Biển Đông: Hải giám, ngư chính Trung Quốc nguy hiểm hơn cả quân đội

20/05/2012 05:59
Đông Bình (nguồn: mạng sina.com.cn, Trung Quốc)
(GDVN) - Các tổ chức hàng hải Trung Quốc như Hải giám, Ngư chính… trở nên rất nguy hiểm do dễ triển khai hơn, quy tắc giao chiến mơ hồ hơn.

Trang mạng “Thời báo Tài chính” Anh ngày 18/5 có bài viết với nội dung chính như sau:

Cuộc tranh chấp mới nhất trên biển Đông đã xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines. Tháng trước, một tàu hải quân Philippines đã định bắt giữ một số tàu đánh cá của Trung Quốc. Phía Philippines cho biết, những tàu cá này của Trung Quốc khi đó đã đánh bắt cá bất hợp pháp ở bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà họ gọi là đảo Hoàng Nham. Tàu hải giám Trung Quốc nhanh chóng đến hiện trường, ngăn chặn Hải quân Philippines bắt ngư dân của họ.

Tàu hải giám Trung Quốc.
Tàu hải giám Trung Quốc.

Cuộc xung đột trên biển này đã gây ra cục diện bế tắc về ngoại giao gai góc. Tuần trước, một số tờ báo Trung Quốc hung hăng yêu cầu Hải quân Trung Quốc dạy cho Philippines một bài học, sau đó thậm chí có người phỏng đoán Trung Quốc chuẩn bị dùng vũ lực với Philippines.

Nhưng Trung Quốc đã sử dụng cách thức khác để trừng phạt Philippines. Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu chuối của Philippines, mặc kệ cho chuối của Philippines thối rữa ở bến cảng của Trung Quốc, điều này đã đe dọa kế sinh nhai của 200.000 nông dân trồng chuối của Philippines. Các hãng du lịch của Trung Quốc lấy lý do an ninh, đã hủy các đoàn du lịch đến Philippines.

Manila không có khả năng bảo vệ quyền lãnh thổ tuyệt đối theo quan điểm của họ, điều này được phản ánh rất rõ ràng. Năm 2011, Tổng thống Philippines Benigno Noynoy Aquino thừa nhận, Quân đội Philippines với trang bị lạc hậu muốn giao chiến với Trung Quốc, sẽ giống như một cuộc đấu quyền Anh.

Đối với Philippines, vấn đề ở chỗ Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông. Việt Nam cũng phải đối mặt tương tự trong vấn đề biển Đông.

Năm 2009, tàu thuyền Trung Quốc bao vây tàu khaor sát USNS Impeccable của Hải quân Mỹ.
Năm 2009, tàu thuyền Trung Quốc bao vây tàu khaor sát USNS Impeccable của Hải quân Mỹ.

Trong những năm gần đây, xung đột trên biển leo thang, hầu như cho thấy Bắc Kinh đang trở nên hung hăng hơn. Năm 2009, các tàu thuyền Trung Quốc từng bao vây một tàu giám sát của Hải quân Mỹ. Năm 2011, tàu hải giám Trung Quốc đã gây xung đột với tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam và Philippines.

Theo Aaron Friedberg, Học viện Các vấn đề quốc tế và công cộng Woodrow Wilson, Đại học Princeton, Trung-Mỹ đang tranh vị thế bá quyền ở châu Á, Trung Quốc có 3 nguyên tắc chính sách ngoại giao: “tránh đối đầu”, “tăng cường sức mạnh quốc gia tổng hợp” và “từng bước tiến lên”. Hành vi gia tăng “thẻ bài” của Trung Quốc xem ra rất giống với việc “từng bước tiến lên”.

Đây có thể là mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh. Hiện nay, một bản báo cáo của Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), một tổ chức giải quyết xung đột có trụ sở tại Brussels cho rằng, thực tế có thể càng bất ổn hơn, cũng càng nguy hiểm hơn. Đó là do sự gia tăng của các tổ chức hàng hải có thể đang mở rộng giới hạn chính sách của Trung Quốc.

Những con “rồng” này đang “gây ồn ào trên biển”, bao gồm lực lượng chấp pháp của Hải quan, Trung tâm Chỉ huy Ngư chính Trung Quốc (China Fisheries Law Enforcement Commad), Cục Hàng hải Trung Quốc (Maritime Safety Administration), Tổng đội Hải giám Trung Quốc (China Marine Surveillance) v.v…

Ngày 26/5/2011, tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam.
Ngày 26/5/2011, tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam.

Michael Wesley, Giám đốc điều hành Học viện Chính sách Quốc tế Lowy (Lowy Institute for International Policy) có trụ sở chính tại Sydney cho biết: “Một trò chơi nhiều cấp độ đang được tiến hành”. Theo ông, những cơ quan này đua nhau đẩy tình hình theo hướng căng thẳng để giành lấy nhiều hơn dự toán tài chính.

Tác giả của báo cáo này, Stephanie Kleine-Ahlbrandt cho rằng: “Bản chất của trò chơi này là dùng chấp pháp (thực thi pháp luật) thay thế cho vấn đề lớn hơn là tranh chấp chủ quyền”.

Bà cảnh báo, cuộc “chạy đua vũ trang” đang được tiến hành của những cơ quan, tổ chức hàng hải này thậm chí có thể nguy hiểm hơn cả quân đội, bởi vì tàu thuyền của chúng dễ triển khai hơn, quy tắc giao chiến của chúng cũng mơ hồ hơn.

Wesley cho rằng, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là đột phá biển Đông, thâm nhập Thái Bình Dương rộng lớn. Còn Kleine Ahlbrandt lo ngại, Trung Quốc kiểm soát ngư trường có tranh chấp, hoặc tấn công tàu thuyền của Philippines chỉ là vấn đề thời gian.

Ngày 26/11/2011, tàu Ngư chính-311 Trung Quốc hoạt động tại vùng biển đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 26/11/2011, tàu Ngư chính-311 Trung Quốc hoạt động tại vùng biển đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đông Bình (nguồn: mạng sina.com.cn, Trung Quốc)