Quýt làm cam chịu

07/02/2016 13:24
Ngọc Việt
(GDVN) - Dù tạo ra nguyên nhân nhưng không phải gánh hậu quả nên cả Moscow và Washington vẫn cứ vô tư với những cuộc chiến mà họ tham gia, họ còn cò cưa để kiếm lợi.

Năm 2015 là một năm đầy bất ổn với Châu Âu không chỉ bởi những cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng tại nước Pháp làm chấm động thế giới, cũng không phải cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã gây sốt cho cả EU trong bao tháng trời nhằm giữ quốc gia này không phải rời khỏi eurozone. 

Người viết cho rằng, cuộc khủng hoảng dân nhập cư mới là vấn nạn gây bất ổn cho gần như tất cả các nước Châu Âu, nó làm gia tăng nguy cơ khủng bố. Quan trọng hơn nữa là nó còn gia tăng nguy cơ phá vỡ tính thống nhất và toàn vẹn của EU, khi có nhiều nước có thể rời bỏ liên minh này vì gánh nặng “quota” dân nhập cư.

Năm 2016, được dự báo mức độ khủng hoảng từ vấn nạn này còn khủng khiếp, dữ dội hơn. Châu Âu còn phải điêu đứng hơn so với những gì mà họ đã mất bao sức lực và tiền của để giải quyết trong năm 2015. Và cũng vì cảm nhận được điều ấy nên các quốc gia Châu Âu đã có những biện pháp ngay từ đầu năm mới.

Không chỉ những người phải rời bỏ quê hương bản quán đổ về châu Âu mới phải chịu khổ, chính phủ và người dân các nước châu Âu cũng đang đứng trước áp lực vô cùng lớn. Ảnh: AP.
Không chỉ những người phải rời bỏ quê hương bản quán đổ về châu Âu mới phải chịu khổ, chính phủ và người dân các nước châu Âu cũng đang đứng trước áp lực vô cùng lớn. Ảnh: AP.

Ngày 4/1, The Telegraph đưa tin việc Đan Mạch bắt đầu áp dụng việc kiểm tra ID của những công dân qua biên giới nước này đến từ các nước trong khu vực Schengen. Việc làm này của Đan Mạch được tiến hành sau khi Thụy Điển áp dụng với công dân các quốc gia tham gia Hiệp ước Schengen vào Thụy Điển. Nguyên nhân chính là hai nước đều tìm cách ngăn chặn dân nhập cư bất hợp pháp, gây nên bất ổn xã hội.

Cũng cần nhắc lại rằng, kể từ ngày 14/6/1985 khi Hiệp ước về bãi bỏ việc kiểm soát biên giới ký kết tại thị trấn Schengen, Luxembourg cho đến ngày 19/12/2011 đã có 26 quốc gia công nhận hoàn toàn hiệp ước này.

Trong số này gồm có Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc khối liên minh Châu Âu), theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức. 

Việc tự do đi lại của công dân các nước trong khu vực Schengen zone mang lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia tham gia Hiệp ước và cho người dân các quốc gia ấy vì thời gian lưu thông ngắn lại, những rào cản hành chính được hạn chế tới mức tối đa để người lao động có thể tập trung cho công việc. Chính quyền cũng giảm được rất nhiều lực lượng công chức và an ninh biên giới.

Vì vậy hành động “tạo dựng biên giới” của Đan Mạch đã làm cho Đức phải lên tiếng cảnh báo, Schengen zone gặp nguy hiểm và có thể phá vỡ Hiệp ước Schengen. Điều này chứng tỏ cuộc khủng hoảng dân nhập cư đã cực kỳ nghiêm trọng. Nó không chỉ đe dọa EU, eurozone mà còn cả Schengen zone nữa, và gần như là đe dọa cả Châu Âu.

Tại sao vấn nạn này khủng khiếp như vậy mà các nước bị ảnh hưởng không quyết tâm giải quyết dứt điểm vì nó gây nên nguy hại cho chính họ?

Họ mâu thuẫn với nhau trong cách thức giải quyết, có điều ấy nhưng không phải đã hết đường thoả hiệp. Họ khó có thể ngăn dòng người rời bỏ đất nước vì cuộc sống bị đe dọa, đương nhiên rồi nhưng không có nghĩa là Châu Âu đã phải bó tay. Vậy điều gì làm cho Châu Âu lại bế tắc như vậy? 

Quýt làm cam chịu

Cuộc khủng hoảng dân di cư tại Châu Âu thực sự có nguyên nhân chủ yếu từ đói nghèo, bất ổn và chiến tranh. Thực ra, việc người dân rời bỏ những nước nghèo đói, chủ yếu ở khu vực Châu Phi và Trung Đông sang Châu Âu đã diễn ra từ lâu, nhưng vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát của những nước người dân bỏ đi và tại đất nước mà họ đến.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã không thể kiểm soát được nữa. Nguyên nhân khiến người dân Châu Phi rời bỏ quê hương để “tha phương cầu thực”vẫn không có gì khác. Nhưng cái khác là việc họ di cư lại nằm trong toan tính cho lợi ích chính trị của những “người khác” và việc Châu Âu phải oằn mình gánh những gánh nặng ấy là hậu quả chủ yếu do “người khác” gây ra.

Người dân nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi – gánh nặng khủng khiếp cho Châu Âu. Ảnh: Getty Images.
Người dân nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi – gánh nặng khủng khiếp cho Châu Âu. Ảnh: Getty Images.

Có thể thấy rằng Trung Đông và Bắc Phi đang chìm ngập trong khói súng bởi nội chiến và chống khủng bố. Hai quốc gia đóng vai trò chính trong việc giải quyết khủng hoảng Trung Đông, Bắc Phi là Mỹ và Nga. Tuy nhiên, cả hai "ông lớn" đều gần như miễn nhiễm với nỗi lo dân nhập cư. 

Với Nga thì do chính sách kiểm soát an ninh biên giới và một phần cuộc sống tại Nga cũng đang quá khó khăn nên người di cư không hướng tới nước này nhiều.

Mặt khác, không có cơ chế nào phân bổ “quota” dân nhập cư cho Nga. Lý do một phần vì Nga không tham gia liên minh nào bị ảnh hưởng bởi vấn nạn nhập cư, nhưng một nguyên nhân quan trọng khác là, Nga đang chịu cấm vận của chính EU nên họ không thể kêu gọi Nga tham gia vào việc này.

Với Mỹ thì có ba rào cản mà người di cư chưa thể tới được. Thứ nhất là khoảng cách địa lý quá xa cho hành trình mạo hiểm của người di. Thứ hai là ngân sách trong năm tài khoá cuối cùng của ông Obama sẽ không thể có phần cho dân nhập cư hoặc có cũng rất ít nên việc chia sẻ với EU chỉ mang tính chiếu lệ. Thứ ba, do đây là năm bầu cử và Donald Trump đã sử dụng lá bài bài nhập cư gây nên bất lợi cho người "xứ lạ".

Thế là dù tạo ra nguyên nhân nhưng không phải gánh hậu quả nên cả Moscow và Washington vẫn cứ vô tư với những cuộc chiến mà họ tham gia và họ còn cù cưa để kiếm lợi nhất khi chấm dứt một cuộc chiến hay một cuộc xung đột nào đó. Việc gây ra hậu quả nhưng không phải giải quyết làm cho Nga và Mỹ còn có nhiều toan tính hơn nữa.

Trong cuộc xung đột Syria, Mỹ và Nga vẫn chưa thể thống nhất được số phận của Bashar al-Assad nên chưa thể kết thúc. Mà có lẽ cả Nga và Mỹ đều chưa muốn kết thúc vì việc để Assad ngắc khoải ngày nào đều là tốt cho cả hai siêu cường này chứ không chỉ là Nga nữa.

Và cuộc khủng hoảng Iran - Ả Rập Xế Út lại cho Mỹ và Nga thêm cái cớ để tiếp tục kéo dài tình hình bất ổn tại Syria. Bạo lực vì thiếu thành phần quyết định trên bào đàm phán. Iran và Ả Rập xê Út còn đang bận với toan tính của của họ, còn đâu tâm trí và thời gian mà nghĩ tới giải quyết việc cho người khác.

Mặc dù các nước Châu Âu, nhất là EU muốn chấm dứt sớm tình hình tại Syria để lập lại hòa bình và ngăn cản dòng người rời bỏ đất nước vì chiến tranh, nhưng xem ra còn lâu họ mới đạt được điều ấy vì họ đang gánh hậu quả, thậm chí làm lợi cho những người khác, trong đó có đồng minh thân thiết của họ.

“Ông Herman Van Rompuy, cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, vào cuối tuần thừa nhận khu vực Schengen, cũng như khu vực đồng tiền chung euro, đã được thiết kế nhưng không có cơ chế để có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn như hiện nay”, cho thấy sự bất lực của EU trước vấn nạn này, theo The Telegraph, ngày 4/1 .

Việc “quýt làm cam chịu” đã tạo ra thế “bập bênh” trong quyền lợi cho Mỹ - càng kéo dài bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi thì trách nhiệm của Mỹ đối với những vấn đề khác càng nhẹ hơn rất nhiều. Vì ngoài Syria, cái cớ của Mỹ là họ còn phải lo “lãnh đạo thế giới” chống khủng bố quốc tế nữa. Tuy nhiên quyền lợi của Mỹ thì luôn gia tăng theo mức độ bất ổn tại các khu vực và trên toàn cầu. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP.

Mỹ đang có được rất nhiều quyền lợi về chính trị và cả về kinh tế từ trong những bất ổn trên thế giới nên đương nhiên họ sẽ không dứt khoát trong việc giải quyết những vấn đề đó, nếu chưa có được nguồn lợi tương xứng từ những quốc gia muốn giải quyết bất ổn – nghĩa là phải có một sự đánh đổi ở đây.

Ngư ông đắc lợi

Trong khi cả Châu Âu mệt mỏi, bất ổn vì nạn di cư thì có người được hưởng lợi nhiều nhất từ vấn đề này là Nga. Tưởng chừng sẽ đuối vì cấm vận thì Nga có ngay con bài trời cho “dân nhập cư” để tiếp tục trò chơi với Mỹ và phương Tây trong việc hành hạ nhau vì những lợi ích cục bộ.

Nếu tình hình khủng hoảng dân nhập cư còn kéo dài thì sẽ có thể không chỉ nước Anh mà sẽ có những thành viên khác rời bỏ EU vì “quota” dân nhập cư vượt quá khẳ năng tiếp nhận của họ, và một phần là họ cảm thấy không công bằng. 

Để giữ sự thống nhất đoàn kết trong EU, đảm bảo ổn định cho eurozone và Shengen zone, lãnh đạo các quốc gia và những tổ chức này có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Nga trên hai phương diện là nhanh nhanh kết thúc vấn đề Syria, tìm hướng ra tốt nhất cho Trung Đông – Bắc Phi và hai là tìm cách giảm nhẹ cho Nga vấn đề cấm vận về kinh tế.

EU có thể sẽ phá rào trong những lĩnh vực để giúp Nga nhẹ hơn trong đòn cấm vận, để hy vọng Nga có sức khỏe và tâm trạng hướng về giải quyết bất ổn tại Trung Đông – Bắc Phi, nguyên nhân tạo nên làn sóng dân di cư mà Châu Âu đang phải lãnh hậu quả. 

Hậu quả nội chiến tại Syria – một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng dân nhập cư tại Châu Âu, được những người ngoài cuộc khủng hoảng giật dây toan tính cho những lợi ích của mình. Ảnh: Reuters.
Hậu quả nội chiến tại Syria – một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng dân nhập cư tại Châu Âu, được những người ngoài cuộc khủng hoảng giật dây toan tính cho những lợi ích của mình. Ảnh: Reuters.

Điều nó nếu xảy ra sẽ đe dọa quyền lợi và vị thế của Mỹ - khi nó phá vỡ liên minh cấm vận Moscow. Và đương nhiên Mỹ sẽ không để yên.

Động thái Mỹ có thể sẽ thể hiện là sẽ hợp tác với Nga hơn, hăng hái hơn trong việc cùng Nga tìm giải pháp giải quyết những vấn đề chung, mà trong đó Washington sẽ tạo ra những quyền lợi mà Moscow sẽ thấy được, nhưng lại nhỏ hơn rất nhiều so với việc Nga thoát cấm vận.

Nga tự nhiên trở thành đối tượng được lôi kéo vào vòng ảnh hưởng của cả Mỹ và EU, mặc dù hiện nay Nga đang là đối thủ và nạn nhân của họ. Nga đã có thể đưa vấn đề cấm vận và hậu quả của nó ra để nói chuyện với hoặc làm công cụ để nói chuyện với các đối thủ. Có lẽ đây là giấc mơ giữa ban ngày đối với nước Nga.

Với Nga như thế là quá đủ, khi đang trong thế bị quay lưng, phải đổ biết bao tiền của vào cái “của nợ” Syria để nâng vị thế mà chưa mang lại hiệu quả, nay tự nhiên được đối phương nâng tầm cho mình trở thành nhân vật quan trọng thì còn điều gì tuyệt vời hơn.

Và thế là Nga cùng Mỹ lại tiếp tục cò cưa trong việc đưa ra quyết định cuối cùng cho những bất ổn tại Trung Đông – Bắc Phi.

Không chỉ Nga, mà chính phủ của Assad cũng được hưởng lợi trong việc này. Việc người dân Syria rời bỏ đất nước ra đi làm cho Assad quan trọng hơn trong việc kết thúc cuộc nội chiến và chắc chắn sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn cho tương lai của ông ta.

Đơn giản là vì càng bất ổn thì người dân càng bỏ đi, người dân càng bỏ Syria sang Châu Âu thì EU càng nặng gánh, EU càng nặng gánh thì Nga càng lợi thế, mà Nga càng lợi thế thì Assad càng được lợi.

Thế là dù có cố gắng đến mấy thì gánh nặng khủng khiếp bởi dân nhập cư vẫn là nỗi khổ của riêng Châu Âu, mà nếu muốn chia sẻ thì phải đánh đổi cả vị thế và vai trò của mình, nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao vì họ không phải người quyết định cuối cùng và trực tiếp cho vấn đề này.

Qua nỗi cay đắng của Châu Âu nói chung và EU nói riêng, có thể thấy rằng lãnh đạo đất nước đặt niềm tin không đúng chỗ sẽ làm mất đi sự độc lập của quốc gia. Người dân các quốc gia luôn vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất khi cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng do thu nhập sụt giảm, mà thậm chí còn bị đe dọa bởi bất ổn xã hội và nguy cơ khủng bố ngay tại đất nước mình. 

"Đúng ra họ phải biết về điều này trước đây rất lâu. Họ đã không có tầm nhìn xa", The Telegraph dẫn lời ông Goran Martsensson, một người về hưu Thụy Điển trên đường trở về từ Đảo Síp ngán ngẩm với thực trạng khủng hoảng dân nhập cư hiện nay tại Châu Âu. Một hậu quả nặng nề cho sự yếu kém, sai lầm trong quản lý xã hội và điều hành đất nước.

Ngọc Việt