Báo Đức: Trung Quốc biến du lịch thành công cụ chính trị ép láng giềng

04/11/2014 14:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Họ không cần phải sử dụng tầu sân bay hay đe dọa cắt giảm xuất nhập khẩu nguyên liệu. Một đội quân khách du lịch là đủ "dằn mặt".
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tờ DW của Đức ngày 4/11 đăng bài phân tích của nhà bình luận Frank Sieren đã có 20 năm làm đại diện của báo này tại Bắc Kinh nhận định, Trung Nam Hải đã chứng minh rất rõ rằng họ không cần phải sử dụng tầu sân bay hay đe dọa cắt giảm xuất nhập khẩu nguyên liệu. Một đội quân khách du lịch là đủ "dằn mặt" các nước láng giềng (mà Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ.

Trong năm 2013,.Trung Quốc vượt qua Đức và Mỹ trở thành nước cung cấp nguồn khách du lịch lớn nhất thế giới. Học viện Du lịch Trung Quốc đang ước tính rằng sẽ có 116 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài trong năm nay, so với 20 triệu trong năm ngoái. Người Trung Quốc dành khoảng 3,1 ngàn USD cho du lịch, nhiều hơn du khách đến từ bất cứ quốc gia nào khác.

Nhiều nước láng giềng của Trung Quôc đã nhanh chóng phát hiện ra các cơ hội và đã thiết kế các tour du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách Trung Quốc. Hàn Quốc đón hơn 4 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc và tạo ra 44% tổng số doanh thu của ngành du lịch. 

Tháng 8 vừa qua chính quyền quân sự Thái Lan dã bắt đầu miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc. Tại Malaysia có nhiều khu vui chơi giải trí xây dựng nhằm phục vụ duy nhất đối tượng khách du lịch Trung Quốc, đối tượng chiếm 20% doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này.

Tuy nhiên, du lịch đã được Bắc Kinh sử dụng như một công cụ chính trị, Frank Sieren bình luận. Kể từ khi xảy ra thảm kịch máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất, số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Malaysia đã giảm 1/3 từ tháng 5 vừa qua. Các khu nghỉ mát trống rỗng và nhiều công ăn việc làm trong ngành du lịch Malaysia bị mất.

Việt Nam cũng gặp tình cảnh tương tự. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đã giảm 30% mà nguyên nhân chính là vấn đề căng thẳng trên Biển Đông sau vụ giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV).

Khách du lịch Trung Quốc.
Khách du lịch Trung Quốc.

Nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thủ đoạn này của Bắc Kinh là Philippines. Rõ ràng Trung Quốc hiểu rằng du lịch có thể sử dụng như một công cụ gây áp lực chính trị và khó chịu cho Philippines khi Manila tham gia tập trận hải quân chung với Mỹ. Để đối phó với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông ở Philippines, Bắc Kinh đã đưa ra một cảnh báo du lịch với công dân của họ.

Chỉ một động thái nhỏ như vậy đã gây ra hậu quả thảm khốc. Các hãng hàng không đã phải hủy bỏ 140 chuyến bay và 24 ngàn du khách Trung Quốc hủy tour du lịch đến Philippines, chiếm 2/3 tổng số du khách đã đăng ký, tương đương thất thu 10 triệu Euro.

Du lịch được Bắc Kinh sử dụng như một công cụ chính trị được thể hiện rõ nét nhất là đối với Nhật Bản. Số liệu thống kê du lịch cho thấy rất rõ sự lên xuống của số lượng khách Trung Quốc sang Nhật Bản gắn liền với sự trồi sụt của quan hệ song phương xung quanh vấn đề chủ quyền nhóm đảo Senkaku. 

Năm ngoái lượng khách du lịch Trung Quốc sang Nhật đã tăng gấp đôi so với năm 2012, nhưng rõ ràng bất cứ khi nào muốn, Bắc Kinh cũng có thể hãm ngay lập tức bằng cách đưa ra cảnh báo du lịch hoặc thắt chặt quy định xuất nhập cảnh.

Trung Nam Hải đã chứng minh rất rõ khả năng không cứ phải tàu sân bay hay đe dọa cắt giảm xuất nhập khẩu để gây áp lực với các nước láng giềng. Chỉ cần đội quân khách du lịch là đủ. Trong thời điểm hiện nay, các nước láng giềng của Trung Quốc đã cảm nhận rõ rệt nhất thủ đoạn "dằn mặt" của hàng xóm. 

116 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đi nước ngoài chỉ là con số khởi đầu, đến năm 2030 dự kiến con số này là 535 triệu lượt. Nửa tỉ khách du lich có thể là một đòn bẩy mạnh mẽ thật sự cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Hồng Thủy