10 ngàn tàu cá TQ ra Biển Đông xí phần, đòi "chia sẻ" tài nguyên

22/08/2013 08:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Đinh Cương bàn về "hợp tác nghề cá" và "chia sẻ tài nguyên" trên Biển Đông nhưng không quên thòng vào đó cái tuyên bố chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc khi nói rằng, "ngư dân Trung Quốc không thể bị coi là có lỗi khi đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của Trung Quốc".
Đinh Cương, bình luận viên tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc.
Đinh Cương, bình luận viên tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu hôm qua 21/8 đăng bài phân tích của Đinh Cương, một cây viết bình luận thường xuyên trên tờ Nhân Dân nhật báo cho biết, trong tháng 8 này chỉ riêng tỉnh Hải Nam Trung Quốc đã có gần 10 ngàn tàu cá kéo ra các vùng biển sâu đánh bắt (trái phép) ở Biển Đông, đồng thời đưa ra đề xuất về cái gọi là "hợp tác chia sẻ nguồn lợi thủy sản Biển Đông".
Bài viết của Đinh Cương bàn về "hợp tác nghề cá" và "chia sẻ tài nguyên" trên Biển Đông nhưng không quên thòng vào đó cái tuyên bố chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc khi nói rằng, "ngư dân Trung Quốc không thể bị coi là có lỗi khi đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của Trung Quốc". Cái gọi là "vùng lãnh hải của Trung Quốc" mà ông Cương và tờ Hoàn Cầu tự nhận ở đây chính là đường lưỡi bò họ đang tuyên truyền, lúc ngấm ngầm khi công khai, lúc xen vào các vấn đề khái niệm tưởng chừng không liên quan để lừa gạt dư luận. Ông Cương còn cáo buộc vô căn cứ đối với các nước ven Biển Đông đã "tranh giành" nguồn lợi thủy sản" dồi dào ở khu vực này mà quên mất rằng, chỉ riêng tỉnh Hải Nam thôi đã có gần 10 ngàn tàu cá đang kéo ra Biển Đông "xí phần", không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà còn vi phạm vùng biển chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cụ thể hơn, Đinh Cương chỉ trích theo lối chụp mũ Việt Nam "khuấy lên các khiếu nại liên tục về hoạt động (đánh bắt trái phép) của ngư dân Trung Quốc" và rồi ông Cương cũng tỏ vẻ "khách quan" khi khẳng định: "Nhưng mặt khác, ngư dân Trung Quốc cũng tự phá hoại các nguồn tài nguyên trong các vùng biển tranh chấp với việc đánh bắt quá mức trong những năm gần đây". Hiện nay, do cạn kiệt nguồn cá gần bờ nên các tàu cá Trung Quốc bắt đầu xâm nhập và đánh bắt (trái phép) trên các vùng nước sâu ở Biển Đông mà Đinh Cương tự cho là "các ngư dân trong khu vực đã quen với sự xuất hiện của các tàu cá Trung Quốc"?! Một kiểu lập lờ đánh lận con đen nguy hiểm. Tự biến mình thành nạn nhân, Đinh Cương cho hay, ngư dân Trung Quốc thường xuyên bị "quấy rối bởi lực lượng hải quân một số nước" ven Biển Đông, thậm chí một số bị bắt giữ vì tội đánh bắt các loài quý hiếm. Và đó là cái cớ để ông Cương đưa ra "giải pháp" rằng có thể phái tàu giám sát (Cảnh sát biển?) để "bảo vệ tàu cá Trung Quốc" khỏi các cuộc đụng độ tiềm tàng vì khai thác (trái phép) quy mô lớn sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng cũng như làm suy yếu đi nguồn tài nguyên trên Biển Đông mà Đinh Cương nói là "của mình".
Tàu cá Việt Nam kiên cường bám biển Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bất chấp Hải giám Trung Quốc rượt đuổi.
Tàu cá Việt Nam kiên cường bám biển Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bất chấp Hải giám Trung Quốc rượt đuổi.
Đinh Cương kết luận: "Cá không biết gì về biên giới lãnh thổ. Các nước xung quanh Biển Đông cần phải nỗ lực phối hợp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đạt được sự hợp tác phát triển chung". Ông Cương cố tình lờ đi thực tế rằng người đánh cá Trung Quốc có "biết gì" về biên giới lãnh thổ và họ vẫn đang nhắm mắt xâm phạm các vùng biển của nước khác khi tự nhận nó là của mình. Với giọng "người lớn", ông Cương nói, là quốc gia lớn nhất trong khu vực, Trung Quốc có trách nhiệm bắt đầu đàm phán về việc thành lập một cơ chế hợp tác trong lĩnh vực nghề cá ở Biển Đông, trong đó đưa ra một số biện pháp cụ thể bảo vệ các nguồn tài nguyên nghề cá. Cái "biện pháp" mà Đinh Cương đề cập là "Trung Quốc có thể hoạch định một số khu vực không đánh bắt, thiết lập chương trình đánh bắt trái màu đúng cách và liệt kê rõ các loài không được đánh bắt" cứ như thể Biển Đông là ao nhà của Trung Quốc và Bắc Kinh muốn áp đặt gì cũng được. Xung quanh việc ASEAN và cộng đồng quốc tế thúc đẩy Trung Quốc ngồi vào đàm phán và ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trong khi Bắc Kinh tìm mọi cách hoãn binh, lần nữa thì Đinh Cương cho là hợp tác cùng khai thác nghề cá ở Biển Đông "khả thi" hơn COC. Và rồi vẫn giọng điệu sai trái cũ, Cương lại thòng vào cái gọi là điều kiện tiên quyết mà ông Tập Cận Bình vừa nhắc hôm 30/7: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác", một thứ điều kiện phi lý không thể chấp nhận được.

Hồng Thủy