Báo Đức: Phương Tây rất thèm muốn đất nông nghiệp của Ukraine

18/03/2015 10:24
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ Zeit của Đức mới đây đưa tin cho biết, nhiều doanh nghiệp phương Tây đang rất thèm muốn đất nông nghiệp của Ukraine, gồm Monsanto.

Tờ báo Đức dẫn lời Frederic Mousseau - Giám đốc Việc Quy hoạch chiến lược tại California (Mỹ), một công ty chuyên về các vấn đề an ninh lương thực và khí hậu, nhận định rằng phương Tây cũng không hề che giấu ý định này của mình.

Ảnh Rian.
Ảnh Rian.

Mặc dù Ukraine vốn có quan hệ tốt với Nga trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng có các báo cáo cho thấy nhiều công ty nông nghiệp lớn của Mỹ đã tăng đầu tư đáng kể ở Ukraine trong thời gian gần đây như trùm hạt giống biến đổi gen Monsanto, công ty nông nghiệp Cargill, công ty hóa chất Dupont.

Theo dự báo của Mousseau, trong tương lai các công ty trên của Mỹ có thể sẽ tiếp quản đất nông nghiệp ở Ukraine với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính của phương Tây như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng thông qua các chính sách của mình.

Sự hỗ trợ này có thể giúp Monsanto giành quyền kiểm soát đất nông nghiệp ở Ukraine nhiều hơn và tiếp đó là kiểm soát cả ngành nông nghiệp của quốc gia này từ sản xuất đến xuất khẩu.

Điều khiến Ukraine trở thành mục tiêu bắt mắt đối với các tập đoàn nông nghiệp lớn của Mỹ chính là vì quốc gia này sở hữu diện tích đất đen giàu dinh dưỡng rất lớn. Ukraine có khoảng 32 triệu ha đất nông nghiệp, bằng 1/3 diện tích đất canh tác của toàn Liên minh châu Âu.

Ukraine sở hữu diện tích đất đen giàu dinh dưỡng vô cùng dồi dào.
Ukraine sở hữu diện tích đất đen giàu dinh dưỡng vô cùng dồi dào.

Thậm chí, hiện Ukraine còn là quốc gia lớn thứ ba thế giới về xuất khẩu ngô và lớn thứ bảy thế giới về xuất khẩu lúa mì. Hơn nữa, phần lớn các nước Bắc Phi và Trung Đông đang nhập khẩu lương thực từ Ukraine.

Sức mạnh nông nghiệp của Ukraine đã được chứng minh qua cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008. Nguyên do của cuộc khủng hoảng này được cho là vì Ukraine tạm ngừng xuất khẩu khiến nguồn cung lúa mì trên toàn cầu sụt giảm và đẩy giá bánh mì tại nhiều nước tăng cao và tiếp đó là tình trạng khan hiếm lương thực.

Sau thời điểm đó, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận thấy rất rõ giá trị đất nông nghiệp của Ukraine. Nhưng không phải chỉ có phương Tây mới nhận ra điều đó mà Nga đã biết rõ từ lâu.

Tuy nhiên, luật pháp Ukraine không cho phép các công ty nước ngoài, dù ở phía đông hay phía tây, mua đất nông nghiệp. Khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp của Ukraine thuộc sở hữu của nhà nước.

Nhưng các nhà đầu tư vẫn có thể tìm ra giải pháp khác. Họ có thể thuê đất nông nghiệp của Ukraine trong thời hạn tối đa là 49 năm với giá cả phải chăng. Họ có thể chi phối các công ty nhà nước của Ukraine có niêm yết trên thị trường chứng khoán phương Tây hoặc kiểm soát các trang trại lớn tại Ukraine.

Ngoài yếu tố địa chính trị, đất nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Nga và phương Tây đối đầu tại Ukraine.
Ngoài yếu tố địa chính trị, đất nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Nga và phương Tây đối đầu tại Ukraine.

Nếu Ukraine trở thành một quốc gia thân phương Tây, phương Tây có thể sử dụng các đòn bẩy kinh tế và áp lực chính trị để giành ảnh hưởng cho các công ty nông nghiệp lớn của mình tại Ukraine và từ đó giúp họ đạt được quyền trực tiếp kiểm soát đất nông nghiệp ở Ukraine. Ban đầu, Ukraine có thể sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp hạt giống và thuốc trừ sâu, nhưng về lâu dài họ sẽ mất quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp của mình.

Mối nguy hiểm này đã từng được nhà khoa học chính trị và kinh tế học người Mỹ Paul Craig Roberts cảnh báo hồi đầu tháng 3. Theo ông, các khoản vay của IMF cũng có thể trở thành một ván bài giúp các công ty nông nghiệp lớn của Mỹ đạt được lợi ích ở Ukraine. Theo ông, nếu không tính toán cẩn trọng, Ukraine có thể sẽ phải bán đất nông nghiệp cho các tập đoàn lớn của Mỹ để trả các khoản vay khổng lồ này.

Trong khi đó theo quan điểm của Mousseau, nếu kiểm soát được ngành nông nghiệp ở Ukraine, phương Tây sẽ nắm trong tay một trong những yếu tố quyết định trong cuộc "đối đầu với phương Đông" kể từ sau Chiến tranh Lạnh./.

Nguyễn Hường