Ấn Độ sẽ kiên quyết chống lại nếu Trung Quốc áp ADIZ ở Biển Đông

13/09/2015 07:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông là điều bắt buộc với Ấn Độ bởi nước này có lợi ích lớn ở Việt Nam và mối quan hệ đang phát triển với các nước.
Tàu hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam. Ảnh: Asian Defense News.
Tàu hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam. Ảnh: Asian Defense News.

The Economic Times ngày 13/9 đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã nhấn mạnh về tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh có tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng hạn chế tự do hàng hải hàng không trong khu vực, nơi Ấn Độ có lợi ích thương mại và chiến lược mạnh mẽ.

Quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên nói rằng, sau khi Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp xong ở Biển Đông, họ có thể áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ đi ngược lại lợi ích chiến lược và thương mại của Ấn Độ, mà còn chống lại các chuẩn mực quốc tế về tự do hàng hải, hàng không.

Trong một bài báo hồi đầu tuần này đăng trên Thời báo Hoàn Cầu, Wang Dehua, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải đã tuyên truyền bôi nhọ Ấn Độ rằng, New Delhi hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp) trên Biển Đông để "ép Bắc Kinh thỏa hiệp về biên giới" và quan hệ với Pakistan?!

Ngay từ khi Trung Quốc chưa tuyên bố áp đặt ADIZ ở Biển Đông, Ấn Độ đã phát đi thông điệp cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ động thái nào như vậy. Cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông được sử dụng cho mục đích tấn công. 

Biển Đông có tuyến hàng hải trọng yếu hàng đầu không chỉ với Ấn Độ mà còn với các nước khác như Nhật bản để tiến hành các hoạt động thương mại, vận chuyển hàng hóa. Quan chức Ấn Độ cho rằng, tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông là điều bắt buộc với Ấn Độ bởi nước này có lợi ích lớn ở Việt Nam và mối quan hệ đang phát triển với các nước trong khu vực, bao gồm Philippines.

Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đã quyết định khởi động hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp) trên Biển Đông.

Ấn Độ cũng đã phát triển quan hệ quốc phòng và an ninh với Việt Nam như một phần của quan hệ đối tác chiến lược. Trong khi đó tháng trước Trung Quốc đã tìm cách "đe" Mỹ, dọa Ấn Độ khi điều đội tàu hải quân đi vào vùng biển Alaska, Hoa Kỳ và tiếp cận quần đảo Nicobar, Andaman đúng hôm duyệt binh 3/9.

Hồng Thủy