Đại chiến Manchester ở siêu cúp Anh: Derby 'đèn chiếu sáng'

06/08/2011 00:16
(GDVN) - Vì sao derby Manchester lại hấp dẫn như vậy? Đó là bởi 2 đội bóng này, dù lúc thăng lúc trầm, luôn sớm trở lại với đỉnh cao để lật đổ chính kình địch

(GDVN) - Vì sao derby Manchester lại hấp dẫn như vậy? Đó là bởi 2 đội bóng này, dù lúc thăng lúc trầm, luôn sớm trở lại với đỉnh cao để lật đổ chính kình địch của mình.

Derby vì… đèn chiếu sáng


Thực ra những khoảng cách mà ngày nay chúng ta thấy ở trận derby Manchester không xuất hiện sớm như ở Merseyside. Đầu thế kỷ XX, MU (khi đó còn là Newton Heath) cùng với Manchester City có những trận đấu mang tính giao hảo và rất thú vị. Khi họ có trận đấu đầu tiên năm 1889, các cầu thủ xỏ giày ra sân thi đấu vì mục đích quyên tiền cho các nạn nhân vụ sập hầm mỏ Hyde.

Ngay cả khi hai đội cùng có cuộc gặp đầu tiên ở một đấu trường thuộc FA, vào năm 1956, đó cũng là một trận đấu từ thiện theo đúng nghĩa đen của nó. Trận tranh Charity Shield, tổ chức tháng 10 năm đó, diễn ra ở sân Maine Road của Man City. Old Trafford (nằm ở ngoại ô) khi đó còn chưa lắp đặt đèn chiếu sáng cho SVĐ nên không được tổ chức các trận đấu thuộc khuôn khổ cúp quốc gia, do đó mà Man đỏ lẫn Man xanh cùng chung sân.

Đèn chiếu sáng đã khiến 2 thế lực này tách biệt nhau và trở thành kẻ thù
Đèn chiếu sáng đã khiến 2 thế lực này tách biệt nhau và trở thành kẻ thù.

Chi đến khi đèn chiếu sáng xuất hiện ở “Nhà hát của những giấc mơ”, MU mới bắt đầu chuyển hẳn ra ‘ở riêng’ và derby thực sự hình thành từ đây. Nó còn được nâng lên một tầm cao mới khi hai “quái kiệt” Denis Law và George Best xuất hiện. “Vua quỷ” Law nổi danh bởi những pha vào bóng khiến mọi cầu thủ phải khiếp sợ, trong khi George Best, “sư phụ” trên danh nghĩa của Cristiano Ronaldo, khiến Man City ức chế vì những pha ngã vờ và từng một lần suýt làm tàn tật trung vệ Glyn Pardoe của City.

Thế đấy, trận derby lừng danh thu hút mỗi năm khoảng 8 triệu người xem truyền hình trên toàn thế giới này bắt đầu từ… cái đèn chiếu sáng, chứ không phải sự thù hằn đó bắt nguồn từ lý do địa lý hay truyền thống.

Có một sự thật ít ai, ngoài những người vùng Đông Bắc, biết về trận derby giữa Liverpool và MU. Nó bắt đầu từ một cái sân bay! Cái sân bay đó lẽ ra thuộc về thành phố Manchester nhưng lại được trao cho Liverpool, và thế là chúng ta có derby Đỏ. Những lý do hoàn toàn chẳng liên quan gì đến bóng đá.

Khi lịch sử là đồ thị hình sin

Đối nghịch với bóng đá ngày nay, một vụ chuyển nhượng từ đội bóng này sang đối thủ cùng thành phố ở đầu thế kỷ trước luôn được chấp nhận và chào đón. Hai CLB Manchester cho rằng một vụ mua bán cầu thủ như thế sẽ giúp đỡ, không ít thì nhiều, cho ‘những người cùng xứ’. Bên được người, bên được tiền, tuy nhiên nó chỉ tồn tại cho đến sau Đệ nhị Thế chiến.

Từ sau Đệ nhị Thế chiến, derby Manchester căng thẳng hơn ngay cả với đời sống cá nhân cầu thủ
Từ sau Đệ nhị Thế chiến, derby Manchester căng thẳng hơn ngay cả với đời sống cá nhân cầu thủ.

Vì sự khan hiếm nhân lực mà bóng đá Anh phải trải qua trong giai đoạn 1946-1950, chuyền nhượng giữa 2 CLB thưa thớt dần và cùng với mối thù hằn sâu sắc ngày càng phát triển, kẻ chuyển sang bên kia thành phố sẽ bị gọi là phản đồ.

Không những vậy, lịch sử tồn tại của giải VĐQG cho thấy thành phố công nghiệp Manchester, với sức mạnh tài chính, đã có hai đội bóng rất mạnh và luôn thống trị giải đấu. Điều này hết sức luân phiên: Man City là “đại gia” trong 5 năm đầu thế kỷ XX trước khi sa sút và bị MU phế ngôi trong gần 10 năm tiếp theo. Man xanh trở lại thế thống trị trước và sau Thế chiến thứ Nhất, duy trì được đến năm 1935 thì MU quay về với đỉnh cao và giữ vững trong khoảng gần 40 năm. Man City có 3 năm bành trướng trở lại (1975-1978) nhưng sau đó suy yếu dần cho đến ngày những người Arab xuất hiện.

Biểu đồ hiển thị thứ hạng của Man City và MU ở giải VĐQG trong lịch sử tồn tại
Biểu đồ hiển thị thứ hạng của Man City và MU ở giải VĐQG trong lịch sử tồn tại.

Thực tế đó cho thấy càng về sau, sự phát triển của đội bóng này đồng nghĩa với sa sút cho kình địch. Người ở Manchester có câu cửa miệng khi Man xanh còn ở đỉnh cao: “Tuần này đi xem Man City, tuần sau chuyển sang MU”. Do ở cùng thành phố nên cả 2 đều cố gắng tranh giành nền tảng CĐV ở mức tối đa trong giới hạn thành phố của mình, điều đó kéo theo những khoản lợi nhuận béo bở mang lại cho CLB và kẻ đã giàu sẽ càng giàu thêm, người kia thì nghèo đi và chờ khi có cơ hội để trở lại.

Từ những năm 1980 trở đi, sự thắng thế trong tranh giành ‘thị phần’ càng khiến MU mạnh hơn nữa, dù chỉ là trong khu vực Manchester. Man City cứ thế yếu đi và không một lần thắng được MU trong thập kỷ 90. Nay khi họ trở lại, bóng đá Anh đã trở thành thương hiệu toàn cầu và Quỷ Đỏ vốn đã nhiều cổ động viên ở ngay địa phương lại càng thu hút thêm fan hâm mộ ở nước ngoài.

Derby Manchester còn là cuộc chiến tranh giành CĐV ngay trong thành phố
Derby Manchester còn là cuộc chiến tranh giành CĐV ngay trong thành phố.

Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh rằng, không đội nào duy trì được sức mạnh của mình quá 40 năm. Nay MU đã bước vào năm thứ 25 thành công cùng Sir Alex Ferguson và đã hơn 30 năm qua mặt được gã hàng xóm ồn ào, phải chăng chu kỳ sẽ được lập lại? Có thể không phải mùa giải này, mà là sau khi Sir Alex giải nghệ.

Giai đoạn gần nhất mà MU phải chịu lép kình địch, đó là sau khi huyền thoại Matt Busby rời Old Trafford vào năm 1971, tức sau 26 năm gắn bó cùng Quỷ Đỏ và gây dựng nó lại từ đống đổ nát Munich.

* Trận tranh FA Community Shield giữa Man Utd và Man City diễn ra trên sân Wembley vào lúc 20h30 chiều mai (7/8). Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ gửi đến bạn đọc thông tin cập nhật và nhanh nhất về diễn biến, kết quả của trận đấu này.


Đỗ Âu