BBC: Lý Quang Diệu người Hoa chính gốc, luận Mao Trạch Đông-Tần Thủy Hoàng

23/03/2015 14:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Thủ tướng Singapore trả lời, Mao Trạch Đông đang muốn thay đổi Trung Quốc giống như vị hoàng đế đầu tiên - Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho...
Tập Cận Bình từng cho biết rằng ông rất khâm phục Lý Quang Diệu.
Tập Cận Bình từng cho biết rằng ông rất khâm phục Lý Quang Diệu.

BBC Tiếng Trung ngày 23/3 bình luận, ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng khai quốc của Singapore, đồng thời là cha đẻ của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Khi nghỉ hưu ông vẫn giữ vai trò Cố vấn Nội các và được người dân yêu quý gọi là "cha đẻ của Singapore".

Kết giao 5 đời lãnh đạo Trung Nam Hải, Tập Cận Bình ngưỡng mộ thật lòng

Ông Diệu quê gốc ở Mai Châu, Quảng Đông, về mặt huyết thống là người Hoa chính gốc, nhưng về mặt giáo dục thì ông không liên quan gì đến Trung Quốc. Singapore là quốc gia duy nhất do người Hoa thiết lập bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Cả đời ông Lý Quang Diệu tôn sùng văn hóa Nho giáo, từng thăm Trung Quốc hơn 30 lần và có giao tình đặc biệt với Bắc Kinh.

Từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân cho đến Tập Cận Bình, ông Lý Quang Diệu là một trong số rất ít những nhà lãnh đạo nước ngoài có cơ hội kết giao, gặp gỡ với cả 5 đời lãnh đạo Trung Quốc. Tính từ chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên năm 1976, ông Diệu đã sang nước này tổng cộng 33 lần.

Năm 2011 gặp ông Lý Quang Diệu, ông Tập Cận Bình khi đó đã nói: "Tiên sinh Lý Quang Diệu, ngài là người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, là bậc trưởng lão tiền bối được kính trọng nhất, cũng là người đặt nền móng và chèo chống cho con thuyền quan hệ Trung Quốc - Singapore."

"Đến ngày nay ngài vẫn không ngừng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển, tôi xin bày tỏ sự cảm động và khâm phục thật lòng về điều đó. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên đóng góp quan trọng của ngài với quan hệ Trung Quốc - Singapore".

Lý Quang Diệu bình Mao Trạch Đông: Muốn thay đổi Trung Quốc như Tần Thủy Hoàng

Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1969 gặp ông Lý Quang Diệu đã rất quan tâm đến tình hình Trung Quốc đang trong thời kỳ Cách mạng Văn Hóa. Nixon hỏi Lý Quang Diệu: "Trung Quốc rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì vậy?" Thủ tướng Singapore trả lời, Mao Trạch Đông đang muốn thay đổi Trung Quốc giống như vị hoàng đế đầu tiên - Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho, tiêu diệt triệt để tất cả.

Mao Trạch Đông cũng muốn học theo Tần Thủy Hoàng để thay đổi Trung Quốc thủ cựu để xây dựng một Trung Quốc mới. Nhưng ý đồ của Mao Trạch Đông là vẽ lại tranh thủy mặc trên nền bức tranh sơn mài, mực vừa xuống thì liền trôi tuột và những nét vẽ cũ lại hiện ra.

Mao Trạch Đông cũng chỉ có 1 đời, không đủ thời gian và sức mạnh để xóa sổ hơn 4000 năm lịch sử, truyền thống, văn hóa và văn học Trung Quốc. Dù ông ấy cố đốt hết sách thì tục ngữ, ngạn ngữ vẫn còn lưu trong trí nhớ người Trung Quốc. Vì thế chắc chắn ông ta sẽ thất bại, BBC tiếng Trung Quốc thuật lời Lý Quang Diệu.

Mao Trạch Đông tiếp Lý Quang Diệu khi đã 83 tuổi, tinh thần và thể chất đều đã rất yếu.
Mao Trạch Đông tiếp Lý Quang Diệu khi đã 83 tuổi, tinh thần và thể chất đều đã rất yếu.

Từ ngày 10 đến 23/5/1976, Lý Quang Diệu sang thăm Trung Quốc. Lúc này Chu Ân Lai đã chết, Đặng Tiểu Bình mất chức, người đứng ra tiếp ông là tân Thủ tướng Hoa Quốc Phong. Lúc đó Mao Trạch Đông đã ốm yếu, nên việc tiếp khách ngoại quốc hầu như không có sắp xếp trước, chỉ tùy tình hình lúc khách đến mà quyết định. Ngày 12/5 lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Mao Trạch Đông sẽ tiếp Lý Quang Diệu.

Mao Trạch Đông khoác một chiếc áo dạ màu xám kiểu Tôn Trung Sơn, ngồi ghế sô pha chính giữa phòng khách đợi sẵn. Thấy Lý Quang Diệu tiến vào, Trương Ngọc Phượng và một trợ lý khác dìu Mao Trạch Đông đứng dậy để bắt tay khách.

Lúc này Mao Trạch Đông đã yếu nhiều, nói không rõ tiếng, lại thêm chất giọng đặc sệt Hồ Nam nên khiến người nghe khó hiểu ông nói gì, nói đến đâu Trương Ngọc Phượng lại nhắc lại đến đó. Có vài lần Trương Ngọc Phương phải viết vài chữ lớn lên giấy đợi Mao Trạch Đông gật đầu xác nhận rồi mới phiên dịch thành tiếng Anh.

Cuộc gặp giữa Lý Quang Diệu với Mao Trạch Đông diễn ra khoảng 15 phút, hầu như không có mấy nội dung thực chất ngoài nghi thức ngoại giao. Nói theo Lý Quang Diệu, cuộc gặp này chỉ thể hiện sự tôn trọng và thiện chí của Bắc Kinh với phái đoàn Singapore nhưng cũng đủ để lại cho ông "ấn tượng khó quên".

Vài năm sau Lý Quang Diệu nhớ lại, Mao Trạch Đông khi gặp ông đã 83 tuổi, tinh thần và thể lực đều rất yếu, không hề giống như báo chí Trung Quốc vẫn mô tả "Mao Chủ tịch vẫn tinh anh".

Lần đầu tiên Lý Quang Diệu đến Trung Quốc, những chỗ ông đến thăm không nhiều, việc tiếp xúc với người dân nước này bị hạn chế, nhưng nó cũng góp phần hóa giải những nghi ngờ chính trị của ông đối với Trung Quốc. Sau khi về nước, Lý Quang Diệu nới lỏng hạn chế, cho phép những người gốc Hoa trên 60 tuổi được về Trung Quốc du lịch thăm quê với dụng ý, nhìn thấy Trung Quốc rồi họ sẽ càng yêu Singapore hơn.

Phần 2: Lý Quang Diệu: TQ trỗi dậy nhiều nước bất an, Tập Cận Bình "rắn như thép"

Hồng Thủy