5 tín hiệu địa chính trị Nga gửi đi từ Syria

13/09/2015 09:32
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hợp tác giữa Nga và Syria trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật đã gửi tới thế giới 5 tín hiệu địa chính trị.

Tờ The National Interest hôm 12/9 dẫn lời chuyên gia cho rằng, hợp tác giữa Nga và Syria trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật đã gửi tới thế giới 5 tín hiệu địa chính trị.

Theo Nicholas Gvozdev, giáo sư, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia, biên tập viên của The National Interest, thông điệp đầu tiên của hợp tác này là "sự suy giảm của Nga chỉ là phóng đại". 

Ảnh Rian.
Ảnh Rian.

Nói cách khác, những ý kiến và đánh giá cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng sự sụt giảm mạnh của giá dầu, suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đẩy Kremlin tới bờ vực của sự sụp đổ là quá sớm.

Ngoài ra, Nga muốn khẳng định rằng mình vẫn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng gửi và giữ quân đội ở bên ngoài biên giới của mình. Hơn nữa, điện Kremlin còn "đang có kế hoạch tham gia tích cực trong diễn biến tình hình ở Trung Đông."

Thứ hai theo Gvozdev, Tổng thống Vladimir Putin muốn truyền tải một thông điệp rõ ràng: ông không chấp nhận quan điểm của Washington rằng loại bỏ nhà lãnh đạo hiện nay của Syria sẽ giúp mang lại sự ổn định lâu dài ở Trung Đông.

Putin đã nhiều lần chỉ ra thực tế rằng nếu mục tiêu của phương Tây là giảm dòng chảy của những người tị nạn và hạn chế mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan thì ý định lật đổ một chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và thay thế bằng chính phủ đối lập không bao giờ dẫn tới kết quả như mong muốn. 

Các kinh nghiệm thu được ở Iraq và Libya cho thấy hy vọng của phương Tây rằng phe đối lập với thành phần hỗn loạn có thể phát triển đất nước hiệu quả và ổn định không bao giờ xảy ra.

Thứ ba, lập trường của Nga ở Ukraine hiện cũng ngày được chứng minh là đáng tin cậy. Mặc dù được phương Tây hậu thuẫn rất lớn, nhưng thực tế cho thấy cách quản lý các vấn đề chính trị và kinh tế của các nhà lãnh đạo hiện nay của Ukraine rất đáng hoài nghi và lo ngại.

Tín hiệu thứ tư theo ông Gvozdev, Nga công khai thúc đẩy các chương trình hợp tác quân sự-kỹ thuật với chính phủ Syria để chỉ ra giới hạn đỏ của mình. Nga muốn gửi đi thông điệp rằng họ sẽ không ngồi yên và xem chính quyền Assad sụp đổ như kết quả của một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Thứ năm, Moscow đã sẵn sàng thực hiện lời hứa của mình, thậm chí là phải trả giá bằng một sự hy sinh nào đó. Những tín hiệu này chắc chắn sẽ được các nước như Azerbaijan và Ai Cập vốn đang nghi ngờ sự can thiệp của Mỹ trong nền chính trị của họ, chắc chắn sẽ nhận thấy./.

Nguyễn Hường