Biển Đông: Mỹ sẽ vạch trần sự dối trá của Trung Quốc ở Shangri-La

03/06/2016 05:42
Phong Vân
(GDVN) - Vấn đề Biển Đông sẽ là một nội dung chính của Hội nghị Đối thoại Shangri-La năm nay, Trung Quốc chắc chắn tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn.

Đa Chiều ngày 2/6 nhận định, Đối thoại An ninh Shangri-La thường niên sắp diễn ra ở Singapore, tình hình Biển Đông tiếp tục được xác định là một nội dung chính.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Nguồn ảnh: Defense.gov
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Nguồn ảnh: Defense.gov

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố ngày càng nhiều nước "ủng hộ" lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, nhưng các quan chức Mỹ dự tính, xu hướng Trung Quốc bị bủa vây bởi dư luận trong thời gian hội nghị sẽ tiếp tục tái diễn.

Đối thoại An ninh Shangri-La lần thứ 15 sẽ được khai mạc vào ngày hôm nay 3/6 và kết thúc vào ngày 5/6/2016.

Cũng giống như năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Phó Tổng tham mưu trưởng Ban Tham mưu liên quân, Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ tham dự hội nghị lần này với tư cách trưởng đoàn.

Tiêu điểm của hội nghị sẽ là vấn đề Biển Đông. Ban tổ chức cho biết, Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề trung tâm được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Trước khi đến Singapore, ngày 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã có bài phát biểu ở Học viện Hải quân.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Nguồn ảnh: Internet
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Nguồn ảnh: Internet

Ông cho rằng: "Trung Quốc chỉ thích làm theo ý mình, phá hoại các nguyên tắc quốc tế. Cách hành xử như vậy không những không phù hợp, mà còn hoàn toàn trái ngược với xu thế phát triển theo kỳ vọng của khu vực này, hoàn toàn không thể tạo ra cục diện hợp tác cùng có lợi.

Kết quả của loại hành vi này là, Trung Quốc sẽ tạo ra một bức Trường Thành tự cô lập mình. Quan chức cấp cao nhất của các nước đồng minh, đối tác và không liên kết ở khu vực xung quanh sẽ công khai hoặc ngầm bày tỏ lo ngại đối với sự leo thang của tình hình tại các hội nghị khu vực và diễn đàn toàn cầu".

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng thách thức: “Trung Quốc không vui vẻ gì với Chiến tranh Lạnh dưới bất cứ hình thức nào. Nhưng Trung Quốc không phải sợ gì, thậm chí chắc chắn sẽ kiên quyết đáp trả đối với bất cứ hành động nào đe dọa hoặc làm tổn hải đến (cái gọi là) chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Đồng thời, Trung Quốc gia tăng vận động, vật nài các nước ủng hộ họ trong vấn đề Biển Đông, liên tục công bố là "ngày càng nhiều nước ủng hộ" lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ về những công bố do Bắc Kinh tự đưa ra vì không có một danh sách cụ thể kèm theo.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã phải vất vả trước chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La năm 2015. Nguồn ảnh: Internet Trung Quốc
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã phải vất vả trước chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La năm 2015. Nguồn ảnh: Internet Trung Quốc

Hãng tin VOA Mỹ dẫn lời quan chức cấp cao Mỹ cho rằng, sự ủng hộ quốc tế mà Trung Quốc tự tiện tuyên bố "khác xa" so với tình hình thực tế.

Chẳng hạn, cuối tháng 4/2016, sau khi thăm các nước Brunei, Campuchia và Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, ba nước này và Trung Quốc đã đạt được "đồng thuận" về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Amy Searight tiết lộ, trong thời gian Hội nghị quan chức cấp cao quốc phòng ASEAN tổ chức ở Lào cùng một thời gian, hoàn toàn không nhìn thấy bất cứ nước nào ra mặt ủng hộ Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong thời gian Đối thoại Shangri-La lần này, tình cảnh khó khăn gây ra bởi cách hành xử "thiếu đạo đức" của Trung Quốc sẽ tiếp tục tái diễn.

Trước khi Đối thoại An ninh Shangri-la năm 2015 diễn ra, Mỹ đã công bố video về hoạt động lấn biển xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) do máy bay trinh sát Quân đội Mỹ chụp được, đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ những người tham dự hội nghị và toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông. Trong thời gian từ ngày 8 - 9/5/2016, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tuần tra, tập trận bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nguồn ảnh: Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc
Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông. Trong thời gian từ ngày 8 - 9/5/2016, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tuần tra, tập trận bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nguồn ảnh: Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc

Trong thời gian hội nghị, mặc dù các đại biểu bày tỏ tán thưởng và khuyến khích đối với một số vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế khác, nhưng ngoài thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc, không có bất cứ ai công khai ủng hộ đối với các hành vi (bành trướng, bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phong Vân