Bắc Kinh tìm cách tránh bị cô lập sau phán quyết trọng tài

16/07/2016 09:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Thậm chí Lý Khắc Cường yêu cầu bố trí một cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, một động thái rất bất thường.

Nikkei Asian Review ngày 16/7 đưa tin, hôm Thứ Sáu 15/7 đã diễn ra cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ.

Hai nhà lãnh đạo tìm kiếm lập trường thống nhất về nền kinh tế toàn cầu và cuộc chiến chống khủng bố trong lúc Bắc Kinh tìm kiếm cách xây dựng lại mối quan hệ với cộng đồng quốc tế sau khi phản đối phán quyết trọng tài trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường có vẻ thoải mái khi bắt tay ông Shinzo Abe và nói rằng ông mong muốn được đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản tới dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Trung Quốc tháng Chín này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ, ảnh: Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ, ảnh: Nikkei Asian Review.

Các nhà ngoại giao hai nước đã phải thức đến nửa đêm hôm trước để chuẩn bị cho cuộc gặp này. Bắc Kinh dường như chỉ sợ ông Shinzo Abe lại phát biểu quá mạnh về Biển Đông, nhưng không đe dọa hủy cuộc họp.

Sau cuộc gặp, Tokyo chỉ tuyên bố đơn giản là đã thông báo lập trường của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông với phía Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn nói "3 Không" với phán quyết trọng tài, và cần phải khôi phục vị thế ngoại giao trước khi ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị G-20.

Thậm chí Lý Khắc Cường yêu cầu bố trí một cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, một động thái rất bất thường khi Thủ tướng Trung Quốc muốn hội kiến với một quan chức cấp thấp hơn, điều này thể hiện Trung Quốc đang cố tránh bị cô lập sau phán quyết, theo một nguồn tin ngoại giao.

Ông Cường mỉm cười và vẫy tay chào phóng viên quốc tế liên tục trước hội nghị thượng đỉnh Á - Âu, ông cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới nạn nhân và gia đình nạn nhân của một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Nice, Pháp.

Nhưng một số nhà quan sát quan hệ Nhật - Trung cho hay, giai điệu hòa hoãn của Bắc Kinh sẽ chỉ kéo dài đến khi diễn ra cuộc họp của G-20 mà thôi. Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra năm tới, sẽ là rắc rối nếu quan chức Trung Quốc nào đó thể hiện thái độ thân mật với người Nhật.

Cá nhân người viết cho rằng, nếu chỉ "hòa hoãn tạm thời đến hội nghị G-20" sẽ là sai lầm đối với Trung Quốc. Bởi nó càng làm người ta cảnh giác hơn và không còn tin vào những gì Trung Quốc nói. Nói cách khác, nếu dùng thủ đoạn thay cho thiện chí, sẽ không có gì lâu dài.

Còn về quan hệ Trung - Nhật, nếu thực sự thiện chí cải thiện quan hệ thì việc tuyên truyền chống Nhật cần có lộ trình dừng lại.

Hồng Thủy