Biển Đông: Một bàn tay vỗ không nên tiếng

25/01/2016 10:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam cũng như các bên liên quan ở Biển Đông luôn sẵn lòng lắng nghe và đối thoại, nhưng một bàn tay vỗ không nên tiếng, dư luận đang chờ...

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 25/1 đưa tin, người phát ngôn Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay cho biết, ông Tống Đào - Trưởng ban Liên lạc đối ngoại sẽ đi thăm Lào và Việt Nam từ ngày 26 đến 30/1 với tư cách là đặc sứ của ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: News.sohu.com
Ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: News.sohu.com

Trước đó theo website Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 22/1, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn cơ quan này được hỏi rằng:

"Đảng Cộng sản Việt Nam đang tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 12 và sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới. Với những tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc có lo ngại rằng Việt Nam có thể bị nghiêng về phía Mỹ hay không?"

Ông Hồng Lỗi trả lời: "Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được triệu tập. Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi điện mừng vào ngày 21/1.

Đảng và Chính phủ  Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam và sẵn sàng làm việc với Việt Nam để tiến tới một quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện mạnh mẽ hơn theo nguyên tắc 16 chữ và tinh thần 4 tốt".

Về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: "Chúng tôi cũng sẵn sàng để quản lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải và duy trì quan hệ ổn định với Việt Nam trên biển".

Một câu hỏi khác được đặt ra với ông Hồng Lỗi: "Chủ tịch Tập Cận Bình khi phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore có nói rằng, mặc dù một số đảo Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông đang bị các nước khác chiếm đóng (?), nhưng chúng tôi kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.

Điều này phải chăng có nghĩa là Trung Quốc sẽ đòi lại (?) các đảo bằng đàm phán chứ không phải thông qua hành động quân sự?"

Ông Lỗi đáp: "Trung Quốc có (cái gọi là) chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và vùng biển liền kề. Trong những năm 1970, một số quốc gia chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và rặng san hô ở quần đảo Trường Sa bằng vũ lực (?).

Phía Trung Quốc đang kịch liệt phản đối điều đó. Nằm trong mối quan tâm chung của khu vực, phía Trung Quốc đã kiềm chế cao độ và cam kết giải quyết các vấn đề có liên quan với các nước liên quan trực tiếp qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở tôn trọng (cái gọi là) sự thật lịch sử, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc sẽ làm việc cùng với các nước ASEAN để bảo  vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Lập trường này vẫn giữ nguyên".

Một bàn tay vỗ không nên tiếng

Nhân dân Việt Nam luôn mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi trên cơ sở phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Người viết tin rằng đây cũng là mong muốn của đại bộ phận người dân Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: fmprc.gov.cn
Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: fmprc.gov.cn

Tuy nhiên trong thực tế giữa hai nước vẫn tồn tại những tranh chấp, khác biệt do lịch sử để lại, trong đó có vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông bị xâm hại là vấn đề nhức nhối nhất.

Theo hiểu biết của người viết, những tuyên bố của ông Hồng Lỗi về "chủ quyền" của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông trên đây là sai trái.

Nhà nước, Dân tộc Việt Nam đã xác lập một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục từ thế kỷ 17. Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp Hoàng Sa từ năm 1909 với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ trái phép lên đảo Phú Lâm rồi rút ngay.

Đối với Trường Sa, Trung Quốc chính thức nhảy vào tranh chấp năm 1946 với sự kiện quân Tưởng Giới Thạch lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh vào giải giới quân Nhật đã chiếm luôn đảo Ba Bình. Trước hai thời điểm này, 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp.

Nói cách khác, tranh chấp hiện nay là do Trung Quốc gây ra, nó không ảnh hưởng đến chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Năm 1947 chính quyền Tưởng Giới Thạch tự vẽ ra đường lưỡi bò 11 nét yêu sách "chủ quyền" phi lý với toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như một phần lớn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam.

Sau năm 1949 Quốc Dân đảng thua chạy sang đảo Đài Loan, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lấy yêu sách đường lưỡi bò sai trái của Quốc Dân đảng làm yêu sách của mình.

Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp nửa phía Đông Hoàng Sa năm 1956, chiếm nốt nửa phía Tây Hoàng Sa năm 1974 và một số thực thể ở Trường Sa từ 1946 (đảo Ba Bình),1988, 1995 đến nay, gây ra những căng thẳng không nhỏ trong quan hệ song phương.

Ngày nay, Trung Quốc đang không ngừng bồi đắp, xây dựng một số bãi cạn lúc nổi lúc chìm chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và quân sự hóa nhanh chóng các thực thể này, gây ra căng thẳng và lo ngại nghiêm trọng trong khu vực cũng như dư luận quốc tế.

Với những phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ tháng 9 năm ngoái, hay tại Singapore tháng 11/2015, Trung Quốc vẫn bảo lưu yêu sách "chủ quyền" vô lý chỉ có từ năm 1947, nhưng cam kết không quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi giải quyết tranh chấp (do Trung Quốc tạo ra) thông qua đối thoại, đàm phán.

Nếu thực sự Trung Quốc thiện chí đối thoại và đàm phán trên tinh thần thượng tôn pháp luật, việc đầu tiên Trung Quốc nên làm là dừng ngay các hoạt động quân sự hóa, thay đổi hiện trạng ở Biển Đông cũng như 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký.

Trong trường hợp các bên không thể thuyết phục được nhau bằng lập luận và bằng chứng của mình, Trung Quốc nên vui vẻ chấp nhận giải pháp đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế phân xử. Đó mới thực sự là cách hành xử văn minh và có trách nhiệm của một quốc gia thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hay nói như người Trung Quốc, đó mới là cách hành xử của bậc trượng phu, người quân tử, đàng hoàng.

Không làm được điều này, Trung Quốc sẽ càng tự làm xấu hình ảnh của mình trong mắt cộng đồng khu vực và dư luận quốc tế, những phát biểu "thiện chí" của quý vị chỉ còn là những lời chót lưỡi đầu môi, không hơn không kém.

Việt Nam cũng như các bên liên quan ở Biển Đông luôn sẵn lòng lắng nghe và đối thoại, nhưng một bàn tay vỗ không nên tiếng, dư luận đang chờ các hành động thiện chí thật sự của Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như luật pháp, trật tự quốc tế sau Chiến tranh  Thế giới II mà chính Trung Quốc đang nói rằng cần phải được bảo vệ.

Hồng Thủy