5 lý do Assad vẫn trụ vững dù chỉ còn kiểm soát 25% lãnh thổ

24/09/2015 06:58
Nguyễn Hường
(GDVN) - 5 lý do giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn trụ vững sau hơn 3 năm xung đột, đã mất một nửa dân số và chỉ còn kiểm soát 25% lãnh thổ.

Tờ Business Insider (Mỹ) hôm 22/9 dẫn thông tin từ truyền thông quốc tế chỉ ra 5 lý do giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn trụ vững sau hơn 3 năm xung đột, đã mất một nửa dân số và chỉ còn kiểm soát 25% lãnh thổ.

Lý do thứ nhất, theo Time, là ông Assad có nhiều bạn bè tốt, đặc biệt là Nga. Moscow đang giúp đỡ chính quyền Assad rất nhiều vũ khí, chuyên gia quân sự nhằm đảo bảo quyền kiểm soát bền vững phần lãnh thổ đông dân cư chiến lược còn lại nằm trên bờ biển, nơi có một căn cứ quân sự cũ của Liên Xô. 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh Business Insider.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh Business Insider. 

Theo truyền thông Mỹ, Nga đã hỗ trợ chính phủ Assad 6 xe tăng T-90, 15 khẩu pháo, 35 xe bọc thép, 200 binh sĩ thủy quân lục chiến trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, đây được đánh giá có thể chỉ là sự khởi đầu cho sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Moscow ở Syria. 

Láng giềng Iran cũng vẫn tiếp tục bền bỉ hỗ trợ chính phủ Assad trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy và khủng bố IS. Theo Time, Tehran đã hỗ trợ cho chính quyền Damascus 1 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa quan trọng, các chuyên gia quân sự và hàng ngàn binh sĩ tinh nhuệ.

Thứ hai, theo  CNN và New York Times, phương Tây hiện không đủ khả năng để lấp đầy các khoảng trống quyền lực ở Trung Đông, còn IS đang ngày càng mạnh hơn. 

Bất chấp các nỗ lực của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, IS hiện vẫn không ngừng phát triển và đang kiểm soát hơn 50% lãnh thổ Syria. Tổ chức Hồi giáo cực đoan này kiếm hơn 1 triệu USD mỗi ngày từ các vụ tống tiền, thu các loại thuế, khai thác dầu từ các mỏ đánh chiếm được.

Trong khi đó, khoảng 30 nhóm thánh chiến từ 18 quốc gia đã cam kết trung thành với tổ chức IS. Hơn 20.000 chiến binh từ hơn 50 quốc gia khác đã gia nhập tổ chức khủng bố này. 

Mặc dù không "ưa" gì Assad, nhưng cho đến nay, phương Tây cũng thừa nhận rằng các hoạt động chiến đấu chống lại khủng bố IS của lực lượng Assad đã giúp đỡ đáng kể.

Lý do thứ ba, theo New York Times, là việc Assad ra đi hay ở lại hiện vẫn không còn quan trọng, cái giá mà người Syria phải nhận vẫn không khá hơn.

Hơn 200.000 người Syria đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ hơn 3 năm trước. Bốn triệu người đã rời bỏ đất nước. Hơn 7 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và kẹt trong lãnh thổ Syria. 

Ngay cả khi cuộc nội chiến ở Syria kết thúc vào ngày mai, phần lớn số người đã ra đi cũng ít khả năng quay trở lại vì nền kinh tế của đất nước này đã bị tàn phá nặng nề. Châu Âu vẫn phải đối mặt với vấn đề di cư từ Syria. Kể từ năm 2011, nền kinh tế Syria đã sụt giảm hơn 50%. Đồng tiền của Syria đã giảm 80% giá trị so với đồng USD. 

Lý do thứ tư xuất phát từ việc phương Tây vẫn chưa sẵn sàng dốc hầu bao đến cùng và cần chính phủ này trong cuộc chiến chống lại IS, tờ NBC News, Al Jazeera cho biết.

Để chống lại IS, Iran đã cung cấp cho chính phủ Assad hàng tỉ USD, còn Nga đem tới nhiều vũ khí tối tân. Trong khi đó, Mỹ rất muốn chống IS, nhưng không thể cung cấp vũ khí hiện đại hay nhiều tiền bạc cho quân nổi dậy ở Syria mà họ đang hậu thuẫn.

Mỹ đã đầu tư 500 triệu USD để hỗ trợ đào tạo cho quân nổi dậy Syria chống lại IS, nhưng thực tế hiện nay cho thấy kế hoạch này đã thất bại hoàn toàn. Lực lượng do Mỹ huấn luyện liên tiếp gánh thất bại nặng nề ngay từ lần ra trận đầu tiên và hiện chỉ còn lẻ tẻ vài người. 

Hơn nữa, Mỹ không thể điều quân tham gia trực tiếp cuộc xung đột tại Syria vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nước. 

Lý do cuối cùng là lợi ích của các bên tại Syria đang chồng chéo lên nhau. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của NATO trong khu vực muốn chống lại người Kurd ở Syria hơn IS; Iran muốn đánh bại phiến quân Syria do các đối thủ Ả Rập Saudi hậu thuẫn; Mỹ muốn tập trung vào IS còn Putin muốn giành lại vai trò chiến lược trong quan hệ với phương Tây.

Trong mối quan hệ hỗn loạn này, ông Assad dường như là người được lợi nhất, đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên./.

Nguyễn Hường