Báo Nga: Kẻ thù không muốn Assad sụp đổ

18/06/2015 07:06
Nguyễn Hường
(GDVN) - Chính quyền Assad đã nhiều lần được dự đoán sẽ sụp đổ, nhưng những dự đoán đó đều đã được chứng minh là sai lầm.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Bashar al-Assad liên tiếp chịu thất bại trên nhiều mặt trận quan trọng chống lại lực lượng đối lập. Ở phía Bắc, phiến quân nổi dậy đã chiếm quyền kiểm soát một số khu vực ở tỉnh Idlib và Aleppo. Chính quyền Damascus bị mất quyền kiểm soát Palmyra ở phía đông và các vùng nằm dọc theo biên giới Jordan, Israel ở miền Nam vào tay IS.

Quân đội Israel gần đây nói rằng quân đội Syria "không còn tồn tại". Tuyên bố này sau đó đã trở thành tiêu đề cơ sở cho các tin đồn trên các phương tiện truyền thông phương Tây rằng chính phủ Assad sắp sụp đổ và Tổng thống Syria sắp chạy trốn đến Nga. 

Chính quyền Assad đã nhiều lần được dự đoán sẽ sụp đổ, nhưng những dự đoán đó đều đã được chứng minh là sai lầm.

Chính quyền Assad đã nhiều lần được dự đoán sẽ sụp đổ, nhưng những dự đoán đó đều đã được chứng minh là sai lầm.

Chính quyền Assad đã nhiều lần được dự đoán sẽ sụp đổ, nhưng những dự đoán đó đều đã được chứng minh là sai lầm. 

Tờ Lenta của Nga ngày 16/6 dẫn ý kiến của Gevorg Mirzayan, một nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ và Canada cho biết, trong khi lực lượng nổi dậy và khủng bố đang mạnh lên thì tiềm lực của chính quyền Assad lại đang sụt giảm.

Ông tin rằng chính phủ Damascus hiện không còn nhiều tiền để duy trì ưu thế quân sự trong cuộc nội chiến như trước. Syria vốn không phải là một quốc gia giàu có. Trong khi đó, hiện nay một nửa đất nước này đã trở thành những đống đổ nát, nơi đẻ ra tiền chính là thủ đô kinh tế là Aleppo đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Damascus. 

Dẫu vậy, ông Mirzayan vẫn tin rằng chính quyền Assad sẽ vẫn còn tiếp tục duy trì một thời gian nữa nhờ hai lý do là cả đồng minh lẫn kẻ thù của ông Assad đều không muốn ông ra đi lúc này.

Chính quyền Assad có hai đồng minh chính là Nga và Iran. Nga đã nỗ lực rất nhiều để giúp đỡ chính quyền Assad trụ vững trong những năm đầu tiên của cuộc nội chiến. Hiện Nga vẫn duy trì hỗ trợ tài chính, vũ khí và đào tạo cho Syria. Tuy nhiên, hỗ trợ này có thể sẽ giảm do Moscow đang phải đối mặt với khó khăn do khủng hoảng Ukraine đem lại.

Nhưng Iran thì khác. Iran xem việc giữ ảnh hưởng ở Syria quan trọng như Nga đối với Ukraine. Nếu chính quyền Assad sụp đổ, những người Hồi giáo dòng Sunni sẽ lên nắm quyền tại Syria. Đối với Iran, người Sunni là kẻ thù của họ. 

Hơn nữa, mất ảnh hưởng ở Syria, Iran cũng sẽ mất kiểm soát tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng, mất khu vực hoạt động của đồng minh Hezbollah. 

Việc thất bại ở Syria còn là một đòn chí mạng vào các thành tựu chính sách đối ngoại của Iran trong 15 năm qua và sẽ là một chiến thắng tuyệt vời cho kẻ thù của Tehran trong khu vực.

Hiện Iran vẫn đang hành động một cách thận trọng ở Syria để tránh thu hút thêm các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Ngoài hỗ trợ tiền bạc và tư vấn, theo tình báo phương Tây, Iran còn gửi đến Syria 15.000 binh sĩ.

Việc Iran gửi quân đội tới Syria là điều thực sự khiến phương Tây phẫn nộ, nhưng lại không hề lên tiếng chỉ trích như thường lệ. Theo nhà phân tích Mirzayan, Mỹ rất giận nhưng phải giả vờ không để ý tới điều này. Nguyên do là Washington cần sự hỗ trợ của chính quyền Assad để đối phó với mối đe dọa khủng bố IS. 

Theo một số báo cáo, Mỹ thậm chí còn yêu cầu lực lượng đối lập ở Syria không chống lại chính quyền Assad nếu muốn tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính từ Washington để tập trung chống khủng bố IS tại quốc gia này./.

Nguyễn Hường