Một ngày trước đại chiến: MU - Từ tro tàn Munich tới đỉnh vinh quang

26/05/2011 23:50
(GDVN) - Để trở thành một tên tuổi bóng đá và sắp có mặt trong trận chung kết Champions League, MU đã phải trải qua một nỗi đau không thể nào quên...

(GDVN) - Những nỗi đau luôn là động lực để con người phấn đấu. Cũng giống như nước Nhật sau thảm họa nguyên tử 1945, MU đã trở nên vĩ đại như ngày nay bởi bi kịch Munich.

Định mệnh cho sự vĩ đại


Trở lại thời điểm trước khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Sir Matt Busby đã có ý tưởng tuyển mộ cầu thủ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ở độ tuổi mà những cầu thủ nhí dễ bị ảnh hưởng về mặt lối chơi theo chỉ đạo của HLV. Trong đó, tính nghệ thuật, sáng tạo và tự do được đề cao. Busby nhìn nhận bóng đá như một môn chơi thú vị và, dù ông thừa nhận rằng đội bóng cần có hàng thủ tốt, Busby không bao giờ gò bó các học trò vào chiến thuật tấn công lẫn phòng ngự đã định sẵn.

Những cậu bé của Busby, như cách báo chí vẫn thường gọi (Busby Babes) đã nhanh chóng nắm bắt được ý tưởng của thầy và mang về chiếc cúp FA cho đội trẻ trong suốt 5 năm liên tiếp từ 1952 tới 1957. Thành tích đó đủ để Matt Busby thay thế đội hình già nua của mình (phần đông là quân nhân trong chiến tranh) bằng các cầu thủ trẻ.

Những cậu bé của Busby
Những cậu bé của Busby.

Những cậu bé của Busby đã không làm ông thất vọng. Họ đoạt 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp với độ tuổi trung bình 22, không những vậy còn thu hút sự chú ý ở cấp độ châu lục. Tháng 9 năm 1956, trong trận đấu đầu tiên của MU tại cúp C1, họ dẫm nát Anderlecht với tỷ số 10-0. Họ loại Borussia Dortmund ở vòng kế tiếp trước khi có màn rượt đuổi tỷ số kịch tính 5-3 trước Athletic Bilbao. Real Madrid tỏ ra quá già dơ và đẳng cấp ở bán kết, nhưng MU đã thực sự tạo một dấu ấn lớn cho bóng đá Anh ở châu Âu sau những năm đen tối (ĐT Anh thua thảm Hungary 3-5 trong trận đấu quốc tế đầu tiên năm 1953, bị hạ nhục ở Budapest 6 tháng sau với tỷ số 1-7, không vượt nổi vòng bảng World Cup 1950).

Đó được coi là một sự bất ngờ, bởi một CLB trước đó không mấy tên tuổi đã vươn lên và trở thành một thế lực thách thức những đại gia mạnh nhất châu Âu và còn cung cấp những cầu thủ đáng giá nhất để phục vụ cho sự hồi sinh của ĐTQG. Một trong những ngôi sao thời đó của MU là Duncan Edwards, cầu thủ trẻ nhất từng góp mặt ở giải hạng Nhất cũng như ĐTQG lúc đó. Ở tuổi 21, ông đã 18 lần được đá chính cho tuyển Anh với màn ra mắt ấn tượng trong chiến thắng 7-2 trước Scotland tại Wembley. Jimmy Armfield, đồng đội của Edwards sau này nói: “Với Duncan Edwards bên cạnh Roger Byrne và Tommy Taylor, tuyển Anh đã có thể vô địch thế giới năm 1958”.

Duncan Edwards, một trong những ngôi sao nổi bật nhất của MU thập kỷ 1950
Duncan Edwards, một trong những ngôi sao nổi bật nhất của MU thập kỷ 1950.

Mặc dù vậy, MU không phải là đội bóng 1 người. Họ có sự pha trộn hết sức cân bằng để tạo ra một lối đá quyến rũ mà vẫn giữ được sự cạnh tranh khốc liệt ở từng vị trí. Quỷ Đỏ chơi một lối đá tấn công dữ dội do Tommy Taylor cầm trịch, người đã ghi 16 bàn trong chỉ 19 trận khoác áo Tam Sư. Sir Matt Busby có một dàn các tiền vệ tấn công tha hồ cho ông lựa chọn như Billy Whelan, Dennis Viollet, John Doherty và ngôi sao đang lên Bobby Charlton. Ở 2 cánh, David Pegg, Albert Scanlon, Johnny Berry và Kenny Morgans đều có thể tỏa sáng như những viên kim cương. Busby có thể tùy chọn giữa một Jackie Blanchflower khéo léo và Mark Jones vạm vỡ cho vị trí trung vệ. Có thể nói Sir Matt Busby có không ít những lựa chọn phong phú cho mỗi vị trí.

MU đã được sắp đặt để trở thành vĩ đại như vậy bởi những người đàn ông trẻ tuổi. Chỉ tiếc rằng, cú cất cánh thất bại ấy đã khiến họ không có cơ hội để trở thành những tượng đài khổng lồ.

Từ đống tro tàn Munich tới ngôi vương châu Âu

Những cậu bé của Busby, thư ký của CLB, các thành viên BHL, tương lai của MU đã bị cướp đi trong thảm họa kinh hoàng khiến 23 người thiệt mạng ấy.

Hiện trường thảm họa Munich
Hiện trường vụ tai nạn Munich cướp đi sinh mạng của 23 người.

Một viễn cảnh ảm đạm hiện ra trước mắt. Bobby Charlton nằm bất tỉnh trong bệnh viện Munich, Duncan Edwards vĩnh viễn ra đi ở tuổi 21 sau 15 ngày đấu tranh với cái chết cận kề. Sir Matt Busby 2 lần được các cha xứ làm lễ cầu siêu trước khi tỉnh lại và phải mất vài tháng sau mới quay về với công việc. Trợ lý Jimmy Murphy, may mắn không tham gia chuyến bay vì bận huấn luyện tuyển xứ Wales, vỗ về 2 nạn nhân còn sống là Bill Foulkes và Harry Gregg trở lại thi đấu. MU chiêu mộ thêm 2 tân binh và lấy thêm cầu thủ từ các đội trẻ.

Bobby Charlton trên giường bênh, 15 ngày sau bi kịch
Bobby Charlton trên giường bênh, 15 ngày sau bi kịch.

Jimmy, được sự giúp đỡ của các thành viên BHL còn sống, đưa đội hình rách rưới của mình tới chung kết FA Cup năm đó, nơi họ thua 0-2 trước Bolton. Để tái thiết lại MU, ông mang về Albert Quixall, “cậu bé vàng” của bóng đá Anh khi đó, và Warren Bradley, một giáo viên trung học và cầu thủ nghiệp dư. Bobby Charlton, Dennis Viollet và Albert Scanlon bình phục để trở lại thi đấu.

Sự kết hợp miễn cưỡng ấy không ngờ đã giúp họ kết thúc mùa giải 1958-1959 ở vị trí Á quân sau Wolves, Bobby Charlton tỏa sáng với 29 bàn thắng, con số cao nhất trong sự nghiệp của ông. Những mùa tiếp theo dù không mấy thành công nhưng Quỷ Đỏ đã chơi đúng thứ bóng đá mà Sir Matt Busby đã truyền tải cho các cậu bé của ông trước kia. Dennis Viollet lập kỷ lục ghi tới 32 bàn ở giải hạng Nhất trong một mùa, kỷ lục vẫn chưa bị xô đổ cho tới ngày nay.

MU cố gắng lọt tới chung kết FA Cup, 4 tháng sau thảm họa
MU cố gắng lọt tới chung kết FA Cup, 4 tháng sau thảm họa.

Ở cái giai đoạn đầu sau thảm họa Munich, thật khó mà kiềm chế cảm xúc khi theo dõi các cầu thủ MU thi đấu. Dù rất cố gắng xây dựng lại phong cách chơi tấn công vỗ mặt và táo bạo trước kia, gần như lối đá của họ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc từ đám đông là chủ yếu. Busby đòi hỏi các học trò một điều bất khả thi khi họ quá thất thường.

Tuy vậy, tham vọng của Busby không bao giờ hết. Ông quay sang thị trường chuyển nhượng để mang về những ngôi sao như Maurice Setters, David Herd, Denis Law, Pat Crerand và Noel Cantwell. Với sự đầu tư chính xác, Busby đã mang về dấu ấn đầu tiên của công cuộc tái thiết với chức vô địch FA Cup năm 1963, tức chỉ 5 mùa xuân sau bi kịch Munich.

Đội trưởng Noel Cantwell (giữa) cùng các đồng đội đoạt chức VĐQG năm 1963
Đội trưởng Noel Cantwell (giữa) cùng các đồng đội đoạt FA Cup năm 1963.

Từ đó, những tài năng trẻ như Johnny Giles, Nobby Stiles nổi lên trong chính sách đào tạo trẻ được khôi phục một cách chậm rãi nhưng vững chắc. Và khi George Best trở thành một siêu sao của Old Trafford, MU xuất hiện “tam hùng” Charlton - Law - Best. Ba Quả bóng Vàng châu Âu cùng thi đấu cho một đội bóng ở cùng một thời điểm. Khó có thể diễn tả được Quỷ Đỏ đã may mắn thế nào khi sở hữu 3 cái tên đó cùng lúc, những người đã tự ghi tên mình vào lịch sử và trên bệ đá của những bức tượng đồng bên ngoài “Nhà hát của những giấc mơ”. (Lưu ý là trong lịch sử của mình, MU chỉ có đúng 4 Quả bóng Vàng, người thứ tư là Cristiano Ronaldo; Michael Owen cũng giành danh hiệu này nhưng ở thời điểm 8 năm trước khi gia nhập Old Trafford)

Sir Matt Busby cùng các học trò trở lại với ngôi vô địch nước Anh năm 1965
Sir Matt Busby cùng Bobby Charlton và các học trò trở lại với ngôi vô địch nước Anh năm 1965.

Đó là những năm tháng huy hoàng của Manchester United. Là một đội bóng của những siêu sao, họ đã vượt qua cú sốc sau thảm họa, George Best được sùng bái cá nhân như một ngôi sao nhạc nhẹ, Denis Law hung hăng và hiểm độc được xưng tụng như một “Vua Quỷ”, và Bobby Charlton làm say đắm khán giả với tài năng xuất chúng để rồi một ngày được nữ hoàng Elizabeth trao cho tước vị danh giá nhất đối với một danh thủ.

Khi đó, những danh hiệu đến chỉ còn là vấn đề thời gian. Lần lượt 2 chức vô địch Anh năm 1965 và 1967, cho tới khi họ quật ngã Benfica 4-1 tại Wembley để chấm dứt 10 năm đau khổ và ngự trị ở đỉnh cao của bóng đá châu lục.

Thế hệ Vàng của MU dành chức vô địch châu Âu 1968, tròn 10 năm sau thảm họa Munich
Thế hệ vàng của MU dành chức vô địch châu Âu 1968, tròn 10 năm sau thảm họa Munich.

Kể từ đó, câu chuyện Munich đã trở thành một huyền thoại bất diệt của MU. Họ được xây dựng từ nỗi đau khổ, niềm tự hào, khát vọng và sự nỗ lực. Một CLB, hay đúng hơn, một thương hiệu đã ra đời, và trở thành cái tên được biết đến trên toàn thế giới. Và sau 43 năm, chúng ta lại sắp được chứng kiến một lần nữa MU đứng trước cơ hội lên đỉnh châu Âu tại Wembley.

Sir Matt Busby từng nói, mỗi khi ông cảm thấy chán chường và hết sức tuyệt vọng, ông lại tìm tới Bobby Charlton. Charlton đã đi theo ông kể từ lúc mọi thứ mới bắt đầu, khi tương lai tươi sáng xuất hiện để rồi gần như vụt tắt, cho tới lúc vinh quang ngập tràn. Và ông nói rằng mỗi khi nhìn thấy người học trò giỏi nhất của mình, hy vọng trong ông vẫn còn.

alt
MU muốn chức vô địch tại Wembley lần này sẽ ý nghĩa hơn so với năm kỷ niệm 2008.

Hy vọng, đó là thứ vũ khí mạnh nhất của nhân loại. Hy vọng cho con người sức mạnh, và là thứ duy nhất mà chúng ta có để chiến đấu khi mọi thứ đều đã mất…

Đỗ Âu