Bắc Kinh chìa "củ cà rốt" về phía bà Aung San Suu Kyi

16/04/2016 06:34
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuy nhiên trái hẳn với vẻ sốt sắng của Vương Nghị, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra khá điềm tĩnh.

Nikkei Asian Review ngày 15/4 bình luận, khi hưng phấn xung quanh việc chuyển đổi chế độ ở Myanmar đã lắng xuống và các công việc bức thiết bắt đầu, Trung Quốc dường như có ý định xây dựng lại mối quan hệ với Naypyitaw và để mắt tới những cơ hội tiềm năng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã có chuyến thăm bất ngờ đến Myanmar vào ngày 5/4 để hội đàm với tân Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Ông Nghị đã thảo luận với bà Aung San Suu Kyi về một loạt vấn đề, trong đó có những yếu tố quyết định việc hình thành mối quan hệ tương lai giữa 2 người.

Ông Vương Nghị gặp bà Aung San Suu Kyi hôm 5/4, ảnh: Reuters.
Ông Vương Nghị gặp bà Aung San Suu Kyi hôm 5/4, ảnh: Reuters.

Bắc Kinh ngỏ ý sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế "đáng kể" cho Myanmar nhằm nỗ lực khôi phục quan hệ đã trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein. Tuy nhiên hoạt động tấn công quyến rũ của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Hoa Kỳ và Nhật Bản, cả hai đều muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Trong cuộc họp báo chung, ông Nghị nhắc lại rằng Trung Quốc chiếm 40% kim ngạch thương mại và 50% đầu tư nước ngoài của Myanmar. Ông Nghị cũng sử dụng từ "anh em" để gọi quan hệ giữa hai nước láng giềng. Ông cam kết Trung Quốc sẽ hỗ trợ nền kinh tế Myanmar công nghiệp hóa và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên trái hẳn với vẻ sốt sắng của Vương Nghị, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra khá điềm tĩnh, mặc dù về mặt ngoại giao bà khẳng định rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng là rất quan trọng. Thái độ của bà Aung San Suu Kyi cho thấy, Myanmar đang ý thức được vai trò và giá trị của mình trong chiến lược của các siêu cường.

Theo một quan chức chính phủ Nhật Bản, không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 30/3, chính phủ mới của NLD đã quyết định cuộc gặp đối tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng của bà Aung San Suu Kyi sẽ là người đồng cấp Italia đã có kế hoạch tới Naypyitaw.

Nhưng Trung Quốc tối 4/4 đã đột ngột tuyên bố Vương Nghị sẽ thăm Myanmar, chỉ 24 giờ trước khi nó diễn ra. Trong 2 ngày ở Myanmar, Vương Nghị đã tranh thủ hội kiến tân Tổng thống Htin Kyaw và Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.

Vương Nghị đề nghị viện trợ cho các dự án nâng cấp đường sắt nối Yangon và Mandalay, gần biên giới với Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Myanmar sau một cuộc đảo chính năm 1988 biến bà Aung San Suu Kyi trở thành "biểu tượng quốc gia", và Bắc Kinh quan hệ rất chặt chẽ với chính quyền quân sự.

Nhưng dưới thời nội các của cựu Tổng thống Thein Sein, chính sách đối ngoại của Myanmar đã có bước chuyển ngoặt quan trọng với ưu tiên hàng đầu là hợp tác với phương Tây. Về đối nội, cựu Tổng thống Thein Sein khi đó chủ trương đối thoại với các lực lượng ủng hộ dân chủ và giải phóng tù nhân chính trị.

Đồng thời chính phủ của cựu Tổng thống Thein Sein đã xem lại chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Tháng 9/2011, Myanmar đã khiến dư luận bất ngờ khi ra quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư trị giá nhiều tỉ USD. Myanmar cũng dừng việc khai thác mỏ đồng Letpadaung của các nhà thầu Trung Quốc.

Hầu hết 20 dự án thủy điện mà Trung Quốc thắng thầu tại Myanmar đều bị yêu cầu xem lại.

Chuyến thăm của Vương Nghị là một nỗ lực rõ ràng nhằm phục hồi dự án thủy điện Myitsone. Tuy nhiên Bắc Kinh không dám làm căng với Myanmar, dù có nguồn tin nói rằng Trung Quốc đã ngỏ ý đòi nợ trừ phi Myanmar đồng ý phục hồi dự án này.

Căng thẳng leo thang trên Biển Đông gần đây vì các hành động phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh muốn có ảnh hưởng hơn với Myanmar.  Tuy nhiên không phải Trung Quốc là nước lớn duy nhất muốn phát triển quan hệ với Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi sẽ áp dụng một cách tiếp cận thực dụng trong chính sách đối ngoại để thu hút tối đa các nguồn lực hỗ trợ.

Hồng Thủy