Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Ngày về của ông lão mang án hiếp dâm

03/09/2012 11:38
Ông S. tâm sự rằng: “Giờ đã tự do, tôi chỉ mong sao những ngày tháng cuối ở cuộc đời này, tôi sẽ không phạm phải sai lầm gì nữa...".

Tôi gặp lại ông S. (74 tuổi, ở Hà Nội) sau một năm ông được đặc xá vào dịp mùng 2/9. Ông S. giờ đây đã khác nhiều so với lần gặp mặt khi ông bước thất thểu ra khỏi cánh cổng nhà giam. Lúc đó, phần vì vui được trở lại với gia đình, bạn bè, phần buồn vì lo lắng cho cuộc sống sắp tới nên khi tôi định hỏi thăm một vài câu, ông chỉ cúi đầu lẳng lặng quay bước và cho tôi địa chỉ gia đình ông.

Ông S. khi được ân xá vào dịp mùng 2/9
Ông S. khi được ân xá vào dịp mùng 2/9

Ngồi ngả lưng bên chiếc ghế gỗ, ông S. với mái tóc dài bạc trắng như cước cùng gương mặt hiền hòa trông giống như một lão tiên ông. Ít ai có thể tin rằng, cách đây 2 năm, chỉ vì không kiềm chế được dục vọng của bản thân, ông S. đã phạm vào tội “hiếp dâm” và phải lãnh án 9 năm tù giam khi đã vào gần cái tuổi “cổ lai hy”.

Vốn nhà ông S. có một cửa hàng tạp hóa, ông và vợ mình thay nhau trông quán, khách hàng chủ yếu là những người sinh sống quanh khu phố nơi gia đình ông định cư. Trong số đó, có cháu L. (13 tuổi) thường xuyên sang quán ông S. để mua đồ dùng cho mẹ. Sau nhiều lần cho cô bé L. kẹo, bánh, được cô bé quý mến, hay sang chơi, ông S. không kiềm chế được bản thân đã thực hiện hành vi cưỡng bức bé L. nhiều lần. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, việc làm của ông S. bị vỡ lở, bố mẹ cháu L. căm phẫn đã làm đơn tố cáo.

Ngày TAND thành phố xét xử, bị cáo râu tóc bạc trắng được vợ và các con đưa đến tòa. Phòng xử diễn ra trên tầng 3, ông S. phải khó nhọc lắm mới leo lên được hết số bậc cầu thang.

Trước vành móng ngựa, vừa khó nhọc khai tội, ông S. liên tục lấy chiếc khăn mang theo thấm những giọt mồ hôi thi nhau túa ra trên khuôn mặt đầy nếp thời gian. Nhìn cảnh tượng đó nhiều người không khỏi chua xót vừa giận vừa thương cho ông lão đã ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn gây ra tội lỗi.

Ông S. kể với tôi rằng, từ khi vào trại giam, do tuổi già và tình trạng sức khỏe kém nên ông được đưa ngay vào trạm xá và sinh hoạt luôn tại đây. Hàng ngày, ông được các cán bộ trại giam động viên cải tạo tốt và cũng được tạo điều kiện cho một phạm nhân khác ở bên để chăm sóc cho ông.

Cuộc sống trong tù của ông S. cũng không quá cực nhọc, hằng ngày ông vẫn được xem ti vi, được đọc báo nhưng cái giá lớn lao đó là không được tự do để ngồi suy nghĩ về những lỗi lầm mình đã gây ra. Mỗi lần, vợ con ông đến thăm ra về, ông S. đều ngậm ngùi ngồi khóc vì nghĩ đến cảnh gia đình phải chịu những điều tiếng do mình gây ra.

Mặc dù người vợ nhân từ của ông đã rộng lượng tha thứ cho hành động thú tính nhưng mỗi lần đối diện với bà, ông chỉ biết cúi gằm mặt. Có lần con trai ông lên thăm kể rằng, đã không ít lần vợ ông phải to tiếng với hàng xóm láng giềng để bảo vệ chồng mỗi khi có người ác miệng đem chuyện phạm tội của ông ra mà bêu xấu. Nhất là khoảng thời gian đầu khi ông S. mới vào tù, đêm nào vợ ông cũng khóc rưng rức, phải nhiều tháng sau đó bà mới ổn định lại được tinh thần.

Do trong thời gian chịu hình phạt, ông S. đã có biểu hiện tốt cùng với tuổi đã cao nên trong dịp ân xá nhân ngày Quốc Khánh mùng 2/9, ông S. đã được ra tù trước 2 năm. Niềm vui như vỡ òa khi người thân thấy ông vẫn mạnh khỏe để trở về cùng với gia đình.

Ai cũng có những lỗi lầm trong cuộc đời, điều quan trọng là biết hối hận và muốn sửa chữa. Ông S. cũng vậy, tội lỗi của ông đã phải trả giá bằng 7 năm sống trong chốn lao tù, dằn vặt với “tòa án lương tâm” của chính mình. Trước khi chia tay, ông S. có tâm sự rằng: “Giờ đã tự do, tôi chỉ mong sao những ngày tháng cuối ở cuộc đời này sẽ không phạm phải sai lầm gì nữa, cố gắng sống tốt để được mọi người ghi nhận mà tha thứ cho tôi về những hành động xấu xa đã gây ra trong quá khứ”.

Theo Kinh Vân (Infonet)