Lắm tiền nhưng Man City vẫn ở 'chiếu dưới' so với Man United

23/10/2011 14:26
Đỗ Âu
(GDVN) - Cho dù Man xanh đang đứng đầu Premier League nhưng so sánh chung họ vẫn thua kém MU. Hãy so sánh hai đội trước khi derby khởi tranh.
Huấn luyện viên

Tài sản lớn nhất mà gia đình nhà Glazer có được lúc này ở MU đó là Sir Alex Ferguson, người đã mang lại 27 danh hiệu cho đội bóng thành phố công nghiệp. Điều duy nhất phủ bóng lên chiếc ghế tiên chỉ ở Old Trafford là tuổi tác của Fergie, người sẽ trở thành “thất thập cổ lai hy” vào tháng sau.
Ferguson có 27 danh hiệu cùng MU
Ferguson có 27 danh hiệu cùng MU

Trong khi đó, sẽ rất khó để tưởng tượng Mancini sẽ ở lại sân Etihad được đến 25 năm như Sir Alex hay huyền thoại Sir Matt Busby. Nhưng cho đến lúc này Mancini đã tại vị lâu hơn những dự đoán của giới chuyên môn khi ông đến kế nhiệm Mark Hughes vào đầu năm 2010. Sự ổn định với vị trí của cựu danh thủ Lazio được khẳng định khi những ông chủ Arab ủng hộ ông trong cuộc chiến nội bộ với Carlos Tevez.

Tài chính

Một câu chuyện tương phản. MU là đội bóng giàu nhất Ngoại hạng Anh với thu nhập kỷ lục 331 triệu bảng trong mùa 2010-11. Tuy nhiên sức mạnh tài chính của Quỷ Đỏ bị các ông chủ làm suy yếu với khoản nợ lúc này là 308 triệu bảng với lãi suất 51,7 triệu/năm. Những người Mỹ còn thường xuyên lấy tiền của MU để trả nợ cho chuỗi kinh doanh bán lẻ của họ và cả đội bóng chày bang Florida.
Fan MU chống đối Glazer vì tình trạng nợ đọng
Fan MU chống đối Glazer vì tình trạng nợ đọng

Trong khi đó, Roberto Mancini được chi tiêu hết sức thoải mái và vô tư, nhưng Man City thì cứ đều đặn báo lỗ hàng năm. Họ bị mất 121 triệu bảng trong năm tài chính 2010, và con số đó sẽ còn tăng lên. Đáng lo ngại hơn khi luật tài chính UEFA sẽ buộc Man xanh phải tự lực kiếm tiền nếu muốn tham dự Champions League, trong khi MU sẽ dễ dàng qua được điều kiện này vì họ thu về hơn 30 triệu bảng lãi ròng mỗi năm.

Ban lãnh đạo


Một trong những bước đi sáng suốt nhất của nhà Glazer kể từ khi tiếp quản MU là để nguyên Old Trafford như nó đã từng trước đó. Sir Alex được David Gill với tư cách là người điều hành trực tiếp ủng hộ trong mọi quyết định. Các hoạt động thương mại, tài trợ được điều khiển từ một văn phòng ở London bởi những người Anh. Cha con nhà Glazer chỉ yên vị ngồi điều khiển những công việc vĩ mô ở bên Mỹ.
Sheik Mansour có một bộ máy chặt chẽ hàng ngày báo cáo cho mình mọi công việc
Sheik Mansour có một bộ máy chặt chẽ hàng ngày báo cáo cho mình mọi công việc

Trong khi đó, nội bộ ở Man City đã được “đại tu” sau khi Sheik Mansour mua CLB. Thành phần ban lãnh đạo rất chặt chẽ bao gồm chủ tịch Khaldoon al-Mubarak cùng hai trợ lý là Simon Pearce, cố vấn giao tiếp của Mansour ở Abu Dhabi và Martin Edelman, một luật sư New York. Mọi thứ đều được tổ chức rất chặt để ông chủ Sheik Mansour có thể nắm hết mọi hoạt động của CLB.

Điều kiện tập luyện

Một khuôn viên rộng hơn 32 hecta, được trang bị với những thiết bị tập luyện tân tiến nhất tốn của Man City hơn 100 triệu bảng. Một sân đấu riêng có sức chứa 7.000 khán giả được xây cho đội trẻ.
Sân tập Carrington rộng thênh thang
Sân tập Carrington rộng thênh thang

Trong khi đó sân tập của MU lại nằm ở khu vực chỉ có một làn đường đi vào nhưng bù lại bằng một không gian rất rộng rãi. Trung bình mỗi năm CLB chi 8 triệu bảng để nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng trung tâm y tế mới.

Ảnh hưởng toàn cầu

MU là đội bóng nổi tiếng nhất thế giới với tổng số hơn 354 triệu người hâm mộ toàn cầu, bằng tổng của Man City, Arsenal và Liverpool. MU tận dụng những hợp đồng tài trợ để quảng bá ở khắp nơi. Không những vậy, sự thông cảm vì bi kịch Munich cũng như những thành công liên tiếp ở Premier League giúp MU nhanh chóng nổi tiếng hơn bất kỳ đội bóng nào, đặc biệt trong thời đại truyền hình vệ tinh và internet.
Manchester United có một lượng fan đông đảo ở châu Á
Manchester United có một lượng fan đông đảo ở châu Á

Trong khi đó Man City có lượng fan lớn nằm ở vùng biển Baltic và ở Trung Đông, nơi có những người Hồi giáo trung thành với hoàng gia Abu Dhabi. Mới đây, MU đã bắt đầu xâm lấn Arab khi hoàn tất thỏa thuận với một hãng điện thoại di động ở Abu Dhabi với trị giá 1 triệu bảng.

Sân vận động

Sân Old Trafford là một sân vận động “ngoại hạng” với 76.000 chỗ ngồi, sức chứa lớn nhất và là nỗi kinh hoàng với mọi đối thủ ở Premier League. Tầm nhìn phát triển Old Trafford đã có từ những năm 1960 khi MU tận dụng lợi thế khu vực xây sân vắng vẻ, thưa thớt dân cư để mở rộng ra như ngày hôm nay.
Sân Etihad chỉ có sức chứa 48.000 chỗ ngồi
Sân Etihad chỉ có sức chứa 48.000 chỗ ngồi

Sân Etihad được xây dựng cho Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung năm 2002 trước khi chuyển sang cho Man City. Với sức chứa 48.000 chỗ ngồi, nhưng Etihad chỉ có 28.000 ghế và thua Old Trafford cả về sức chứa lẫn quy mô xây dựng. Tuy nhiên Man City giờ đây đã có điều kiện mở rộng SVĐ hơn nữa do được Hội đồng thành phố miễn trả tiền thuê sân.

Cầu thủ

Một chuyên gia phân tích tài chính cho biết 473 triệu bảng mà nhà Glazer đã “móc” ra từ MU thậm chí còn hơn những 7,5 lần so với số tiền mua cầu thủ đã khấu trừ kể từ năm 2005 (tức 63 triệu). Sir Alex tiếp tục mua những bản hợp đồng rẻ nhưng chất lượng cao như Javier Hernandez hay Ashley Young, trọng dụng các tài năng từ lò đào tạo như Welbeck hay Cleverley và kiếm được rất nhiều tiền trong việc đẩy đi siêu sao Cristiano Ronaldo. Và MU vẫn vô địch Ngoại hạng Anh mùa trước.
Đội hình triệu phú của Man City
Đội hình triệu phú của Man City

Trong khi đó Man City đã chi rất đậm kể từ lúc Sheik Mansour xuất hiện. Không cần phải kể ra đây những ngôi sao sáng giá họ đã và đang có trong đội hình. Mua nhiều thì mất tiền nhiều, chỉ riêng tiền lương đã là 133 triệu bảng, tức cao hơn 8 triệu so với doanh thu của họ mùa trước. Dù Mancini từng nói rằng sẽ chú trọng đào tạo “gà nhà”, nhưng thực tế họ chỉ có Micah Richards là cầu thủ duy nhất lọt vào đội 1 (không tính Joe Hart vì trước đó chơi cho Shrewbury Town).

Đỗ Âu