Bắc Kinh kêu gọi hợp tác ASEAN - Trung Quốc, đánh lạc hướng Biển Đông

04/09/2013 07:24
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tranh chấp Biển Đông không nên và sẽ không nên ảnh hưởng đến hợp tác tổng thể giữa ASEAN với Trung Quốc", ông Cường phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm trong khi những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông là vì Trung Quốc sử dụng sức mạnh hải quân để khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) của họ trên gần như toàn bộ vùng biển này làm gia tăng lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự.
Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường.
Bưu điện Hoa Nam ngày 4/9 đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc ông Lý Khắc Cường đã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự triển lãm Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh, Quảng Tây rằng Trung Quốc muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông nhưng lại nhấn mạnh, Bắc Kinh không vội vàng ký kết Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.
"Tranh chấp Biển Đông không nên và sẽ không nên ảnh hưởng đến hợp tác tổng thể giữa ASEAN với Trung Quốc", ông Cường phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm trong khi những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông là vì Trung Quốc sử dụng sức mạnh hải quân để khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) của họ trên gần như toàn bộ vùng biển này làm gia tăng lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự. Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc đã luôn luôn ủng hộ các cuộc đàm phán về Biển Đông trên cơ sở "tôn trọng thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế"?! Cái gọi là "tôn trọng thực tế lịch sử" mà ông Cường đề cập phải chăng là việc Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, 1995 của Việt Nam? Những động thái leo thang của Trung Quốc ngoài Biển Đông gần đây phải chăng đang nhằm tạo ra cái gọi là "thực tế lịch sử" mới? Luật pháp quốc tế ở Biển Đông thì chính Trung Quốc là nước đã liên tục vi phạm, phá vỡ luật pháp quốc tế và ngay cả Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC mà họ ký với ASEAN năm 2002. Ông Cường nói thêm rằng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC nhưng lại yêu cầu các cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông chỉ nên tiến hành giữa các bên liên quan trực tiếp, tức là ông muốn đàm phán tay đôi đối với tranh chấp đa phương ở Trường Sa, một điều không ai có thể chấp nhận được. Những kêu gọi về thiện chí, về đàm phán giải quyết tranh chấp Biển Đông của ông Lý Khắc Cường xem ra vẫn tiếp tục là kế hoãn binh COC, dùng xảo thuật ngôn từ để kéo dài thời gian trong khi vẫn khăng khăng đòi đàm phán song phương đối với một tranh chấp đa phương, hy vọng về một bản COC được ký kết sẽ khó thành hiện thực nếu Bắc Kinh tiếp tục tư duy cũ. Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi tự do thương mại hóa hơn nữa, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia bao gồm hệ thống vận tải, viễn thông, năng lượng và tăng cường sự hợp tác ổn định tài chính khu vực, thiết lập quan hệ đối tác hàng hải giữa Trung Quốc và ASEAN. Đáng chú ý, lời kêu gọi của ông được hưởng ứng và lặp lại bởi Thủ tướng Thái Lan Yingluck, bà Yingluck cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN đáp ứng càng sớm càng tốt việc thảo luận xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao. Hợp tác ASEAN - Trung Quốc mang lại lợi ích cho các bên cố nhiên quan trọng và nên làm, nhưng hợp tác và phát triển chỉ có thể khả thi và bền vững khi nó diễn ra trong bối cảnh hòa bình và ổn định của khu vực, mà điển hình là Biển Đông. Mọi âm mưu đánh lạc hướng dư luận về Biển Đông để Bắc Kinh tiếp tục muốn làm gì thì làm trên vùng biển này, thậm chí là sử dụng cả quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại ASEAN làm bình phong cũng sẽ không đi đến đâu mà chỉ kéo dài tình trạng căng thẳng, phức tạp và không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực. Không ai có thể yên tâm hợp tác, phát triển bên cạnh một thùng thuốc súng có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào.

Hồng Thủy