Biển Đông: Người muốn cứng rắn, người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc

04/10/2016 06:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Đô đốc John Richardson cho rằng, nên tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc để ngăn chặn các "hành động có vấn đề" ở Biển Đông.

Những thông điệp khác nhau từ Lầu Năm Góc

The Washington Free Beacon ngày 30/9 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thúc đẩy khả năng tuần tra chung với quân đội các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông vì Trung Quốc thúc đẩy các yêu sách chủ quyền, hàng hải (vô lý, phi pháp và bành trướng).

Phát biểu trên tàu sân bay USS Carl Vinson ở San Diego thứ Năm tuần trước, ông Ash Carter nói: 

"Tự do hàng hải có thể được duy trì một phần bởi tuần tra chung của các mạng lưới (lực lượng quân sự) như hải quân, không quân hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép, đảm bảo tuyến hàng hải của khu vực an toàn và thông suốt.

Hoa Kỳ lo ngại nghiêm trọng đối với một số hành động của Trung Quốc trên các vùng biển gần đây cũng như trên không gian mạng.

Bắc Kinh đôi khi dường như muốn chọn ra những nguyên tắc họ có thể hưởng lợi, đồng thời có thể cắt xén."

Một cuộc tập trận bắn đạn thật của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc ở Biển Đông khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực, hình minh họa: Nhân Dân nhật báo.
Một cuộc tập trận bắn đạn thật của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc ở Biển Đông khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực, hình minh họa: Nhân Dân nhật báo.

Ông chủ Lầu Năm Góc đã đề cập đến khả năng Hoa Kỳ hợp tác an ninh mạng với các cường quốc châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Singapore. [1]

Tuy nhiên ngày 3/10, The Washington Free Beacon dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson cho rằng, nên tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc để ngăn chặn các "hành động có vấn đề" ở Biển Đông:

"Những lựa chọn mà Hải quân Hoa Kỳ có thể mang lại dành cho tất cả các đối tác trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Có rất nhiều lĩnh vực chúng tôi có lợi ích chung, thậm chí ngay hiện tại.

Có những khu vực, những vấn đề chúng tôi còn bất đồng. Và khi chúng tôi làm việc vượt qua những bất đồng hướng tới một thỏa hiệp, chúng tôi muốn làm như vậy để giảm rủi ro và nguy cơ tính toán sai lầm.

Chúng tôi hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận chấp nhận được cho tất cả các bên trong khu vực, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo cách không liên quan đến xung đột.

Chắc chắn chúng tôi sẽ không muốn gây ra bất cứ cuộc xung đột có chủ ý nào, và chúng tôi cũng muốn chắc chắn rằng, không có xung đột là kết quả của một tính toán sai lầm." 

Richardson không đả động gì đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Ông cũng không nhắc đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông mà Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc tuân thủ.

Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ chỉ nhấn mạnh nhu cầu duy trì đối thoại và hợp tác với ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc. [2]

Cách tiếp cận khác nhau từ các nước quan tâm, có lợi ích ở Biển Đông

The Sun Daily, Malaysia ngày 3/10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết, tại hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - ASEAN, ông đã nói với Mỹ rằng, đừng gửi thêm quân đến Biển Đông.

Biển Đông: Người muốn cứng rắn, người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc  ảnh 2

Tướng Trung Quốc đòi "trả đũa" Singapore

(GDVN) - Ông Nam cũng cho thấy sự "cay cú" trước thái độ thượng tôn pháp luật của Singapore, quốc đảo này tuy bé nhưng không dễ khuất phục, cũng chẳng thể mua chuộc.

Lập trường của Malaysia vẫn dựa vào yêu cầu các bên tuân thủ DOC, sớm có COC, trong đó bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Thừa nhận tầm quan trọng của an ninh hàng hải ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia muốn tránh bất kỳ sự kiện bất ngờ, không lường trước được ở Biển Đông. Tuy nhiên cơ chế cụ thể không thấy ông nhắc tới. [3]

Trong một động thái khác có liên quan, tờ International Business Times ngày 3/10 cho biết, Indonesia, New Zealand, Australia, Malaysia và Singapore tập trận quy mô lớn ở Biển Đông để đề phòng nguy cơ xung đột.

Singapore đã đứng ra tổ chức cuộc tập trận Bersama Lima kéo dài 3 tuần, bao gồm cả các lực lượng hải - lục - không quân từ New Zealand, Australia, Malaysia, Singapore và Anh tham dự.

5 quốc gia này đã có thỏa thuận, sẽ tham vấn lẫn nhau và cùng hành động, nếu xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Singapore hoặc Malaysia.

Indonesia cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trong tháng này với cả 3 quân chủng ở khu vực quần đảo Natuna, phía Nam Biển Đông.

Tờ báo lưu ý, tất cả các động thái này cần đặt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cùng với Hoa Kỳ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột trong khu vực.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ cũng cảnh báo và nhấn mạnh nguy cơ xung đột ở Biển Đông. [4]

Xung đột có thể đến từ lực lượng tàu cá (trá hình) và công vụ Trung Quốc

Đó là lo lắng được Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen bày tỏ trong cuộc họp tại Hoa Kỳ, theo Bloomberg News ngày 2/10.

Việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là "hạm đội tàu vỏ trắng" để xua đuổi tàu cá nước ngoài khỏi những khu vực họ yêu sách ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ.

"Trên thực tế điều này rất ít khả năng xảy ra với các tàu quân sự. Nhưng có thể phát sinh sự cố từ việc đánh bắt cá, từ các tàu vỏ trắng. Những tàu này có thể thúc đẩy sự cố", ông Ng Eng Hen nói.

Singapore kêu gọi ASEAN có lập trường thống nhất hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://freebeacon.com/national-security/secdef-calls-joint-patrols-asia-pacific/#

[2]http://freebeacon.com/national-security/navy-chief-pushes-compromise-stop-problematic-actions-south-china-sea/#

[3]http://www.thesundaily.my/news/1990110

[4]http://www.ibtimes.com/south-china-sea-conflict-indonesia-new-zealand-australia-malaysia-singapore-britain-2425483

[5]http://www.bloomberg.com/news/articles/2016-10-02/fishermen-coast-guards-worry-singapore-most-in-south-china-sea

Hồng Thủy