Australia mua tàu ngầm Pháp tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho Trung Quốc

02/05/2016 08:04
Đông Bình
(GDVN) - Học giả Trung Quốc bàn cách đối phó với mối đe dọa từ tàu ngầm Australia mua của Pháp, sẽ thúc đẩy xây dựng lực lượng săn ngầm lớn.

Sina ngày 1/5 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Mã Nghiêu đến từ Học viện Quan hệ quốc tế và Các vấn đề công, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc bàn về mối đe dọa từ tàu ngầm mới Australia vừa đặt mua của Pháp.

Australia không mua tàu ngầm của Nhật Bản, chuyển sang mua của Pháp. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc
Australia không mua tàu ngầm của Nhật Bản, chuyển sang mua của Pháp. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc

Theo bài báo, ngày 26/4, Thủ tướng Australia Turnbull tuyên bố mở thầu mua sắm mới của Hải quân Australia, Cơ quan chế tạo Hải quân Pháp cuối cùng đã giành được đơn đặt hàng trị giá 50 tỷ đô la Úc (tương đương 38,5 tỷ USD), đến đây đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đấu thầu có kim ngạch lớn này.

Về việc tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản bị thua thầu trong cạnh tranh lần này, nguyên nhân công nghệ là chính: Về các phương diện như hành trình, khả năng tấn công đối đất, hệ số an toàn và tuổi thọ, tàu ngầm lớp Soryu có khuyết điểm khá lớn. Ngoài ra, Nhật Bản quá khắt khe trong chuyển nhượng công nghệ cũng là nguyên nhân quan trọng.

Trong khi đó, tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp không chỉ có kích thước ngoại hình và lượng giãn nước lớn hơn, các chỉ tiêu kỹ chiến thuật như hiệu quả chạy êm, hiệu năng vũ khí, tốc độ cũng chiếm ưu thế nổi trội trong số các tàu ngầm hạt nhân tấn công của các nước trên thế giới hiện này.

Có thể thấy, tàu ngầm Pháp giành chiến thắng cuối cùng trong kế hoạch mua sắm của Australia nhờ ảnh hưởng địa-chính trị là rất nhỏ. Tàu ngầm lớp Barracuda có tính năng ưu việt, nếu gia nhập Hải quân Australia sẽ tạo ra mối đe dọa cho Trung Quốc.

Đối với Canberra, quan hệ đồng minh Australia-Mỹ là nền tảng để họ bảo vệ có hiệu quả chính sách quốc phòng độc lập, tăng cường hợp tác với Quân đội Mỹ rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh biển của họ, đồng thời cũng cần nỗ lực phát triển một lực lượng tác chiến trên biển có khả năng tấn công-phòng thủ ở khu vực Đông Nam Á.

Điều này mới có ý nghĩa "chủ thể" đối với thực hiện chiến lược an ninh biển. Về phương hướng thực hiện cụ thể, phán đoán cơ bản của họ là vùng biển phía bắc, mối đe dọa đến từ hướng Đông Nam Á là chủ yếu nhất, đồng thời phải chú ý đến hai hướng tây nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Australia không mua tàu ngầm của Nhật Bản, chuyển sang mua của Pháp. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc
Australia không mua tàu ngầm của Nhật Bản, chuyển sang mua của Pháp. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc

Australia cho rằng cần tăng cường và mở rộng giao lưu và hợp tác với hải quân các nước ASEAN, điều này có lợi cho bảo vệ và tăng cường vai trò ảnh hưởng quân sự của bản thân ở khu vực Đông Nam Á, bảo đảm thực hiện lợi ích thương mại và tự do tuyến đường thương mại trên biển ở châu Á của họ, và có thể bảo đảm an ninh của môi trường biển xung quanh họ.

Vì vậy những năm gần đây, Australia luôn đi theo chính sách Biển Đông của Mỹ. Có tin cho rằng, trước khi Mỹ "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương", tàu ngầm của Australia đã tiến hành do thám ở Biển Đông.

Đối với Mỹ, để ngăn chặn sự trỗi dậy (bành trướng) của Trung Quốc, Mỹ đã điều chỉnh cấp độ quan hệ với hai cường quốc trung bình là Hàn Quốc và Australia. Giao lưu, hợp tác quân sự Mỹ-Hàn, Mỹ-Australia ngày càng dồn dập.

Đồng minh Mỹ-Hàn hầu như được nâng cấp thành liên minh song phương ngang hàng với đồng minh Mỹ-Nhật, làm cho cấu trúc song phương của hệ thống an ninh Đông Bắc Á của Mỹ từ "tam giác vuông" lấy Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn làm trụ cột chuyển thành "tam giác cân" có sự cân bằng giữa Mỹ-Nhật-Hàn.

Mỹ thông qua đóng quân ở Australia và đóng quân ở Nhật Bản, thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc trên hai hướng nam và bắc.

Hiện nay, Australia muốn chế tạo 12 tàu ngầm tấn công lớp Barracuda tiên tiến - điều này hoàn toàn không phải là tin tốt đối với Trung Quốc.

Nhưng, Mã Nghiêu cho rằng, điều này cũng không có nghĩa là Trung Quốc phải bó tay. Ở góc độ quân sự, Trung Quốc có rất nhiều "quân bài" trong tay, chỉ cần ứng phó thích đáng, có thể làm giảm tới mức thấp nhất các tác động từ việc Australia sở hữu tàu ngầm lớp Barracuda.

Theo Mã Nghiêu, Trung Quốc có thể làm tốt một số công tác chuẩn bị quân sự dưới đây:

Trước hết là nâng cao tình năng trang bị thu thập thông tin hải quân. Yếu tố chiến thuật hàng đầu của tàu ngầm là tính bí mật, một khi mất đi tính bí mật, bất lợi trên phương diện tốc độ và khả năng nhận biết trạng thái chiến trường của tàu ngầm sẽ làm cho nó rơi vào tình cảnh nguy hiểm.

Australia không mua tàu ngầm của Nhật Bản, chuyển sang mua của Pháp. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc
Australia không mua tàu ngầm của Nhật Bản, chuyển sang mua của Pháp. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc

Trang bị thu thập thông tin hải quân có chức năng nhận biết các hiện tượng vật lý không gian chiến trường và tìm kiếm thông tin mục tiêu trong môi trường, tức là chức năng thu thập thông tin, là điều kiện vật chất tiên quyết nhận biết trạng thái chiến trường chính xác và sử dụng lực lượng quân sự có hiệu quả cao.

Các trang bị chủ yếu bao gồm: Trang bị trinh sát tình báo hải quân, trang bị dò tìm cảnh báo sớm hải quân (gồm có hệ thống vệ tinh theo dõi biển, hệ thống trên máy bay cảnh báo sớm hải quân, hệ thống radar trên tàu chiến hải quân, hệ thống điện quang hải quân, hệ thống thiết bị định vị thủy âm hải quân).

Nâng cao tính năng của các trang bị nói trên có thể gia tăng xác suất phát hiện tàu ngầm lớp Barracuda ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc, từ đó giảm hiệu năng chiến đấu của nó một cách có hiệu quả.

Thứ hai là nâng cao khả năng tác chiến săn ngầm lấy săn ngầm đường không làm thủ đoạn chủ yếu. Do các loại nguyên nhân, tác chiến săn ngầm luôn là điểm yếu trong năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Săn ngầm đường không có ưu thế nổi trội trên nhiều phương diện như thời gian phản ứng, năng lực cơ động, hiệu suất tác chiến, tính chủ động và độ an toàn trong tác chiến săn ngầm, luôn được coi là thủ đoạn tác chiến quan trọng nhất.

Nhìn vào tình hình phát triển của hệ thống săn ngầm của các cường quốc hải quân trên thế giới hiện nay, sử dụng thông tin tiên tiến hiện đại, công nghệ thông tin đã phân tán trong các thiết bị dò tìm tàu ngầm và săn ngầm; nhiều cách thức xây dựng lực lượng và mạng lưới săn ngầm hiệu quả cao đại diện cho phương hướng phát triển chính của tác chiến săn ngầm hiện đại.

Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải cỡ lớn Y-20
Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải cỡ lớn Y-20

Cùng với máy bay vận tải chiến lược Y-20 từng bước hoàn thiện, Trung Quốc có thể cân nhắc trong tương lai nghiên cứu phát triển ra máy bay tuần tra săn ngầm phản lực cỡ lớn trên nền tảng này.

Cuối cùng là tăng cường xây dựng cụm chiến đấu tàu sân bay. Tàu sân bay là loại tàu có năng lực kiểm soát biển mạnh nhất, cũng là trang bị trung tâm của hải quân tầm xa, là loại tàu duy nhất có thể tiến hành săn ngầm ở biển xa.

Việc bố trí lực lượng săn ngầm của cụm chiến đấu tàu sân bay được thể hiện trong phạm vi phòng vệ tổng thể của nó, bao gồm máy bay, trực thăng, tên lửa, ngư lôi; bán kính phòng ngự từ trên 500 km đến hơn 1.000 km.

Thủ đoạn săn ngầm của nó đa dạng, phạm vi phòng thủ lớn, có thể nâng cao hiệu quả chiều sâu săn ngầm, đồng thời có thể cùng với mạng lưới máy bay tuần tra săn ngầm trên bờ, hình thành một mạng lưới săn ngầm dày đặc.

Việc nghiên cứu phát triển tàu sân bay của Trung Quốc đã đạt được tiến triển sơ bộ, có nền tảng vật chất nhất định, tiến hành quy hoạch như vậy là tương đối hợp lý.

Australia trang bị tàu ngầm lớp Barracuda là trở thành việc tất yếu, Mã Nghiêu kết luận.

Đông Bình