Anh trưng cầu dân ý về số phận Scotland

18/09/2014 08:42
Nguyễn Hường
(GDVN) - Một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland sẽ được tổ chức trong ngày 18/9.

Trong những ngày gần đây, dư luận Vương quốc Anh bị hun nóng trước ý định đòi tuyên bố độc lập của Scotland.

Một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của vùng lãnh thổ này sẽ được tổ chức trong ngày 18/9. Tất cả những người tham gia sẽ quyết định chọn câu trả lời "Có" hoặc "Không" cho câu hỏi: "Bạn có ủng hộ Scotland là một quốc gia độc lập hay không?".

Alex Salmond - lãnh tụ 59 tuổi của Scotland.
Alex Salmond - lãnh tụ 59 tuổi của Scotland.

Năm cuộc thăm dò dư luận đã được tiến hành trước cuộc trưng cầu quan trọng này. Kết quả cho thấy chỉ có khoảng 47-48% người dân ủng hộ yêu cầu độc lập của Scotland. 

Tuy nhiên, các cuộc điều  tra cũng cho thấy có đến 600.000 cử tri vẫn chưa quyết định lựa chọn của mình trước giờ bỏ phiếu chính thức bắt đầu.

"Đây là cơ hội của chúng ta về cuộc đời và chúng ta phải nắm lấy nó bằng cả hai tay", Alex Salmond, lãnh tụ 59 tuổi của Scotland, nói với hàng trăm người ủng hộ vẫy cờ trắng trên nền màu xanh vào ngày 17/9.

"Tương lai của Scotland phải nằm trong tay của người Scotland," ông Salmond cho biết.

Đối mặt với mối đe dọa nội bộ lớn nhất Vương quốc Anh kể từ khi Ireland tách ra gần một thế kỷ trước và trong một nỗ lực cuối cùng để thuyết phục Scotland, Thủ tướng David Cameron cho biết vùng đất này nên ở lại Anh thì tốt hơn. 

Sự độc lập của Scotland có thể khuyến khích các vùng lãnh thổ khác đòi quyền tương tự.
Sự độc lập của Scotland có thể khuyến khích các vùng lãnh thổ khác đòi quyền tương tự.

Các nhà lãnh đạo London cũng đảm bảo Scotland sẽ được tăng ngân sách và trao quyền kiểm soát tài chính lớn hơn để níu chân, nhưng dường như không làm giảm quyết tâm đòi độc lập của các nhà hoạt động.

Trong trường hợp Scotland giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu độc lập, Anh và Scotland sẽ phải trải qua 18 tháng đàm phán về hoạt động khai thác dầu mỏ ở Biển Bắc, các vấn đề trong Liên minh châu Âu và số phận các căn cứ tàu ngầm hạt nhân chính của Anh ở Scotland. 

Scotland cũng muốn tiếp tục dùng đồng bảng làm tiền tệ chính thức sau khi độc lập, nhưng London đã bác bỏ đề nghị này. Trong khi đó, Scotland không muốn sự hiện diện của căn cứ tàu ngầm Anh trên lãnh thổ của mình.

Triển vọng phá vỡ Vương quốc Anh, quốc gia lớn thứ sáu trên thế giới về nền kinh tế và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết, đã khiến người dân và các đồng minh lo ngại về những tác động tiêu cực của nó, trong khi thị trường tài chính của thành phố Luân Đôn đã cảnh báo về tình trạng hỗn loạn.

Những dấu hỏi về tương lai của Scotland đã có tác động đến các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Một số lo ngại rằng sự tan rã của Vương quốc Anh có thể làm suy yếu vị thế của London như là một thủ đô tài chính quốc tế.

Một số lo ngại rằng sự tan rã của Vương quốc Anh có thể làm suy yếu vị thế của London như là một thủ đô tài chính quốc tế.
Một số lo ngại rằng sự tan rã của Vương quốc Anh có thể làm suy yếu vị thế của London như là một thủ đô tài chính quốc tế.

Khả năng phòng thủ của Vương quốc Anh có thể bị ảnh hưởng khi chính phủ Scotland nói rằng họ muốn loại bỏ vũ khí hạt nhân từ Scotland, gồm hạm đội tàu ngầm hạt nhân ra khỏi lãnh thổ của mình càng sớm càng tốt.

Scotland sẽ phải đàm phán lại việc gia nhập cả NATO và Liên minh châu Âu nếu bỏ phiếu độc lập. Điều nguy hiểm hơn nữa là sự độc lập của Scotland có thể khuyến khích các vùng lãnh thổ khác đòi quyền tương tự.

Nếu Scotland giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu độc lập, Thủ tướng Cameron cũng có thể sẽ phải chịu áp lực phải từ chức - mặc dù ông đã nói với phương tiện truyền thông Anh "dứt khoát" rằng ông sẽ không làm như vậy./.

Nguyễn Hường