Ấn Độ và Nhật Bản đều xem Trung Quốc như một mối đe dọa

31/05/2013 15:42
Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)
(GDVN) - Sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Nhật Bản được giới phân tích đánh giá là khá tự nhiên trong bối cảnh cả hai đều xem Trung Quốc như một mối đe dọa - Lalit Mansingh, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ và chuyên gia phân tích các vấn đề chiến lược nói.
Trong chuyến thăm 3 ngày tới Nhật Bản tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã ký kết một số hợp đồng lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển giao công nghệ-quốc phòng, đồng ý tăng cường tốc độ đàm phán về hợp tác hạt nhân cũng như tiến hành tập trận hải quân chung với Tokyo. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Tokyo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Tokyo.

Sự hợp tác của Ấn Độ và Nhật Bản đã gửi một tín hiệu ngoại giao mạnh mẽ tới Bắc Kinh trong bối cảnh trỗi dậy một loạt các vụ tranh chấp trên biên giới Ấn-Trung hồi tháng trước cũng như tranh chấp lãnh hải Nhật-Trung trên biển Hoa Đông.
Mục tiêu của nó, theo các nhà phân tích, là để cô lập Trung Quốc nhằm kiềm chế tham vọng bành trướng lãnh thổ của quốc gia này trong khu vực.
Trong bài phát biểu hôm thứ 29/5, Thủ tướng Singh cho biết Ấn Độ và Nhật Bản là "đối tác tự nhiên và không thể thiếu" trong các nỗ lực mang lại hòa bình, ổn định trong tương lai, hợp tác và thịnh vượng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Abe nói rằng Ấn Độ ở phương Tây và Nhật Bản ở phía Đông phải gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình châu Á.
Sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Nhật Bản được giới phân tích đánh giá là khá tự nhiên trong bối cảnh cả hai đều xem Trung Quốc như một mối đe dọa - Lalit Mansingh, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ và chuyên gia phân tích các vấn đề chiến lược nói.

Cả Nhật Bản và Ấn Độ cùng nỗ lực tìm kiếm đồng minh cô lập sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Cả Nhật Bản và Ấn Độ cùng nỗ lực tìm kiếm đồng minh cô lập sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

"Thủ tướng Nhật Bản muốn xác định lại rằng các quốc gia Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là cộng đồng các nước ven biên dân chủ. Điều đó hiển nhiên chỉ ra rằng nó không bao gồm Trung Quốc. Đây là một bước tiến quan trọng và thông minh của Ấn Độ. Tôi nghĩ Bắc Kinh có lý do để lo lắng" - ông nói thêm.
Và thông điệp này cũng đã được Bắc Kinh chú ý tới. Hôm 28/5 , Nhân dân Nhật báo đã đăng tải xã luận bóng gió cảnh báo New Delhi khi nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ là các đối tác tự nhiên. Tờ báo ca ngợi sự khôn ngoan của Ấn Độ trong việc xử lý các xung đột với Trung Quốc một cách bình tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi những hành động khiêu khích nội bộ và quốc tế.

Bài báo cũng chỉ trích chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Abe tới các 
láng giềng của Trung Quốc để thảo luận về cách ngăn chặn các siêu cường khi nói rằng: "Một số chính trị gia chỉ biến mình thành kẻ trộm vặt trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc".
Thủ tướng Abe gần đây không chỉ nỗ lực thắt chặt quan hệ với Ấn Độ mà còn với các nước Đông Nam Á khác để cô lập sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Nhật Bản còn mở rộng hợp tác với các nước cùng chia sẻ mối quan tâm về tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc thông qua các cam kết xem xét hỗ trợ đào tạo đội tàu ngầm của Việt Nam và tăng cường bảo vệ bờ biển Philippines, phối hợp tập trận hải quân với Ấn Độ.
"Ấn Độ, Nhật Bản chung tay để phá vỡ chuỗi ngọc trai" là tiêu đề một bài viết được đăng tải trên tờ Times of India của Ấn Độ hôm 30/5, trong đó đề cập tới chiến lược thu hút các nước láng giềng Ấn Độ như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Maldives hình thành liên minh thương mại và cơ sở chiến lược của Trung Quốc.
Tuần này, Nhật Bản đã cung cấp cho Ấn Độ khoản vay 700 triệu USD để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm mới tại thủ đô tài chính Mumbai, cam kết sẽ đầu tư vào hệ thống đường sắt tốc độ cao và hứa sẽ cung cấp máy bay trinh sát hải quân tiên tiến cho Ấn Độ.
Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)