Khi MU và Ferguson đứng trên đỉnh Premier League

14/05/2011 03:14
Năm 1994, Anfield chế giễu những vị khách đến từ Manchester bằng băng rôn: “Tạm biệt Cantona và M.U, trở lại khi nào vô địch đủ 18 lần nhé”...

Old Trafford vang dội tiếng hô: “Merseyside, các người có thấy không?”. Kỷ lục mà Liverpool luôn tự hào giờ sắp là quá khứ, hay chính xác hơn điều đó chỉ còn chờ thời gian khẳng định vào cuối tuần này hoặc cuối tuần sau mà thôi. Trên đỉnh Premier League, chỉ còn sự độc tôn của M.U!

Blackburn - MU: Một điểm, một suất trụ hạng và một cúp

Tin hot 8h: FA lại 'soi' Ferguson, Arsenal níu Nasri, Ancelotti lo sợ

Năm 1994, Anfield chế giễu những vị khách đến từ Manchester bằng băng rôn: “Tạm biệt Cantona và M.U, trở lại khi nào vô địch đủ 18 lần nhé”. Năm 2009, các fan M.U lũ lượt mang đến Anfield hình nộm... Cantona cùng các khẩu hiệu đáp lễ: “Chúng tôi trở lại”. Chỉ mất 15 năm, khoảng cách tưởng vời vợi đó được san bằng. Và giờ là vượt lên. Mùa giải tới, ở Merseyside, đến lượt M.U có thể giễu cợt lại đối thủ: “Bao giờ mới có lần thứ 19 đây, Liverpool?”.

HLV Ferguson là ngôi sao lớn nhất của Man United.
HLV Ferguson là ngôi sao lớn nhất của Man United.

Sir Alex Ferguson thừa thãi danh hiệu trong sự nghiệp rực rỡ của mình. Nhưng lần vô địch này mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ đưa M.U đi vào lịch sử sân cỏ Anh với tư cách đội bóng thành công nhất mà quan trọng hơn, cách họ tiến lên đỉnh cao khiến tất cả phải ngả mũ khâm phục. Trong 12 lần đăng quang của Sir Alex (tính cả mùa này khi đã chắc 99,99%), có những câu chuyện đơn giản như mùa 2000-2001 bỏ cách Arsenal thứ nhì tới 18 điểm, có không ít cuộc đua nghẹt thở như mùa 1995-1996 lội ngược dòng ngoạn mục trước Newcastle hay gay cấn rồi mãn nguyện tuyệt đối như mùa ăn ba lịch sử 1998-1999. Nhưng trong mỗi niềm vui đó lại là một hình ảnh khác nhau. Có M.U thống trị tuyệt đối. Có M.U phần nào may mắn. Có M.U “dựa dẫm” vào những ngôi sao. Còn M.U của mùa này lại khác. Một M.U tập thể, luôn đầy quyết tâm và không bao giờ từ bỏ hy vọng khi tiếng còi chung cuộc còn chưa vang lên. Họ mạnh mẽ, tự tin. Tin vào chính mình, tin vào vinh quang.

Sức mạnh của sự đồng đều

Đó là một M.U mà một năm trước phải hứng chịu những ánh mắt nghi ngờ. Mùa 2009-2010 không còn Cristiano Ronaldo, họ đã cay đắng nhìn Chelsea tiếm ngôi, đánh mất cơ hội lập kỷ lục 4 lần vô địch liên tiếp. Vậy mà với mục tiêu đòi lại chiếc cúp, Old Trafford chẳng có tăng cường nào thuộc loại “số má” trong mùa Hè năm ngoái.

Vậy mà giờ đây, Sir Alex hoàn toàn có thể tung ra đội hình xuất phát trong trận chung kết Champions League với Barcelona sắp tới vẫn với 10/11 cái tên giống như cuộc hò hẹn đỉnh cao giữa họ 2 năm trước. Sự thiếu vắng duy nhất: Ronaldo! Không cần một mẫu ngôi sao ghi hàng chục bàn mỗi mùa như vậy, M.U vẫn thành công như vậy. Và có thể còn hơn thế.

Có quan điểm cho rằng M.U thống trị Premier League mùa này cũng như “thằng chột làm vua xứ mù” trong bối cảnh các kình địch truyền thống Arsenal và Chelsea sa sút, những đối thủ mới nổi như Man. City thì hẵng còn “non và xanh”. Xét về điểm số, cứ cho như M.U toàn thắng 2 lượt trận cuối, họ cũng chỉ được tổng cộng 82 điểm và sẽ là nhà vô địch ít điểm nhất của Premier League trong 10 năm gần đây. Nói tóm lại, theo luồng chê bai này thì M.U chỉ hơn phần còn lại không đáng kể và vinh quang được trợ giúp nhiều bởi Chelsea lẫn Arsenal “tự sát”.

Nhưng so sánh như vậy chỉ càng làm nổi bật những gì M.U đã làm được. Họ không có nguồn tài chính hùng hậu để mua một Fernando Torres 50 triệu bảng như Chelsea. Và như để chứng minh thêm, M.U gặp Chelsea ở thêm cả tứ kết Champions League. Tổng cộng mùa này có tới 5 lần đụng độ giữa họ và nếu không tính trận ít ý nghĩa tranh Community Shield thì M.U đã thắng 3 lần đầy thuyết phục, thua 1 lần thiếu thuyết phục tại Stamford Bridge với tiếng còi gây tranh cãi của trọng tài. Khi vượt qua kình địch lớn nhất theo cách như vậy, khi song song tiến tới cả trận chung kết Champions League, nếu gọi đội hình của M.U mùa này là “tầm thường” thì thực sự không thể hiểu cao hơn thế sẽ là như thế nào.

Đó là đội hình mà 21/22 cầu thủ đăng ký của M.U đã đạt tiêu chuẩn chơi ít nhất 10 trận để được nhận được huy chương nhà vô địch. Ngay cả Michael Owen cuối cùng sự nghiệp cũng sẽ được an ủi với tấm huy chương này dù 9/10 trận vào sân là từ băng ghế dự bị. Trường hợp còn sót là Antonio Valencia bởi nghỉ gần như trọn mùa vì chấn thương gãy chân khủng khiếp nhưng cũng chỉ thiếu 1 trận nữa và gần như chắc chắn sẽ có vinh dự này. Một đám đông thực sự! Hãy nhớ lại mùa 1993-1994 khi Sir Alex có chức vô địch thứ hai của mình. Năm đó, chỉ 14 cầu thủ M.U đạt tiêu chuẩn nhận huy chương!

Bóng đã đã khác nhiều kể từ đó với cầu thủ mang đậm chất điền kinh hơn, tốn sức hơn, dễ chấn thương hơn. Mùa giải này M.U đã trải qua không ít lần tơi tả lực lượng nhưng bàn tay “ma thuật” của Sir Alex vẫn xoay xở thành công. Arsenal bị M.U loại khỏi FA Cup bằng một đội hình hầu như toàn…hậu vệ. Lượt về bán kết Champions League, Schalke 04 bị đội hình B của M.U bồi thêm đòn đau nặng nề trong khi các trụ cột được dưỡng sức tối đa, bùng nổ hạ Chelsea ở trận “chung kết” Premier League cuối tuần qua.

Gary Neville kỳ cựu giải nghệ giữa mùa mà không để lại khoảng trống nào bởi Rafael đã “thầu” cánh phải từ lâu rồi mới đây là người anh em sinh đôi Fabio đột nhiên còn tỏ ra hay hơn khi chơi ở vị trí này. Nani xuất sắc cho đến gần đây nhưng Valencia trở lại đẩy luôn tiền vệ người Bồ Đào Nha ra khỏi đội hình chính trong những trận quan trọng. Paul Scholes dần rời khỏi vai trò trụ cột mà dường như không ai để ý đến điều đó. Dimitar Berbatov sắp thành một trường hợp “kỳ cục” khi là Vua phá lưới mùa giải trong cương vị “dự bị”. Đây là một đội hình không ai thuộc diện “bất khả thay thế”. Và tuyệt vời nhất là sức mạnh chung họ cùng hướng tới. Hãy nhìn Berbatov ôm lấy Chicharito ăn mừng sau chiến thắng Chelsea. Owen thậm chí không có tên trên băng ghế dự bị cũng hồ hởi lên Twitter chia sẻ niềm vui. Một tập thể đoàn kết và rõ ràng mãn nguyện, hài lòng khi thi đấu bên nhau.

Sức mạnh của Sir Alex

Để dung hòa một “đại gia đình” như vậy, đầy ắp cá tính như vậy không phải là điều dễ dàng. Nhưng Sir Alex đã làm được còn hơn thế. Tưởng như đầu mùa, viễn cảnh của M.U sẽ sụp đổ cùng sự “đỏng đảnh” của Rooney. Nhưng Sir Alex nhanh chóng xua tan bão tố, và Rooney trở lại là chính mình, chuộc lỗi với Old Trafford bằng những màn trình diễn luôn hừng hực đến phút chót.

Người càng già càng bảo thủ. Chỉ có điều, nhận xét đó không đúng chút nào với Sir Alex dù ông sắp sang độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Sức mạnh lớn nhất ở ông chính là khả năng thay đổi, thích nghi. Hình ảnh nổi bật của Sir Alex trước đây là một HLV nóng nảy cùng biệt danh “máy sấy tóc”, là nỗi sợ hãi trong phòng thay đồ với các học trò, là người không ngần ngại khẩu chiến tưng bừng với đồng nghiệp, là ông thầy sẵn sàng tống cổ kể cả những trụ cột khi bị “bật lại”. Đó là khuôn mẫu của uy quyền. Nhưng giờ đây là một hình ảnh khác, một Sir Alex tinh tế hơn, mềm mại hơn, không bao giờ ngần ngại trước thay đổi.

Không còn nữa những màn “sấy tóc” (dù vẫn còn những chỉ trích mạnh mẽ trọng tài!). Sir Alex đang giống như một người cha lớn với các cầu thủ của mình, điều mà ngay cả Ronaldo cũng luôn thừa nhận. Ông tiếp cận học trò một cách tâm lý hơn nhưng quan trọng nhất, vẫn luôn truyền được cảm hứng và niềm tin cho họ. Và hơn hết, ông biết làm mới chính mình.

Một HLV lão làng đáng lẽ sẽ luôn chọn giải pháp an toàn là trung thành với những khuôn mẫu thành công quen thuộc. Nếu có thất bại, sẽ tự an ủi rằng chờ đến mùa sau. Nhưng với Sir Alex, thất bại lại là động lực để thay đổi. Ông ngay lập tức tìm kiếm sai lầm và sửa chữa. Đưa Rooney về đá như một tiền vệ trong mùa này là một điển hình cho khả năng của Sir Alex đánh giá lại, điều chỉnh lại các học trò để phát huy tốt nhất khả năng của họ. Tương tự là việc hoán chuyển Ryan Giggs khi thì cánh trái, lúc lại tiền vệ trung tâm và có thời điểm cần thiết chơi như cả hậu vệ cánh. Không còn 4-4-2 “bất diệt” nữa. Cách tiếp cận trận đấu của M.U giờ linh hoạt hơn nhiều.

Ewood Park, 1 năm trước, hòa 0-0 với Blackburn khiến M.U đánh mất ngôi báu vào tay Chelsea. Ewood Park, thứ 7 này, một kết quả tương tự sẽ là lời khẳng định cho lần đăng quang thứ 19 tối thượng. Và xa hơn là Wembley, là Barcelona đang chờ đợi.

Rome, 2 năm trước, Sir Alex “tâm phục khẩu phục” nhưng cũng nhanh chóng khẳng định đã biết vì sao thất bại trước Barcelona. Ông không nói rõ chi tiết, phải chăng để chờ cho lần tái ngộ này? Trên đỉnh Ngoại hạng. Nhiệm vụ đã xong. Giờ sẽ là mục tiêu trên đỉnh châu Âu...

Blackburn - MU: Một điểm, một suất trụ hạng và một cúp

Tin hot 8h: FA lại 'soi' Ferguson, Arsenal níu Nasri, Ancelotti lo sợ

Theo Trung Sơn/TTVH