Bắc Kinh bất lực triệu Đại sứ, Triều Tiên làm khó Tập Cận Bình

07/01/2016 06:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Cho nổ bom nhiệt hạch, ông Kim Jong-un đã giáng một thất bại hiếm hoi nhằm vào ông Tập Cận Bình, người đã hy vọng một cuộc tấn công...

South China Morning Post ngày 7/1 đưa tin, Bắc Kinh đã lên án vụ thử bom nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên sáng hôm qua và yêu cầu Bình Nhưỡng "dừng ngay các hành động làm cho tình hình tồi tệ hơn".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Triều Tiên đến để phản đối. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn cơ quan này nói rằng Trung Quốc không được thông báo trước về vụ nổ.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: AP/SCMP.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: AP/SCMP.

Bắc Kinh cũng đang đánh giá tuyên bố của Bình Nhưỡng về vụ nổ bom nhiệt hạch. Hiện vẫn còn nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này của Triều Tiên. Họ cho rằng nếu là bom nhiệt hạch thì sức công phá sẽ phải lớn hơn rất nhiều những gì đã thấy. Mặt khác, đây có thể là đòn tâm lý của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, bởi ông phóng lao thì phải theo lao sau tuyên bố hôm 10/12/2015.

Cai Jian, một giáo sư nghiên cứu Bắc Triều Tiên từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc nhận xét:

"Sẽ rất khó khăn cho Trung Quốc để đưa ra các biện pháp trừng phạt quy mô đối với Bình Nhưỡng, bởi phải xử phạt làm sao để không tạo ra bất ổn, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của đất nước này. Ví dụ như việc tạm dừng cung cấp năng lượng sẽ gây ra hỗn loạn về kinh tế và bất ổn chính trị ở Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ rất thận trọng về điều này.

Đối với Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên tự nó không gây ra mối đe dọa an ninh nào lớn, nhưng phản ứng dẫn đến từ Mỹ và Nhật Bản chẳng hạn như tăng cường triển khai quân sự của họ trong khu vực đang khiến Bắc Kinh đau đầu".

Thời Ân Hoằng, một cố vấn chính sách đối ngoại Trung Quốc, giáo sư Đại học Nhân dân cho rằng, vụ thử bom nhiệt hạch của Bắc Triều  Tiên đã giáng một đòn quá mạnh vào những nỗ lực của Bắc Kinh, sẽ làm trì hoãn việc trao đổi thăm viếng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

"Chúng tôi chỉ có thể làm tốt nhất trách nhiệm của mình, chẳng hạn như xử phạt và thừa nhận quan hệ ngoại giao khi mọi thứ tiến triển tốt đẹp hơn. Nếu quan hệ giữa 2 nước trở thành thù địch, Triều Tiên sẽ là một mối đe dọa cho Trung Quốc", ông Thời Ân Hoằng bình luận.

Nikkei Asian Review ngày 7/1 bình luận, Trung Quốc đã thực sự bị sốc khi Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Bắc Kinh đã rất cố gắng "chìa cành ô liu", nhưng những gì Trung Quốc có thể làm và gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên hiện nay vẫn còn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Nhiều người hy vọng Trung Quốc sẽ bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tới đây tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh rất lo ngại nếu bị cô lập hoàn toàn, Triều Tiên có thể "đói ăn vụng, túng làm liều".

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: KCNA.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: KCNA.

The New York Times ngày 7/1 nhận định, tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc thử bom nhiệt hạch ngày Thứ Tư dường như để làm mất lòng kẻ thù quen thuộc - "đế quốc Mỹ", nhưng thực sự đối tượng Bắc Triều Tiên đang nhắm đến lại là Trung Quốc.

Bằng việc cho nổ thử nghiệm bom nhiệt hạch cách biên giới với Trung Quốc chỉ khoảng 50 dặm, Bình Nhưỡng đánh một canh bạc rằng, Trung Quốc sẽ không dám phản ứng với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với tư cách đối tác thương mại - kinh tế lớn nhất của quốc gia này.

Cho nổ bom nhiệt hạch, ông Kim Jong-un đã giáng một thất bại hiếm hoi nhằm vào ông Tập Cận Bình, người đã hy vọng một cuộc tấn công quyến rũ láng giềng trong 6 tháng qua sẽ mang lại sự ổn định cho Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện bị đẩy vào thế bí, trong khi áp lực buộc ông phải có các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với hành động của Bắc Triều Tiên ngày càng gia tăng, lo ngại bất ổn ở Triều Tiên có thể "thẩm thấu ngược" sang Trung Quốc cũng ngày càng lớn.

Ông Bình cũng phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về những nỗ lực của Trung Quốc để lấy lòng ông Kim Jong-un rốt cuộc tại sao lại có kết cục như vậy. Tập Cận Bình không thể không tính đến cách hành động bất thường của Bình Nhưỡng có thể kích hoạt phản ứng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương trong khi Bắc Kinh đang tìm cách thống trị Biển Đông.

Hôm qua các quan chức Trung Quốc đã né tránh trả lời câu hỏi của truyền thông quốc tế về việc liệu Bắc Kinh có các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên hay không, ví dụ như cắt nguồn cung năng lượng hoặc thực phẩm.

Trong những tháng gần đây, ông Tập Cận Bình đã buộc phải xác định lại chiến lược sau khi được thuyết phục rằng, ông Kim Jong-un dù tính khí thất thường nhưng vẫn có thể duy trì quyền lực lâu hơn nhiều so với Trung Quốc đã dự đoán.

Paal, một nhà ngoại giao Mỹ ở châu Á tiết lộ với The New York Times, trong các cuộc tiếp xúc riêng Tập Cận Bình đã thể hiện rằng ông không có quan hệ gần gũi với ông Kim Jong-un, người kém mình 30 tuổi. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, Tập Cận Bình đã có những nỗ lực nhằm lấy lòng Kim Jong-un, kể cả gửi thư tay và ca ngợi ông Kim đã có tiến bộ tích cực trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Hồng Thủy