Lý do Mancini bị sa thải: Dao cùn sao gọt nổi chuôi!

15/05/2013 14:54
Trí Công
(GDVN) - Trắng tay cả mùa. Thua tủi hổ tại chung kết FA Cup. Âu đó cũng chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, là cái cớ phù hợp nhất có thể để Man City tống cổ Mancini khỏi Etihad.
Sự thật là từ trước đó, đã có rất nhiều mũi dao đâm sau lưng ông thầy người Ý, đặc biệt ngay ở phòng thay đồ.

Mancini - thành công vì gặp thời

Nhắc tới Roberto Mancini, có lẽ người ta sẽ dùng cụm từ “kẻ gặp thời”. Bởi lẽ thành công đến với ông dựa phần nhiều bởi sự may mắn chứ không phải nhờ khả năng tài giỏi của một huấn luyện viên.

Mancini rời Man City trong tủi hổ.
Mancini rời Man City trong tủi hổ.

Nửa cuối mùa giải 2000-2001, Mancini bắt đầu khởi nghiệp ở Fiorentina. Ông dẫn dắt đội bóng này tổng cộng 27 trận đấu và thua tới 16! Nhưng khi mà dấu ấn trên băng ghế chỉ đạo còn đang bị đặt một dấu hỏi to đùng thì đội bóng này lại giành cúp quốc gia Italia… Vậy là Mancini nghiễm nhiên được công nhận thành tích.

2 năm đầu tiên khi đặt chân tới Inter, Mancini vật vã trong cảnh đói danh hiệu. Những tưởng ông sẽ sớm cuốn gói phải kinh đô thời trang thì “ăn mày lại gặp chiếu manh”. Scandal động trời Calciopoli đá văng Juventus và Milan khỏi những danh vọng và trao cho Man City danh hiệu Serie A từ trên trời rơi xuống.

Như một sự ưu ái của số phận, Mancini đến với Man City trong hoàn cảnh đội bóng này đang được “ăn sung mặc sướng” bởi tiền của ông chủ người Ả-rập. Mancini muốn ai là người đó ở Etihad. Tuy nhiên cũng ở nơi đây, người ta mới nhận thấy suy cho cùng thì ông thầy người Ý cũng chỉ là một kẻ “may hơn khôn”. Dấu ấn chỉ đạo thiếu thuyết phục, bằng chứng là Man City hai lần bị đá văng khỏi vòng bảng Champions League, thi đấu trầy trật và vật lộn trong cả mùa giải, nhưng “trớ trêu” thay, ông vẫn giành cú đúp danh hiệu.

Dao cùn sao gọt nổi chuôi

Thước đo thành công của một HLV bao gồm những yếu tố: tài năng, uy lực và may mắn. Tiếc thay, ngoài may mắn ra thì Mancini yếu cả tài lẫn uy cộng lại. Khả năng chỉ đạo không tốt đã đành, yếu tố “đắc nhân tâm” Mancini cũng chẳng có nốt.

Mối quan hệ với các cầu thủ, ngay cả những người ông đã mang đến Etihad trong suốt hơn 3 năm tại vị thường xuyên đặt trong tình trạng rạn nứt. Bắt đầu là sự vùng vằng sau khi bị thay ra của Tevez trong trận đấu với Bayern cách đây 2 năm. Nhưng đáp trả cho cư xử thiếu lễ phép của học trò lại là một thái độ rất thiếu cương quyết, nửa vời khiến mọi chuyện đi vào cái kết “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Sự bất lực trong việc tạo ra cái uy đối với các học trò còn thể hiện rõ ở trường hợp Balotelli, khi Mancini hoàn toàn không thể dạy dỗ được “bad boy” bướng bỉnh.

Những ngôi sao cá tính như Tevez hay Balotelli có thể khó “dạy bảo”, nhưng ngay cả đến Jerome Boateng và Joe Hart cũng hoàn toàn ngán ngẩm trước sự nhu nhược và thiếu bản lĩnh của ông thầy người Ý.

Tâm sự về sự ra đi của mình, Jerome Boateng khẳng định nguyên nhân chính là do Mancini. Anh đã choáng váng khi hay tin sẽ phải ra sân tại Europa League, bất chấp việc vợ vừa sinh đôi ở nước ngoài. Ngay sau đó, Boateng không còn được trọng dụng nữa. Có thể lý do mà trung vệ người Đức đưa ra là cá nhân, nhưng qua đó cũng đủ hiểu sự máy móc và thiếu tâm lý của ông thầy này.

Tương tự với Boateng, Joe Hart cũng nản lòng với những cáo buộc của Mancini sau trận thua Man Utd. HLV đổ lỗi cho anh không sắp xếp hàng rào trước tình huống đá phạt của Robin van Persie. Mối quan hệ rạn nứt từ đây, bởi suy cho cùng lỗi lớn nhất không phải Joe Hart, mà do chiến thuật không phù hợp của “Mancio”.  

Thành Manchester chứng kiến sự ra đi của hai vị thuyền trưởng, nhưng nó lại mang 2 mảng sáng tối đối lập. Với Sir Alex, đó là sự chia tay tiếc nuối, là những tràng pháo tay và hàng triệu triệu người cảm ơn ông vì suốt 27 năm đã làm cho “Quỷ đỏ”. Còn với Mancini, đó lại là một sự ra đi trong tủi hổ, không kèn, không trống, không một lời từ biệt tri ân. Âu cũng là do cách “đỗi nhân xử thế” với các cầu không phù hợp của kẻ luôn được hưởng sự ưu ái của may mắn.
Trí Công