Báo Malaysia: Nhật Bản muốn đối phó với TQ phải có vũ khí hạt nhân

29/10/2012 07:02
Bảo Thành (Nguồn: The Sun Daily)
(GDVN) - Việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vấn đề cực kỳ khó khăn về mặt chính trị và sẽ gây nên làn sóng công kích Nhật Bản lan tràn khắp châu Á, nhưng quả thực Tokyo không còn lựa chọn nào khác.
Tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với việc Trung Quốc đang tăng cường cử tàu công vụ thường xuyên tuần tra trên vùng biển này khiến cho Nhật Bản ngày càng cảm thấy bất an và yếu thế.

Rất ít người cho rằng hai nước sẽ sa vào một cuộc chiến tranh giành giật nhóm đảo này, tuy nhiên nguy cơ về một vụ đụng độ bất ngờ càng tăng lên khi ngày càng nhiều tàu thuyền và máy bay của các bên tuần tra trên vùng biển này. Cộng thêm đó là cuộc tranh chấp dài hơi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với chủ quyền nhóm đảo Takeshima/Dokdo khiến cho tình hình trên khu vực bắc Thái Bình Dương đã không còn “thái bình” nữa.

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản "gầm gừ" với tàu Hải giám Trung Quốc trên vùng biển Senkaku.
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản "gầm gừ" với tàu Hải giám Trung Quốc trên vùng biển Senkaku.

Theo tờ The Sun Daily xuất bản tại Malaysia, khi các cuộc khẩu chiến liên quan đến chủ quyền nhóm đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt, Nhật Bản phải đối mặt với một vấn đề có tính chiến lược mà lâu nay nước này vẫn luôn né tránh: Đó là làm sao để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tuy trải qua thời kỳ suy thoái lâu dài nhưng Nhật Bản vẫn là một cường quốc về kinh tế. Thế nhưng xét trên phương diện quân sự và chiến lược thì Nhật Bản chỉ là một anh chàng tí hon nếu so sánh với người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc của mình.

Hiện nay Trung Quốc có các tên lửa hạt nhân có khả năng nhắm vào Nhật Bản. Triều Tiên cũng có thể làm được như thế nếu họ gắn được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm trung Rodong-2. Chỉ cần 3 hoặc 4 quả tên lửa hạt nhân là đã có thể quét sạch toàn bộ Nhật Bản. Trong khi đó Tokyo chỉ có một số lượng hạn chế tên lửa đánh chặn và không có cách nào có thể tiến hành một cuộc tấn công trả đũa hoặc răn đe phòng ngừa.

Tên lửa đạn đạo DF-15B của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo DF-15B của Trung Quốc.

Trong hiệp ước an ninh ký kết năm 1960, Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản bằng cách triển khai tàu chiến trang bị tên lửa đánh chặn tại Nhật Bản, nhưng cũng không thể nào chống lại được một cuộc tấn công toàn diện.

Còn lực lượng quân sự Nhật Bản lại chủ yếu thiên về phòng ngự, thiếu hẳn đi khả năng tấn công và không có quy định về nhiệm vụ một cách rõ ràng. Hiện nay tâm lý nước chiến bại vẫn còn đè nặng lên các lực lượng vũ trang của Nhật Bản.

67 năm sau Thế chiến II, Nhật Bản vẫn được đặt dưới sự bảo hộ của Mỹ và duy trì các căn cứ không quân, hải quân của Mỹ với khoảng 41.000 binh sĩ trên lãnh thổ Nhật. Theo hiệp ước an ninh năm 1960, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản chống lại các cuộc tấn công hạt nhân và tấn công thông thường, tuy nhiên nhiều người Nhật vẫn tỏ ra nghi ngờ về việc Mỹ dám mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân vì Senkaku hoặc Yokohama.

Điều này khiến cho Nhật Bản trở nên “trần trụi” trước các đối thủ có vũ khí hạt nhân. Tokyo có thể tiếp tục dựa vào sự đảm bảo quân sự của Mỹ, nhưng người Nhật đang thấy rằng về lâu dài sức mạnh của Mỹ đang ngày càng giảm sút, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc lại dần dần tăng lên, bên cạnh đó là việc Ấn Độ ngày càng chú trọng đến khu vực Nam Á.

Tàu khu trục Kirishima của Nhật Bản được trang bị hệ thống Aegis
Tàu khu trục Kirishima của Nhật Bản được trang bị hệ thống Aegis 

Nhật Bản có thể phát triển thêm các hệ thống tên lửa đánh chặn và tin tưởng vào các tàu chiến Aegis của hải quân Mỹ. Tuy nhiên trong cuộc tấn công toàn diện bằng tên lửa hạt nhân, một quả tên lửa có thể lọt qua lá chắn tên lửa không lấy gì làm dày dặn cho lắm của nước này. Ngoài ra, việc phải bỏ ra hàng tỉ USD cho công nghệ tên lửa đó sẽ không nhận được sự ủng hộ của dư luận và khiến do giới lãnh đạo Nhật Bản càng thêm đắn đo.

Điều này đã buộc Nhật Bản phải tìm đến một lựa chọn duy nhất: Sở hữu một kho vũ khí hạt nhân tấn công bằng máy bay và tàu ngầm có thể tiến hành răn đe phòng ngừa ý định tấn công của Trung Quốc, Triều Tiên hoặc xa hơn là Ấn Độ. Dựa trên các công nghệ và thiết bị sẵn có, Nhật Bản hoàn toàn có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng 3 tháng. 
 
Tuy người dân Nhật Bản hiện nay đang cảm thấy lo lắng về an toàn hạt nhân sau thảm họa Hiroshima, Nagasaki và các vụ nổ nhà máy điện hạt nhân gần đây ở Fukushima, nhưng đến một ngày nào đó, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với vấn đề hạt nhân. Để mặc đất nước dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công hạt nhân hay nguy cơ hăm dọa hạt nhân là hành động vô trách nhiệm và nguy hiểm.

Việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vấn đề cực kỳ khó khăn về mặt chính trị và sẽ gây nên làn sóng công kích Nhật Bản lan tràn khắp châu Á, nhưng quả thực Tokyo không còn lựa chọn nào khác.
Bảo Thành (Nguồn: The Sun Daily)