Những thay đổi chóng mặt trong Tân Tây Du Ký

27/07/2011 00:27
(GDVN) – Mới đây, đạo diễn Trương Kỷ Trung đã dành một cuộc phỏng vấn độc quyền tạp chí Nam Đô tại Quảng Châu.

(GDVN) - Mới đây, đạo diễn Trương Kỷ Trung đã dành một cuộc phỏng vấn độc quyền cho tạp chí Nam Đô tại Quảng Châu. Đạo diễn họ Trương cho biết: Tân Tây Du Ký sẽ có sự thay đổi chóng mặt trên rất nhiều phương diện, hứa hẹn sẽ đem lại cái nhìn hoàn toàn mới đến cho người hâm mộ.

Bộ phim truyền hình Tây Du Ký phiên bản 1986 được đánh giá là một tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Trung Quốc. Tây Du Ký phiên bản Triết Giang mới phát sóng nhưng cũng không gây được ấn tượng như mong đợi. Chính vì thế, Tân Tây Du Ký phiên bản Trương Kỷ Trung sẽ lên sóng ngày 28/7 sắp tới thu hút nhiều sự quan tâm chú ý từ phía khán giả.

Theo những chia sẻ của đạo diễn Trương Kỷ Trung với tạp chí Nam Đô, Quảng Châu, Tân Tây Du Ký sẽ có nhiều điểm khác biệt, bất ngờ và sáng tạo so với phiên bản cũ. Cụ thể đó là:

Thay đổi khuôn mặt

Nhờ vào công nghệ tạo hình Hollywood, khuôn mặt các nhân vật trở nên chân thực và dữ tợn hơn.

Tạo hình nhân vật trong Tân Tây Du Ký sẽ
Tạo hình nhân vật trong Tân Tây Du Ký sẽ chân thực, dữ tợn hơn

Đạo diễn Trương Kỷ Trung chia sẻ: “Bây giờ, các khán giả đều thích xem phim Hollywood, đặc biệt là lũ trẻ mới lớn. Chúng thích Avatar, Harry Potter nhiều hơn là xem các câu chuyện cổ tích. Chính vì vậy, so với phiên bản năm 1986, chúng tôi hướng đến một phong cách tự do và thoải mái, diện mạo nhân vật cũng sẽ thay đổi, không còn là những gương mặt hoạt hình, ít cá tính. Trong phiên bản mới, nhờ vào đội ngũ hóa trang nổi tiếng với những bộ phim như X men, Saw 2, Avatar… chúng tôi tạo nên những định dạng nhân vật mới lạ và khác biệt. Có hơn 200 khuôn mặt nhân vật sử dụng kỹ thuật “định hình” mang lại cho khán giả cảm nhận chân thực nhất, dữ tợn nhất”.

Khi tạo hình nhân vật được công bố, rất nhiều khán giả cho rằng, khuôn mặt các yêu quái trong Tân Tây Du Ký quá dữ tợn, không phù hợp để trẻ em xem. Đạo diễn Trương Kỷ Trung cho biết: “Chúng tôi không dựng lại một câu chuyện cổ tích, chúng tôi muốn đem đến cảm nhận một cách chân thực nhất cho người xem. Bạn hãy tưởng tượng, những hình ảnh răng nanh, móng vuốt... làm sao có thể thơ mộng cho được? Cái chúng tôi muốn không phải là lừa dối khán giả, nhiều người nói yêu quái trong phim giống với yêu quái trong Chua tể những chiếc nhẫn hay Harry Potter, sở dĩ khi những hình ảnh tạo hình nhân vật được công bố gây sốc là bởi mọi người quá ngạc nhiên bởi mức độ hiện thực trong đó thôi”.

Thay đổi hiệu ứng

Hiệu ứng
Hiệu ứng sáng tạo đặc biệt là điểm nổi bật trong Tân Tây Du Ký

Đạo diễn Trương Kỷ Trung khẳng định: Hiệu ứng sáng tạo đặc biệt chính là điểm nổi bật trong Tân Tây Du Ký.

“Phiên bản 1986 điều hạn chế nhất chính là vấn đề kỹ xảo. Vì điều kiện lạc hậu, thiếu thốn nên mỗi khi cần quay những cảnh quay rộng, bao quát chúng tôi phải mất cả ngày, sử dụng nhiều thanh tre trúc tạo thành một thang máy di chuyển đơn giản có thể lên xuống.

Hiệu ứng đặc biệt chính là điểm nổi bật trong Tân Tây Du Ký. Phiên bản này thích hợp với cả những điều kiện thiết bị thu sóng tối tân, tivi màn hình lớn 42 inch, 50 inch, thậm chí cao hơn nữa. 15 triệu tệ đã được chi ra để áp dụng kỹ thuật 3 chiều trên máy tính, sẽ khiến các bạn lóa mắt. Những hình ảnh đám mây đen xuất hiện bất chợt sẽ khiến các bạn liên tưởng đến cảnh chiến đấu với Voldemort trong Harry Potter, cảnh Tôn Ngộ Không nhào lộn trong không trung tương tự như cảnh bay lượn trong Avatar...".

Thay đổi kịch bản

So với 25 tập phim Tây Du Ký 1986 thì Tân Tây Du Ký phiên bản Trương Kỷ Trung với 66 tập phim, cốt truyện dài hơn, tình tiết phong phú hơn.

Theo đạo diễn Trương Kỷ Trung, Tân Tây Du Ký có một vài điểm khác biệt về nội dung so với phiên bản 1986. “Tôi cho rằng những cải biên mới có sức cuốn hút thì đôi lúc có thể kéo dài để nhấn mạnh thể hiện. Những tình tiết cũ không nhiều hấp dẫn cũng có thể lược bớt, điều này không có gì ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm”, Trương Kỷ Trung chia sẻ.

Ông dẫn ra ví dụ: Không đi sâu miêu tả cảnh Ngộ Không đại náo thiên cung, xây dựng hình ảnh Ngọc Hoàng hoàn toàn mới mẻ. “Cảnh Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung trước đây tôi xem bản cũ thì thấy rất thú vị. Tuy nhiên nếu xét theo quan niệm hiện đại, thì việc Ngộ Không ăn cắp, gây rắc rối, náo loạn, thậm chí phá hoại, những điều này sẽ không tốt cho nhận thức của trẻ nhỏ, khiến chúng có thể sẽ làm theo. Chính vì thế, khi xây dựng kịch bản tôi đã không đi sâu miêu tả cảnh này.

Ngoài ra, trong phiên bản này, các bạn cũng sẽ được thưởng thức những hình ảnh hoàn toàn mới lạ về Ngọc hoàng. Ngọc Hoàng là một hình ảnh rất cao lớn, từ đầu đến cuối bộ phim, Ngọc Hoàng không hề rời khỏi ngai vàng của mình. Đó là một hình ảnh huyền diệu, tất cả sẽ trở nên nhỏ bé khi đứng bên cạnh ông ấy. Ông là tối cao, và trong sự xây dựng của mình, chúng tôi muốn tạo ra một vị trí vững vàng của ý thức, ý thức về trật tự và nhân phẩm”.

Tình tiết cảm động hơn, nhấn mạnh tính nhân bản trong mỗi con người

Trương Kỷ Trung cũng cho biết ông muốn làm bật lên những hình ảnh cảm động, gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Ví như cảnh Ngộ Không rơi lệ khi bị Đường Tăng đuổi về, từ mọi hướng cầu xin Đường Tăng tha thứ.

Điều mà ông hướng đến là hình ảnh Ngộ Không không phải là một con vật đơn thuần, một con yêu quái mà người hơn, hoàn toàn được nhận cơ hội để sửa chữa mọi lỗi lầm của mình giống như một con người.

Hay như phần phim tại Tây Lương nữ quốc, chuột tinh vướng lưới tình và sẵn sàng hối cải. Ông cho biết: “Yêu quái cũng có nhân tính. Chuột tinh, thực sự yêu vị tu sĩ, khi cảm thấy níu giữ Đường Tăng là một điều không nên, khi nhận ra chân lý sẵn sàng từ bỏ ý định của mình”.

Thay đổi lời thoại: Ngắn gọn, hài hước và hiện đại hơn
 
Lời thoại trong bản cũ tôn trọng nguyên tác nên ngôn từ sử dụng trong đó rất thận trọng và cổ điển, rất dễ gây cảm giác ngôn từ xáo rỗng. Với mục đích đem lại cảm giác chân thực và gần gũi nhất cho người xem, những lời thoại trong phiên bản mới hướng đến sự ngắn gọn, xúc tích. Sự đơn giản kết hợp với cách nói truyện hài hước phù hợp với khán giả thời nay.

Thay đổi bối cảnh

 
Bối cảnh phim đa dạng, phong cảnh hữu tình
Bối cảnh phim đa dạng, phong cảnh hữu tình

Nếu như Tây Du Ký phiên bản 1986 chủ yếu sử dụng bối cảnh hướng Tây, từ Trường An, qua Tân Cương, qua Trung Á rồi xuống Ấn Độ. Thì phiên bản mới theo đạo diễn Trương Kỷ Trung rất chú ý đến những địa điểm ghi hình, đó đều là những nơi phong cảnh hữu tình của đất nước Trung Quốc: Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Nam, Sơn Tây, Hà Bắc, Thiểm Tây...

Thay đổi cảm xúc

Theo đạo diễn Trương Kỷ Trung, bộ phim đã vượt qua câu chuyện Tây phương thỉnh kinh đơn thuần, vượt ra ngoài cuộc sống và cái chết, đề xuất một thế giới mới, rút ngắn khoảng cách thế giới mơ ước và hiện thực.

Với những hiệu ứng sáng tạo đặc biệt, 66 tập phim Tân Tây Du Ký sẽ mang đến những cảm nhận hoàn toàn khác biệt cho khán giả. Phiên bản mới cũng sẽ mang những cảm xúc, những triết lý phương Đông. Ông tin rằng, quan điểm truyền thống của người Trung Quốc sẽ phóng khoáng hơn, hy vọng bộ phim sẽ rút ngắn khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực.

Trương Kỷ Trung nói: “Mọi người làm thế nào để vượt qua bản thân? Làm sao vượt qua con quỷ trong bản thân mình? Làm sao vượt qua cuộc sống và cái chết? Trên những mệnh đề triết học phổ biến trên thế giới, tinh thần trong Tây Du Ký bản chất cũng chính là tinh thần văn hóa nền tảng, đặc biệt là việc tìm một biểu thức thích hợp để dung hòa nền văn hóa Trung Quốc, nền văn hóa thế giới, nền văn hóa phương Đông và nền văn hóa phương Tây”.

H.H

alt