3 thách thức lớn đe dọa sự tồn tại của EU trong năm 2015

06/01/2015 15:18
Nguyễn Hường
(GDVN) - Sự tồn vong của EU có thể được quyết định bởi 3 cuộc bầu cử quan trọng trong những thành viên chủ chốt của nó.

Ngày 1/1/2015, Lithuania trở thành thành viên mới nhất của Eurozone, gia nhập câu lạc bộ của 18 quốc gia khác trong liên minh tiền tệ đang trải qua cơn khủng hoảng kinh tế đã kéo dài nhiều năm qua.

Theo tờ The National Interest ngày 6/1, niềm vui này của Lithuania có thể sẽ không kéo dài được lâu, bởi năm 2015 sẽ là một năm đầy sóng gió của EU, trong bối cảnh sẽ có ba cuộc bầu cử quan trọng có thể đe dọa sự tồn tại của nó.

Bi kịch của Hy Lạp

Eurozone đang đối mặt với nguy cơ tan rã vì các thành viên của nó không thể giải quyết được các vấn đề cấp bách kéo dài.
Eurozone đang đối mặt với nguy cơ tan rã vì các thành viên của nó không thể giải quyết được các vấn đề cấp bách kéo dài.

Đầu tiên, trong một động thái gia tăng thêm các bi kịch cho Hy Lạp, Quốc hội nước này đã thất bại trong việc bầu ra Tổng thống mới. Sự bế tắc này đã dẫn tới một cuộc bầu cử Quốc hội theo luật pháp Hy Lạp vào ngày 25/1.

Vấn đề là các đảng Syriza cánh tả do Alexis Tsipras đứng đầu có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Tsipras là người phản đối mạnh mẽ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp khi cho rằng nó đã đem đến nhiều tác hại hơn là lợi ích cho nền kinh tế của Hy Lạp, đưa quốc gia này tới một cuộc suy thoái được mô tả là tồi tệ hơn cả cuộc đại suy thoái những năm 1930.

Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với nhận định rằng chiến thắng cuối cùng của đảng Syriza là tốt hay xấu với Hy Lạp, nhưng theo Washington Post, Đức đang tỏ ra quá mệt mỏi với việc phải trả các hóa đơn cho Athens.

Thái độ hoài nghi của Anh

Thủ tướng Cameron đang muốn tìm một con đường ra khỏi EU vì liên minh này không còn đem lại những lợi ích kinh tế cho Anh ngoài những gánh nặng phải hỗ trợ các thành viên yếu kém khác.
Thủ tướng Cameron đang muốn tìm một con đường ra khỏi  EU vì liên minh này không còn đem lại những lợi ích kinh tế cho Anh ngoài những gánh nặng phải hỗ trợ các thành viên yếu kém khác.

Trong tháng 5 tới, cử tri Anh sẽ tham gia một cuộc bầu cử mang ý nghĩa lịch sử, trong đó quyết định về sự ở lại hay ra đi của chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron.

Mặc dù tín nhiệm của ông Cameron có giảm, nhưng nhờ sự mờ nhạt của đối thủ Ed Miliband - đại diện của đảng Lao động, ông Cameron vẫn có cơ hội rất cao được ở lại Westminster thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Tuy nhiên, chiến thắng của đảng Bảo thủ sẽ là một tin tức đáng lo ngại đối với EU, trong bối cảnh Thủ tướng Cameron đang có ý định tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý đưa London rời khỏi liên minh này vào năm 2017. Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, 51% người dân Anh muốn rời khỏi Liên minh châu Âu.

Bên cạnh những quan điểm cho rằng EU sẽ không còn là một khối hoàn thiện, thì sự ra đi của thành viên mạnh mẽ như London chắc chắn sẽ gây ra những tác động lớn đến toàn bộ các dự án kinh tế và chính trị của liên minh này.

Ba Lan bắt đầu thăm dò ý kiến

Cựu Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski.
Cựu Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski.

Trong tháng 10/2015, Ba Lan sẽ tiến hành bầu Quốc hội mới sau khi cựu Thủ tướng Donald Tusk trở thành Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu (EC). Đảng chính trị của ông tuy nhiên không để lại nhiều ấn tượng tốt đối với công chúng. Các vụ bê bối và sự mệt mỏi của cử tri đối với đảng này có thể mở ra một cơ hội mới cho chính phủ cánh hữu do cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski dẫn đầu lên cầm quyền lần nữa.

Tuy nhiên, những nước cờ chính trị rối ren của Kaczynski từng khiến Ba Lan phải đối mặt với sự chia rẽ bên trong và sự coi thường từ bên ngoài. Khi người anh trai song sinh của ông, cựu Tổng thống Lech Kaczyński qua đời trong vụ tai nạn máy bay năm 2010, ông đã cáo buộc Nga dùng công nghệ tạo ra sương mù để dẫn đến sự cố.  Ông cũng cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel có quan hệ với Stasi, cảnh sát mật của Đông Đức cũ.

Nếu Kaczyński trở thành Thủ tướng tiếp theo của Ba Lan, chắc chắn ông sẽ không xoa dịu được những căng thẳng của những gì có thể sẽ là một năm sóng gió đối với Liên minh châu Âu.

Cử tri tức giận với "Super Mario"


Trong năm 2012, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết ông sẽ làm "bất cứ điều gì" để cứu đồng euro, nhưng cho đến nay lời hứa này vẫn chỉ là lời nói. Cử tri châu Âu đã tỏ ra quá giận dữ và mệt mỏi, không còn kỳ vọng gì vào sự phục hồi của nền kinh tế khu vực trong năm 2015./.

Nguyễn Hường