Biển Đông: Dựa hoàn toàn vào Mỹ hay hy vọng TQ kiềm chế là ảo tưởng

22/05/2013 14:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Với những bước leo thang bành trướng sức mạnh quân sự ngày càng liều lĩnh và táo tợn của Trung Quốc ở Biển Đông, việc dựa hoàn toàn vào Mỹ hay chờ đợi khả năng tự "kiềm chế" của giới chức Trung Quốc ở Biển Đông là ảo tưởng.
Tàu chiến Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông (hình minh họa)
Tàu chiến Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông (hình minh họa)
Những diễn biến mới nhất xung quanh tranh chấp Biển Đông gần đây cho thấy việc củng cố đoàn kết nội khối ASEAN cũng như việc kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trở thành một giải pháp hữu hiệu và khả thi để ngăn chặn bước chân bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông được Philippines lựa chọn, đó là nhận định của học giả Richard Javad Heydarian tại Manila. Đàm phán tay đôi ở Trường Sa là "tự sát", hy vọng Trung Quốc tự kiềm chế là "ảo tưởng" - PV
Đó là những kinh nghiệm Philippines đã tự đúc rút ra được sau 3 năm đàm phán song phương với Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, gồm bãi cạn Scarborough và một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện cả Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố "chủ quyền" trái phép với toàn bộ hoặc một phần quần đảo. Điều này buộc Manila phải tìm hướng tiếp cận mới. Trước đó Philippines cũng từng ôm hy vọng thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc có thể có cách tiếp cận mới dễ chịu hơn trong giải quyết tranh chấp lãnh hải, nhưng thực tế Philippines cũng như các nước trong khu vực lại phải đối mặt với các hoạt động bành trướng sức mạnh hải quân và hoạt động ngang nhiên của Hải giám, Ngư chính Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn, liều lĩnh hơn trước kể từ khi Tập Cận Bình lên thay thế Hồ Cẩm Đào trở thành hạt nhân bộ máy cầm quyền Bắc Kinh. Nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Philippines với Mỹ đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự khiến nhiều người cho rằng có thể hoàn toàn dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Trong khi đó Mỹ có quá nhiều mối bận tâm khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông, Bắc Triều Tiên, cắt giảm ngân sách quốc phòng và ngay cả quan hệ tay đôi Trung - Mỹ. Ba năm nỗ lực của Ngoại trưởng Philippiens Albert del Rosario theo đuổi xây dựng một liên minh an ninh song phương với Mỹ để đối phó với Trung Quốc ngày một hung hăng cuối cùng đã thất bại. Ngược lại điều này lại tạo cớ cho Trung Quốc trở nên hung hăng và bành trướng hơn khi liên tục quy kết Philippines, Việt Nam "lôi kéo Mỹ nhúng tay" vào Biển Đông. Củng cố đoàn kết nội khối ASEAN và dựa vào luật pháp quốc tế để ngăn chặn Trung Quốc leo thang bành trướng trên Biển Đông.
Philippines đã điều chỉnh chiến lược tiếp cận với cách giải quyết Biển Đông theo hướng không còn phụ thuộc vào ảo tưởng trong những cam kết chiến lược "vô điều kiện" của Mỹ mà quay sang tập trung củng cố đoàn kết nội khối ASEAN và kêu gọi sự ủng hộ giải quyết tranh chấp dựa theo luật pháp quốc tế. Theo đó, Philippines đã bắt đầu khai thác sâu vào mối lo ngại của các thành viên ASEAN khác trước sự leo thang nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Một khi nổ ra xung đột trên Biển Đông sẽ trực tiếp ảnh hưởng rất xấu đến khu vực và xa hơn nữa bởi Biển Đông là tuyến giao thông hàng hải huyết mạch toàn cầu, nơi diễn ra các hoạt động thương mại và vận chuyển năng lượng trọng yếu. Điều này đã bắt đầu phát huy hiệu quả, các thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan vừa qua đã tích cực bày tỏ sự quan tâm của họ trong việc củng cố đoàn kết nội khối ASEAN về Biển Đông và việc tích cực vận động Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC. Một điều khá bất ngờ là Brunei vốn trước đây luôn tỏ ra trung lập trong vấn đề Biển Đông, khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN 2013 đã trở nên tích cực và coi giải quyết tranh chấp Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ASEAN, cuối cùng hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua tại Brunei đã đạt được sự đồng thuận quan trọng trong việc kéo Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán COC. Ngạc nhiên hơn, Campuchia năm 2012 khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đã gây ra những sóng gió không nhỏ trong cộng đồng khối vì loại vấn đề Biển Đông đang căng thẳng ra khỏi chương trình nghị sự (dưới sức ép, chi phối của Trung Quốc), nhưng năm nay lại không phản đối, thay vào đó Phnom Penh lựa chọn sự im lặng nhẹ nhàng. Mặc dù hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận cụ thể với Trung Quốc về COC, nhưng chí ít đã cho Bắc Kinh thấy ASEAN đã trở nên đoàn kết, thống nhất hơn nhiều trong vấn đề Biển Đông so với năm ngoái. Cũng không thể "ảo tưởng" rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận "tự kiềm chế" mà ngồi vào bàn đàm phán COC với ASEAN sau những phát biểu công khai của Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến công du ASEAN vừa qua. Vương Nghị vẫn khăng khăng cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp và nằng nặc đòi đàm phán tay đôi với từng bên tranh chấp ở Trường Sa. Trên thực địa, tàu chiến Trung Quốc đang hoạt động ngày càng thường xuyên và nghênh ngang hơn trước, ngoài ra lực lượng Hải giám, Ngư chính và tàu cá cũng được Bắc Kinh tăng cường phái xuống Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ. Dù sao đi nữa, chủ động tiếp cận hướng giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua tăng cường đoàn kết ASEAN cũng như kêu gọi sự ủng hộ và can thiệp của cộng đồng quốc tế đảm bảo tranh chấp được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vẫn là phương án khả thi.
Hồng Thủy