Ấn Độ - Nhật Bản liên thủ phân tán lực lượng Trung Quốc

03/06/2013 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Đã đến lúc các quốc gia phải phối hợp hành động để ngăn chặn những hoạt động leo thang tương tự từ phía Bắc Kinh, không thể để Trung Quốc muốn làm gì thì làm khi họ cố tình xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực.
Thủ tướng Ấn Độ công du Nhật Bản
Thủ tướng Ấn Độ công du Nhật Bản
Thời báo Hoàn Cầu ngày 3/6 dẫn phân tích của tạp chí The Diplomat cho rằng Ấn Độ và Nhật Bản đang hợp tác đối phó với "Trung Quốc trỗi dậy", trong đó Hoàn Cầu cho rằng New Delhi hy vọng với việc làm cho Trung Quốc tập trung lực lượng ra các vùng lãnh hải tranh chấp để giảm áp lực căng thẳng trên đất liền tại biên giới Trung - Ấn.
The Diplomat nhận định, tự do hàng hải có vai trò vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ, trong đó Nhật Bản đặc biệt quan ngại hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đang muốn biến 2 vùng biển này thành "ao nhà" của Bắc Kinh. Để đối phó với tham vọng (phi pháp) và các hoạt động ngày một hung hăng của Trung Quốc trên thực địa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra 3 giải pháp đối phó: Củng cố liên minh Mỹ - Nhật; Hợp tác với Anh - Pháp trong lĩnh vực an inh quốc tế tại châu Á; Tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng trên trục Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Thời gian qua Ấn Độ và Nhật Bản đã tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược, ngoài lĩnh vực kinh tế Tokyo và New Delhi còn đặc biệt quan tâm tới hợp tác an ninh, đối thoại quốc phòng, tập trận chung lần thứ 2 giữa hải quân hai nước. The Diplomat phân tích, điều mà Ấn Độ quan tâm hiện nay là làm sao để Trung Quốc tập trung sức mạnh vào khu vực Đông Á càng nhiều càng tốt, điều này sẽ làm giảm bớt áp lực đối với khu vực biên giới Trung - Ấn. Trước đó, mặc dù ông Lý Khắc Cường đã chọn Ấn Độ làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc, nhưng New Delhi đã thẳng thừng từ chối ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Động thái này phản ánh một thực tế hầu hết các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đều cảm thấy lo ngại trước những hành động leo thang của Bắc Kinh tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và biên giới Trung Ấn. Và cũng đã đến lúc các quốc gia phải phối hợp hành động để ngăn chặn những hoạt động leo thang tương tự từ phía Bắc Kinh, không thể để Trung Quốc muốn làm gì thì làm khi họ cố tình xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực - PV.

Hồng Thủy