốt tài sản của UBND xã, làm hư hỏng xe máy của lực lượng công an.

Vì lẽ đó, TAND huyện Yên Phong đã tuyên phạt Lê Văn Đảm 11 năm 3 tháng tù về tội hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng và giữ người trái pháp luật. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm đến 8 năm tù về các tội hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, làm nhục người khác, giữ người trái pháp luật.

Cho rằng, mình không phạm tội hủy hoại tài sản, Đảm đã kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Ninh xem xét lại tội danh của mình. Còn Hồng, Sửu và Thìn thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 19/9, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án có nhiều bị cáo với nhiều tội danh này.
 
Sau khi xem xét các chứng cứ cùng lời khai của các nhân chứng, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Đảm là 45 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và tuyên hủy phần án về tội hủy hoại tài sản của Đảm.

Còn bị cáo Thìn bị phạt 8 năm tù về tội hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng; sửa một phần bản án sơ thẩm tuyên Sửu, Hồng – mỗi bị cáo 18 tháng tù treo trong khi án sơ thẩm tuyên 18 tháng tù.
Tuệ Minh