ASEAN tôn trọng nhưng không có nghĩa là cúi đầu trước Trung Quốc

25/09/2013 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhiều nước Đông Nam Á tôn trọng sự trỗi dậy và nền kinh tế năng động của Trung Quốc, tuy nhiên tôn trọng không có nghĩa là cúi đầu. Các nước ASEAN không muốn dựa hoàn toàn vào "thiện chí" hay lòng tốt của Bắc Kinh, vì vậy họ cố gắng cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng cách tham gia với các sức mạnh bên ngoài bằng phương tiện song phương bất cứ nơi nào có thể.
ASEAN nỗ lực xây dựng trở thành một Cộng đồng kinh tế vào năm 2015.
ASEAN nỗ lực xây dựng trở thành một Cộng đồng kinh tế vào năm 2015.
Julio Amador III, một nghiên cứu sinh về châu Á thuộc Trung tâm Đông - Tây ở Washington nhận định, vai trò trung tâm trong việc chi phối quyền lực khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ASEAN không phải được người ta ban cho mà phải nỗ lực tìm kiếm. Không làm như vậy, thì các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc sẽ chi phối cuộc chơi và sẽ quyết định tương lai của khu vực.
Các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải làm việc chăm chỉ để duy trì vị trí trung tâm của ASEAN trong quan hệ quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến công du 4 nước Đông Nam Á và tham dự hội nghị APEC, hội nghị thượng đỉnh Đông Á và hội nghị ASEAN - Mỹ trong tháng 10 tới của Tổng thống Mỹ Obama sẽ làm nổi bật những thách thức lớn mà khu vực Đông Nam Á phải đối mặt, đặc biệt là vai trò của các quốc gia thành viên ASEAN trong cán cân quyền lực khu vực khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Trung Quốc đang tìm kiếm một mô hình quyền lực mới rất lớn với Mỹ để tạo cho nó vị thế gần như cân bằng với Mỹ sau này trên trường quốc tế. Bắc Kinh mong muốn nhận được sự bảo đảm từ Washington tôn trọng "lợi ích" của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh sẽ đảm bảo vai trò của Mỹ tại Tây bán cầu sẽ không bị thách thức.
Julio Amador III
Julio Amador III
Vì vậy, theo Julio Amador III, hành động của Trung Quốc như tranh chấp quyền kiểm soát nhóm đảo Senkaku với Nhật Bản bằng cách thường xuyên phái tàu Hải giám/Cảnh sát biển ra vùng biển xung quanh hay chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines, nhòm ngó Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và duy trì tranh chấp kéo dài với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa là những dấu hiệu đáng báo động rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm những gì cần thiết để ngăn chặn cái gọi là "xâm phạm" những khu vực nó coi là lãnh thổ của mình. Nhìn chung Đông Nam Á đã đạt được mối quan hệ hòa bình và hiệu quả với Trung Quốc. Trong thực tế, ASEAN và Trung Quốc đã duy trì quan hệ "đối tác chiến lược" từ năm 2003, trong đó xác định nhiều lĩnh vực hợp tác. Trước đó năm 2002 ASEAN đã ký với Trung Quốc một bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Bởi thực tế địa lý, các quốc gia thành viên ASEAN không có sự lựa chọn mà phải tìm cách làm việc với Trung Quốc, cộng đồng ASEAN vì thế đã luôn luôn tìm cách khuyến khích Bắc Kinh đóng một vai trò tích cực trong tổ chức khu vực với nỗ lực "xã hội hóa" các chuẩn mực có thể chấp nhận. Tuy nhiên Trung Quốc ngày càng trông chờ một sự tôn trọng đối với sức mạnh to lớn của mình khi quốc gia này vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong khi Trung Quốc có thể tin rằng đó là tiền đề để "thống trị" Đông Nam Á, nhưng hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều luôn luôn ý thức về quyền tự chủ của mình. Điều này không có nghĩa các thành viên ASEAN sẽ phản đối Trung Quốc một cách trực diện mà thực sự các nước ASEAN "đang chuẩn bị có những bước nhượng bộ nhất định trong một số lĩnh vực mà không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của mình", Julio nhận định. Nhiều nước Đông Nam Á tôn trọng sự trỗi dậy và nền kinh tế năng động của Trung Quốc, tuy nhiên tôn trọng không có nghĩa là cúi đầu. Các nước ASEAN không muốn dựa hoàn toàn vào "thiện chí" hay lòng tốt của Bắc Kinh, vì vậy họ cố gắng cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng cách tham gia với các sức mạnh bên ngoài bằng phương tiện song phương bất cứ nơi nào có thể.
Hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông khiến các nước đặc biệt lo ngại, ASEAN nỗ lực thúc đẩy Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán, ký kết COC để quản lý và giảm thiểu nguy cơ xung đột trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc luôn tìm cách né tránh.
Hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông khiến các nước đặc biệt lo ngại, ASEAN nỗ lực thúc đẩy Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán, ký kết COC để quản lý và giảm thiểu nguy cơ xung đột trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc luôn tìm cách né tránh.
Ngược lại, Đông Nam Á lại chấp nhận tính ưu việt trong sự hiện diện của Mỹ ở khu vực với 3 lý do quan trọng: Mỹ tôn trọng tự do hàng hải và có vai trò trong việc ngăn chặn các cường quốc khác định "thống trị" các nước nhỏ hơn trong khu vực và giảm thiểu các tham vọng lãnh thổ của nó trong khu vực. Thứ 2, tính minh bạch chung trong hoạch định chính sách của Mỹ cũng rất hữu ích cho các quốc gia ASEAN, trong đó có ý tưởng về cách thức Mỹ sẽ phản ứng với các quyết định, chính sách mà chắc chắn rằng họ có thể làm. Ba là, chính sách xoay trục chiến lược của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương đã được nhiều nước ASEAN chào đón như một sự khẳng định về tầm quan trọng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, các nước ASEAN không muốn phải rơi vào vị trí phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington. ASEAN luôn tìm kiếm vai trò như một đối tác trung lập và đáng tin cậy cho những hoạt động đối thoại giữa các cường quốc thông qua các cơ chế như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + cũng như các cơ chế ASEAN +. Mặt khác vẫn còn những lo sợ rằng cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ biến mất một khi cuộc khủng hoảng mới bùng nổ, đặc biệt là ở Trung Đông. Ngay cả khi đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, ASEAN không thể hoàn toàn đứng về phía các thành viên của mình có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc để Bắc Kinh có cớ "bất mãn" mà tỏ ra rất thận trọng, đó cũng là điều dễ hiểu.
Các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc trao đổi thúc đẩy việc thực hiện DOC và hướng tới đàm phán, ký kết COC để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách né tránh.
Các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc trao đổi thúc đẩy việc thực hiện DOC và hướng tới đàm phán, ký kết COC để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách né tránh.
Nhưng cũng chính ASEAN đã thúc giục Trung Quốc tiến hành đàm phán và ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trong khi giới chức Bắc Kinh vẫn tái khẳng định rằng họ "không vội vàng" làm việc này bất chấp nhiều nỗ lực của ASEAN. Các thành viên ASEAN đã đồng ý rằng sẽ làm việc cùng nhau để đưa COC thành hiện thực, Singapore đã liên tục kêu gọi sớm ký kết COC và đã nêu vấn đề với lãnh đạo Trung Quốc. Indonesia quan tâm bảo vệ sự thống nhất của ASEAN về vấn đề này và đã tìm cách tạo ra một mặt bằng chung để giải quyết những mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên có tranh chấp ở Biển Đông trong khi tránh chia rẽ khối. Mặc dù Thái Lan giữ vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Bangkok vẫn cam kết hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN khác về COC ngay cả khi Thái Lan cho rằng vấn đề này "không nên nhấn mạnh quá nhiều". Các quốc gia thành viên đều mong muốn ASEAN vẫn là trung tâm của cấu trúc khu vực, và khối phải duy trì một tư thế cân bằng tinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi cùng một lúc có sự tham gia của các cường quốc khác như Nhật Bản, Nga và Ấn Độ. Có nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của ASEAN khi sự phối hợp trong chính sách đối ngoại không phải là một sức mạnh chính của hiệp hội. Các nước thành viên có nhận thức và chiến lược khác nhau về các mối đe dọa, khi đến phiên họ giữ ghế Chủ tịch luân phiên khối công việc lại đòi hỏi sự phối hợp, khả năng chống lại áp lực từ bên ngoài thường phụ thuộc vào sức mạnh tương đối của vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Campuchia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012 đã cho thấy Bắc Kinh có một ảnh hưởng to lớn đến các cuộc thảo luận của ASEAN thông qua Campuchia. Tuy nhiên khi ghế Chủ tịch luân phiên chuyển qua Brunei, với vị thế kinh tế và chính trị của mình, Brunei đã tự do hơn để chống lại các áp lực bên ngoài, đó là lý do tại sao Brunei có thể tạo ra một sự đồng thuận về các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông. Để ứng phó với những quan hệ quyền lực lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đầu tiên ASEAN phải trở thành một cộng đồng kinh tế thực sự có khoảng cách phát triển hẹp và một nền kinh tế năng động, chỉ có như vậy ASEAN mới có thể chống lại các áp lực từ các cường quốc bên ngoài. Muốn làm được điều này, các quốc gia thành viên phải thành công trong thực hiện mục tiêu của họ vì một Cộng đồng ASEAN thống nhất vào năm 2015 như là mục tiêu của riêng họ và ưu tiên quyền lợi cho người dân ASEAN. Thứ hai, ASEAN phải thoát khỏi những lời tuyên bố trên giấy và tránh tập trung quá nhiều vào quá trình. ASEAN cần chứng tỏ sự tiến bộ hơn trong việc đạt được các mục tiêu khác nhau của mình như khả năng thu hút đầu tư hỗ trợ phát triển, thực hiện các thỏa thuận và áp dụng hay duy trì cải cách trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với 4 thập kỷ phát triển, ASEAN không thể tiếp tục dừng lại đằng sau những tuyên bố hoành tráng trong khi liên tục thất bại trong sản xuất hàng hóa. Các quốc gia thành viên ASEAN sẽ phải tính đến nhiều hơn nữa quyền lợi người dân của họ, những người có lợi ích có thể vượt khỏi biên giới quốc gia.

Hồng Thủy