Bức tranh dân số thế giới: Hành tinh 7 tỉ người

31/10/2011 12:07
Theo Petro Times
Rõ ràng, thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng của mình về dân số.
Ngày 31/10/2011, thế giới đón công dân thứ 7 tỉ chào đời. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với Trái Đất thân yêu - mái nhà chung của loài người. 7 tỉ người không phải là  một con số vô tri vô giác mà trái lại, nó đặt ra một bài toán không đơn giản đối với mỗi nước nói riêng và hành tinh nói chung.

Thực trạng thế giới

Trong báo cáo “Thực trạng Dân số thế giới năm 2011” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), những con số không khỏi khiến chúng ta giật mình. Cách đây khoảng 3.000 năm, dân số thế giới vào khoảng 300 triệu người, sau đó lên mốc 1 tỷ người vào 1.200 năm sau đó.

Đến năm 1927, con số này tăng gấp đôi. Tuy nhiên, giãn cách giữa các mốc ngày càng thu hẹp lại khi chỉ 32 năm sau, dân số thế giới đã lên tới 3 tỉ người. Tiếp đến là 4 tỉ người vào năm 1974 và 5 tỉ vào năm 1987. Dân số thế giới cán ngưỡng 6 tỉ và 7 tỉ người lần lượt vào các năm 1999 và 2011.

Ngoài ra, các chuyên gia UNFPA dự đoán với tốc độc gia tăng đều đặn hiện nay, tới năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 9,3 tỉ cư dân và hơn 10 tỉ người vào năm 2100. Như vậy, trung bình mỗi năm, Trái Đất đón nhận thêm 80 triệu người, tương đương với số dân tại Đức, Việt Nam hay Ethiopia. Số người dưới 25 tuổi hiện chiếm khoảng 43% dân số thế giới.

Nguyên nhân khiến dân số gia tăng mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây là sự bùng nổ sinh đẻ “Baby Boom” trong những năm 1950-1960 của thế kỷ trước. Tuổi thọ trung bình của người dân thế giới đã tăng từ mức 48 tuổi hồi đầu thập niên 1950 lên 68 tuổi trong thập kỷ đầu tiên của thiên nhiên kỷ mới. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng giảm gần 70%.

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số không đồng đều là một nét sổ khá lớn trong bức tranh dân số thế giới. Các biện pháp tránh thai, chất lượng cuộc sống được cải thiện và những thay đổi về văn hóa đã khiến tỷ lệ sinh tại các nước phát triển giảm mạnh.

Thống kê trung bình thế giới cho thấy tỉ lệ này đã giảm từ 6 trẻ/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống còn 2,5 trẻ trong 6 thập kỷ qua. Tỷ lệ này tại các nước giàu thậm chí còn thấp hơn – 1,77 trẻ. Tại các nước cực nghèo, tỉ lệ này là 4,2%, trong khi tại các nước phía Nam sa mạc Sahara, tỉ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ lên tới 4,8 con.

Châu Á hiện có 4,2 tỉ dân và dự kiến con số này sẽ tăng lên mốc 5,2 tỉ vào năm 2052. Châu Phi vẫn là châu lục có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới khi lần đầu tiên cán mốc 1 tỉ dân vào năm 2009 và dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2044.

Với 1,35 tỉ dân, Trung Quốc vẫn giữ ngôi vương về dân số. Theo sau là Ấn Độ (1,24 tỉ dân) và dự kiến tới 2025, New Delhi sẽ soán ngôi cường quốc dân số của Bắc Kinh với cách biệt 1,46 tỉ – 1,39 tỉ dân. Các nhà nhân khẩu học dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,3 tỉ vào năm 2050 trong khi Ấn Độ đạt đỉnh 1,7 tỉ dân vào năm 2060.

Thách thức đồng hành


Chào đón công dân thứ 7 tỉ, loài người cũng đang đối mặt với những thách thức như nghèo đói, bệnh tật, thiếu nước sạch và môi trường bị tàn phá. Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển dân số đã đặt ra mối nguy ngày càng tăng với Trái Đất của chúng ta, đặc biệt là với các nước đang phát triển.

LHQ đã bày tỏ lo ngại về những thách thức mà loài người đang và sẽ phải đối mặt, như nghèo đói, bệnh tật, môi trường bị tàn phá, sự mất cân bằng về dân số giữa thành thị và nông thôn, cũng như tình trạng di cư từ các nước nghèo sang các nước phát triển…

Theo UNDP, sức ép đối với các nước đông dân, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á, ngày càng gia tăng. Trong số đó, đô thị hóa sẽ là bài toán khó giải nhất đối với các nước.

Hồng Công hiện là nơi có mật độ dân số lớn nhất thế giới với trung bình 130.000 người trên 1km2. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi người dân Hồng Công luôn phàn nàn rất nhiều về ô nhiễm đô thị và tình trạng quá tải trên các phương tiện giao thông công cộng.

Những vấn đề của Hồng Công không có gì xa lạ đối với các nước châu Á đông dân. Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, dân số bùng nổ đã tạo ra sức ép không nhỏ đối với các thành phố lớn. Do khoảng cách khá lớn về điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất giữa nông thôn và thành thị, ngày càng có nhiều người đổ xô về các thành phố lớn như Kolkata, New Delhi và Mumbai, đặc biệt là tầng lớp trí thức.

Trong khi dân số nông thôn ngày càng thưa thớt và không đủ lao động để xây dựng kinh tế, thì tại các thành phố, tỉ lệ thất học – thất nghiệp tăng và ngày càng có nhiều khu ổ chuột.

Ấn Độ cần chuẩn bị cho tương lai. Tiến trình đô thị hoá và làn sóng di cư sẽ gia tăng, người dân ở các vùng nông thôn nghèo sẽ đổ về các thành phố để tìm kiếm việc làm và sinh sống, vì vậy các thành phố cần có kế hoạch chuẩn bị. Chính phủ cũng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng khi dân số nghèo sẽ phát triển mạnh tại khu vực thành thị. Điều này có nghĩa là mỗi người sẽ có ít đất, nước và tài nguyên thiên nhiên hơn.

Thách thức lớn nữa không thể bỏ qua, đó là vấn đề lương thực. Trong những năm gần đây, cùng với “bão” tài chính, khủng hoảng lương thực đã trở thành một cụm từ quen thuộc trong nhiều diễn đàn lớn của thế giới. Giới chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 sẽ không bao giờ qua và nỗi ám ảnh ấy càng trở nên đáng sợ khi giá loại hàng hóa đặc biệt này không ngừng biến động cùng với sự biến động chung trên thị trường các mặt hàng đặc biệt như dầu mỏ, ngoại tệ và vàng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ tháng 6/2010, giá lương thực tăng cao và đầy biến động đã khiến gần 44 triệu người thiếu đói, với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo giá lương thực trên toàn cầu cao và dễ biến động tiếp tục đe dọa các nước nghèo trong năm 2012.

Tình hình lương thực toàn cầu trong vài tháng tới sẽ có biến động lớn trong bối cảnh sản lượng ngô và lúa mì ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể giảm mạnh do hạn hán mặc dù vụ thu hoạch lúa mì ở Nga và Ukraine có triển vọng được mùa.

FAO dự báo chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu năm 2011 sẽ đạt mức kỷ lục 1,29 nghìn tỉ USD, tăng 21% so với năm 2010. Đây là lần thứ 3 trong vòng 4 năm qua, chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu vượt quá ngưỡng 1.000 tỉ USD. Trong khi đó, Hội đồng Ngũ cốc quốc tế có trụ sở tại London, Anh, cho biết dự trữ toàn cầu về lúa mì và ngũ cốc hạt to như ngô và lúa mạch trong năm 2011-2012 sẽ giảm xuống mức 333 triệu tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Các chuyên viên của Tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam cảnh báo đến năm 2030, giá lương thực trên thị trường quốc tế có thể tăng gấp hai lần do dân số trên thế giới tăng và hậu quả của sự biến đổi khí hậu. Giới chuyên viên không loại trừ khả năng trong tương lai gần sẽ bùng nổ một cuộc Chiến tranh Thế giới mới nhằm tranh giành nguồn dự trữ lương thực.

Oxfam cảnh báo một hệ thống lương thực suy yếu đồng nghĩa giá một số loại lương thực thiết yếu sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030, tác động đến những người nghèo nhất trên thế giới vốn đã phải chi 80% thu nhập của họ cho lương thực. Hệ thống này cũng đang “oằn mình” chịu sức ép từ biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái suy thoái, dân số gia tăng, giá năng lượng tăng, nhu cầu tiêu thụ thịt, sữa cao hơn, cũng như sự cạnh tranh dùng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học, công nghiệp và đô thị hóa.
Lạm phát giá lương thực thực sự trở thành vấn đề nghiêm trọng cả về chính trị lẫn kinh tế đối với các nước đang phát triển, buộc các ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, điều này làm suy yếu các chính phủ trong khi căng thẳng xã hội tăng cao do giá lương thực quá cao tác động nghiêm trọng đến đời sống của đại đa số nhân dân.

Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Ngân hàng JPMorgan (JPM) của Mỹ đã quyết định khởi động công cụ tài chính mới với số vốn ban đầu 4 tỉ USD để chống bất ổn giá lương thực trên toàn cầu. Đây là một biện pháp hiếm có nhằm khuyến khích các công ty ở những nước đang phát triển mua bảo hiểm ở các thị trường phái sinh để đề phòng những biến động đột ngột về giá lương thực.

Chủ tịch WB Robert Zoellick nhấn mạnh công cụ quản lý rủi ro mới này của WB sẽ giúp nông dân, những người sản xuất và tiêu dùng tự bảo vệ trước những biến động thất thường của giá lương thực, tăng cường vị thế tín dụng và quyền tiếp cận các nguồn tài chính.

Góc nhìn riêng

Nói tới dân số, không thể bỏ qua chính sách một con (one child policy) của Trung Quốc áp dụng từ những năm cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước. Khi đó, giới chức Bắc Kinh khẳng định đây là một chính sách đúng đắn và hợp thời. Nhưng hơn 3 thập kỷ qua đi, giờ đây “một con” đã trở thành một quả bom dân số hẹn giờ đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế quá nóng, dân số già đi, tiềm ẩn các vấn đề lớn về kinh tế và xã hội là những vấn đề đau đầu mà Bắc Kinh đang và sẽ phải đối mặt trong những năm tới. Các nhà dân số học, xã hội học và chuyên gia kinh tế cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đang Trung Quốc ở phía trước khi đất nước này đang trở thành quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới đối mặt với nguy cơ già hóa dân số khi chưa kịp trở nên giàu có như các nước phát triển.

Theo nhà nhân khẩu học Christophe Guilmoto, Trung Quốc đang tiệm cận với cuộc khủng hoảng dân số nhanh hơn tại các nước châu Âu, nơi tỉ lệ sinh đã giảm dần trong thế kỷ trước. Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc dự báo trong 5 năm tới, số người trên 60 tuổi tại nước này sẽ tăng từ 178 triệu người hiện nay lên con số 221 triệu – chiếm 16% dân số.

Tới năm 2050, khoảng 25% dân số Trung Quốc sẽ trên 65 tuổi, trong khi tỉ lệ này hiện nay chỉ là 9%. Ngoài ra, hiện đã có hoảng 50% số người trên 60 tuổi tại cường quốc châu Á này đang sống một mình- một tình huống chưa từng xảy ra tại một quốc gia có truyền thống tứ đại đồng đường như Trung Quốc.

Thêm vào đó là mô hình hình kim tự tháp ngược khi một người con phải gánh trên vai trách nhiệm nuôi hai cha mẹ già cùng 4 ông bà nội – ngoại. Đây là bài toán nan giải cho chính phủ, nhất là khi tỉ lệ thất nghiệp đang gia tăng buộc ngày càng nhiều người di cư từ các vùng nông thôn ra thành phố để kiếm việc.

Liang Zhongtang, một nhà nhân khẩu học, cho biết sức ép sẽ tiếp tục gia tăng khi những người sinh trong giai đoạn 1962 – 1972 nghỉ hưu. Theo ông, gần 30 triệu đứa trẻ đã ra đời mỗi năm trong thời kỳ đó, trong khi hiện nay chỉ có 6 triệu đến 7 triệu trẻ. Chỉ cần làm một phép so sánh đơn giản cũng có thể hình dung ra được những gánh nặng mà nhà nước sẽ phải hứng chịu trong tương lai gần.

Rõ ràng, thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng của mình về dân số. Tuy nhiên, đây không phải là những vấn đề đơn giản, có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực chung từ người dân tới chính phủ và cộng đồng quốc tế. Có như vậy mới có thể hy vọng về một Trái Đất xanh và bình yên cho thế giới.
Theo Petro Times