Bà Clinton "hà hơi thổi ngạt" cho phiến quân Syria lật đổ TT Assad

12/08/2012 12:43
Anh Vũ (Nguồn RT)
(GDVN) - Theo Reuters, bà Clinton cho biết Ankara và Washington cần phải lập kế hoạch để hỗ trợ phiến quân chiến đấu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đang xem xét việc thiết lập vùng cấm bay đối với Syria sau khi tổ chức các cuộc đàm phán vào hôm thứ Bảy (ngày 11/8) tại Istanbul.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu 

Theo Reuters, bà Clinton cho biết Ankara và Washington cần phải lập kế hoạch để hỗ trợ phiến quân chiến đấu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad - bao gồm cả việc có thể thiết lập vùng cấm bay.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ vùng cấm bay có thể là một lựa chọn, nhưng cho biết vấn đề cần "được phân tích sâu hơn." 
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sử dụng quyền lực của mình để hỗ trợ lực lượng đối lập. Chiến thuật tương tự đã từng được sử dụng để giúp đỡ quân nổi dậy Libya lật đổ ông Muammar Gaddafi hồi năm ngoái.
Cho đến nay, nếu tình hình Libya lặp lại, sự can thiệp quân sự của Mỹ sẽ có thể xảy ra trong tương lai gần.
Trong cuộc họp, bà Clinton cũng cho biết một nhóm làm việc sẽ được thiết lập ở Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với cuộc khủng hoảng Syria. Nhóm này sẽ phối hợp trong lĩnh vực tình báo và quân đội của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ trong tiến trình của cuộc xung đột này, nhưng bây giờ chúng tôi cần phải đưa ra các chi tiết thực sự của kế hoạch hoạt động và cần phải được sự hợp tác của cả hai chính phủ" - Clinton nói.
Ngoại trưởng Clinton cũng tổ chức các cuộc hội đàm với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul - cả hai đều ủng hộ phong trào đối lập ở Syria.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay nhau trong cuộc họp ở Istanbul.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay nhau trong cuộc họp ở Istanbul.

Các cuộc họp này được tiến hành giữa lúc tình hình xung đột vẫn đang diễn ra căng thẳng ở Damascus.
Hôm thứ Bảy, truyền hình quốc gia Syria cho hay các tay súng đã bắt cóc ba nhà báo Syria, những người làm việc cho một đài truyền hình ủng hộ chính phủ.
Theo Giáo sư lịch sử và chính trị Trung Đông Jeremy Salt, phe đối lập ít có hy vọng chiến thắng trong cuộc xung đột nếu không có sự giúp đỡ của các đồng minh phương Tây.
"Hiện tại, Damascus đã chủ yếu quét sạch phiến quân. Aleppo cũng đang dần đi đến kết quả tương tự. Chúng ta có thể thấy rằng quân đội có một chiến lược ở đây. Họ đã thắng lợi ở quận Salah al-Din trong vòng hai ngày và bây giờ họ đang tiến ra các vùng ngoại ô khác. Vì vậy, đó là lý do tại sao bà Hillary Clinton lại có mặt ở Istanbul, để đưa ra câu hỏi cơ bản, "tiếp theo sẽ là gì?" - Salt trả lời hãng tin RT cho hay.
Trong khi đó, các tay súng đối lập đang nỗ lực giành quyền kiểm soát Aleppo - một thành phố tiền tuyến giữ vai trò quan trọng.
Quân nổi dậy ở Aleppo cho biết họ đang chuẩn bị một cuộc phản công chống lại lực lượng chính phủ, sau khi bị bắn phá nặng nề buộc phải rút khỏi khu vực quận Salah al-Din phía tây nam vào thứ Năm.

Chiến sự ở Syria vẫn diễn ra căng thẳng.
Chiến sự ở Syria vẫn diễn ra căng thẳng.

Aleppo là nguyên nhân gây ra mối quan tâm lớn đối với các nước phương Tây, nhà phân tích ngoại giao Richard Heydarian nhận định.
"Chính phủ Mỹ đang cố gắng để phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ trong một số cách tiếp cận quân sự và có thể cũng có sự giúp đỡ của Israel và các nước Atab khác bởi vì họ cảm thấy phe đối lập có một cơ hội để giữ lại thành trì Aleppo" - Heydarian nói.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có động lực riêng của mình để tham gia cuộc họp. Đất nước này đang đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng của riêng mình, như việc hỗ trợ cho 50.000 người tị nạn Syria đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Bà Clinton đã công bố thêm 5,5 triệu USD giúp đỡ cho những người Syria di tản ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Heydarian phân tích thêm: "Thổ Nhĩ Kỳ có hai mặt trog vấn đề này. Một mặt, họ rất quan tâm đến thảm kịch rất nhiều người Syria đang đổ xô về nước họ - một trong nước nhận người tị nạn từ Syria lớn nhất. Mặt khác - đó là khả năng gia tăng của lực lượng nổi dậy người Kurd - và có sự phối hợp giữa người Kurd ở Syria và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại người Kurd có thể khởi động chiến dịch đòi độc lập riêng của mình chống lại Thổ Nhĩ Kỳ."
Anh Vũ (Nguồn RT)