Ai sẽ đại diện Trung Quốc viếng ông Lý Quang Diệu?

24/03/2015 10:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu để Lý Nguyên Triều đi viếng e rằng cấp độ hơi thấp, cấp Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng cũng "chưa đủ tư cách" tham dự tang lễ ông Lý Quang Diệu.
Ông Tập Cận Bình sẽ đích thân sang Singapore phúng ông Lý Quang Diệu? Ảnh: Verwendung.
Ông Tập Cận Bình sẽ đích thân sang Singapore phúng ông Lý Quang Diệu? Ảnh: Verwendung.

Đa Chiều ngày 23/3 đưa tin, sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời sáng sớm hôm qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc gồm các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Trương Cao Lệ, Vương Nghị đã lần lượt gửi điện chia buồn đến những người đồng cấp Singapore. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng "nhà lãnh đạo Trung Quốc" sẽ tham dự lễ tang ông Lý Quang Diệu.

Phó Thủ tướng hay Bộ trưởng "chưa đủ tư cách" đi viếng

Tại Trung Quốc, người được gọi là "nhà lãnh đạo" thông thường phải là từ Ủy viên Quốc vụ viện (trên Bộ trưởng, dưới Phó Thủ tướng) trở lên. Tháng 1 năm nay ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ viện dự lễ tang Quốc vương Ả Rập Saudi. Ngày trước Ủy viên Quốc vụ viện Đường Gia Triền từng dự lễ tang Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong khi Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều đại diện Trung Nam Hải sang viếng cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Ai sẽ đại diện Trung Quốc viếng ông Lý Quang Diệu? ảnh 2

BBC: Lý Quang Diệu người Hoa chính gốc, luận Mao Trạch Đông-Tần Thủy Hoàng

(GDVN) - Thủ tướng Singapore trả lời, Mao Trạch Đông đang muốn thay đổi Trung Quốc giống như vị hoàng đế đầu tiên - Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho...

Mặc dù Nelson Mandela và Lý Quang Diệu đều là những chính khách lỗi lạc đẳng cấp quốc tế, nhưng khi Nelson Mandela qua đời lãnh đạo Trung Quốc chỉ có 2 ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường gửi điện chia buồn. Lần này 5 nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng loạt gửi điện chia buồn cho thấy sự trọng thị của Bắc Kinh khác hẳn. Ở Trung Quốc, "lãnh đạo quốc gia" là khái niệm thường được dùng để chỉ tối thiểu là ủy viên Bộ chính trị.

Tuy nhiên những ủy viên là lãnh đạo các địa phương như Hàn Chính, Quách Kim Long, Hồ Xuân Hoa, Trương Xuân Hiền, Tôn Chính Tài, Tô Xuân Lan khó có khả năng đại diện Trung Nam Hải sang Singapore phúng điếu ông Lý Quang Diệu. Do xuất thân đặc thù của cựu Thủ tướng khai quốc Singapore, nếu để Lý Nguyên Triều đi viếng e rằng cấp độ hơi thấp, cấp Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng cũng "chưa đủ tư cách" tham dự tang lễ ông Lý Quang Diệu, Đa Chiều bình luận.

Như vậy các ủy viên Bộ chính trị như Mã Khải, Lưu Diên Đông, Lưu Kỳ Bảo, Uông Dương, Triệu Lạc Tế đều không nằm trong danh sách khả thi. Hiện tại ngoài 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị, các ủy viên Bộ chính trị còn lại như Vương Lô Ninh, Hứa Kỳ Lượng, Lý Kiến Quốc, Phạm Trường Long, Mạnh Kiến Trụ, Lật Chiến Thư cũng có thể đại diện Trung Nam Hải đi viếng nếu chỉ xét về cấp bậc.

Có điều ngoài Hứa Kỳ Lượng, Phạm Trường Long và Lý Kiến Quốc có chức vụ nhà nước, những nhân vật còn lại đều nắm quyền trong đảng. Không có chức danh nhà nước đi viếng dễ khiến người khác dị nghị, và cũng khiến tang chủ Singapore bối rối khi tiếp đón.

Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng đều là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, nếu đại diện đi viếng tang dễ khiến dư luận ấn tượng về một "chính phủ quân sự". Lý Kiến Quốc tuy cấp ủy viên Bộ chính trị, nhưng đứng đầu Tổng Công hội cũng khó đại diện cho một quốc gia sang Singapore viếng tang.

7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị, ai có khả năng đại diện viếng tang ?

Ai sẽ đại diện Trung Quốc viếng ông Lý Quang Diệu? ảnh 3

Lý Quang Diệu: TQ trỗi dậy nhiều nước bất an, Tập Cận Bình "rắn như thép"

(GDVN) - Quý vị có nói điều gì khiến ông ta không vui, ông ta cũng sẽ vẫn giữ nguyên một vẻ mặt thường thấy. Ý chí của ông ấy rắn như thép

Trên thực tế hiện tại chỉ còn 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị, nhưng trong đó Vương Kỳ Sơn và Lưu Vân Sơn đang nắm các chức vụ trong đảng, viếng tang không tiện. Nhìn lại hoạt động "ngoại giao phúng viếng" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc không khó để phát hiện ra quy luật: Tập Cận Bình gửi điện chia buồn, Hàn Chính (Bí thư Thượng Hải) đích thân đến đại sứ quán tang chủ phúng điếu, Dương Khiết Trì, Lý Nguyên Triều hoặc Tập Cận Bình sẽ đích thân sang dự tang lễ.

Sau khi Cộng hòa Singapore lập quốc, Hội nghị lập pháp Singapore đổi tên thành Quốc hội Singapore từ ngày 22/12/1965 với chế độ một viện. Hôm 23/3 sau khi Trương Đức Giang - Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc gửi điện chia buồn, Du Chính Thanh - Chủ tịch Chính hiệp không có người đồng cấp tương ứng ở Singapore để chia buồn nên việc ông Thanh đi viếng tang Lý Quang Diệu không hợp lý.

Vì vậy chỉ còn lại 4 nhân vật có thể thay mặt Trung Nam Hải đi phúng điếu là các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ. Trong khi đó phúng điếu Lý Quang Diệu không chỉ để cho nước Mỹ nhìn, mà còn để các nước trong khu vực thấy nhằm đạt được mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh. Năm 2012 cựu Quốc vương Campuchia Sihanouk qua đời, người sang viếng tang là Ôn Gia Bảo - Thủ tướng.

Năm 2011 Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời, cả 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đều đến đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh phúng điếu. Dù mấy năm nay quan hệ Trung -  Triều ngày càng lạnh nhạt, cái giỗ thứ 3 của ông Kim Jong-il năm ngoái, Du Chính Thanh cũng thay mặt Thường vụ đến đại sứ quán Triều Tiên phúng điếu.

Lý Quang Diệu không chỉ là "người bạn thân thiết" của Trung Quốc như ông Tập Cận Bình đánh giá, là cầu nối Bắc Kinh với phương Tây cũng như 2 bờ eo biển Đài Loan, mà còn là nhà lãnh đạo láng giềng được Trung Nam Hải trọng thị nhất không dựa trên tiêu chí về ý thức hệ.

Do đó người sang phúng điếu ông Diệu phải là cấp nguyên thủ quốc gia Trung Quốc là cần thiết và xứng tầm. Việc này cũng để cho các nước trong khu vực cho thấy Trung Nam Hải thực sự coi trọng láng giềng, dù là nước nhỏ và không chung ý thức hệ.

Cấp bậc người viếng ông Lý Quang Diệu và câu chuyện Biển Đông

Từ khi Trung Quốc lựa chọn các nước láng giềng là đối tượng ưu tiên trong chính sách ngoại giao, Biển Đông đã trở thành vấn đề nóng trong quan hệ Trung - Mỹ. Trong khi đó Indonesia và Việt Nam "muốn hành động gấp" ở Biển Đông, vai trò cân bằng của Singapore trong khu vực không những không giảm mà còn ngày càng gia tăng hơn trước.

Dù ông Lý Quang Diệu qua đời, Bắc Kinh vẫn cần con trai ông, Thủ tướng Lý Hiển Long đóng vai trò trung gian giữa Nhà Trắng và Trung Nam Hải. Do đó cấp bậc phúng điếu ông Lý Quang Diệu chắc chắn là vấn đề vô cùng quan trọng.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã quyết định đích thân sang Singapore viếng tang. Ông Tập Cận Bình từng lập chí trở thành chính khách "dẫn dắt châu Á trỗi dậy" càng nên thân chinh sang phúng điếu ông Lý Quang Diệu, Đa Chiều bình luận. Hơn nữa Trung Nam Hải lâu nay vẫn coi Singapore là hình mẫu phát triển đáng để học tập.

Hồng Thủy