CNA: Tập Cận Bình lại nói "sẵn sàng đánh đấm" bảo vệ lợi ích cốt lõi

24/08/2013 08:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Ý của Tập Cận Bình trong các thông điệp này là nhằm cảnh báo thế giới bên ngoài rằng, nếu động đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt, trả giá thê thảm.
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.
Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 22/8 đưa tin, tạp chí Diễn đàn Nhân Dân thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa phát hành số 24 và phân tích phát biểu của ông Tập Cận Bình dịp kỷ niệm thành lập quân đội Trung Quốc 1/8, trong đó tập trung vào "đánh đấm" để đối phó với tình hình an ninh phức tạp khi Mỹ quay trở lại châu Á, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lý Đại Quang, một giáo sư thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra bài viết "Tại sao Chủ tịch Tập lại yêu cầu tập trung vào đánh giặc", phân tích việc ông Tập Cận Bình từ khi nhậm chức đến nay liên tục quan tâm và nhấn mạnh quân đội Trung Quốc phải biết đánh, phải đánh thắng. Đến dịp kỷ niệm thành lập quân đội Trung Quốc 1/8 vừa qua, ông Bình đi thị sát quân khu Bắc Kinh lại một lần nữa nhắc nhở quân đội nước này "thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội mạnh trong tình hình mới, tập trung đẩy mạnh toàn diện công cuộc xây dựng quân đội biết đánh, đánh thắng".
Khi vừa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy trung ương, Tổng bí thư khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuần du phương Nam, thị sát hạm đội Nam Hải, đại quân khu Quảng Châu và ra chỉ thị cho quân đội nước này phải biết đánh và đánh thắng.
Khi vừa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy trung ương, Tổng bí thư khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuần du phương Nam, thị sát hạm đội Nam Hải, đại quân khu Quảng Châu và ra chỉ thị cho quân đội nước này phải biết đánh và đánh thắng.
Giáo sư Quang cho rằng việc truyền thông phương Tây suy diễn ý ông Tập Cận Bình yêu cầu quân đội "biết đánh, đánh thắng" thành lời hiệu triệu cứng rắn với Nhật Bản, thậm chí sẵn sàng động vũ lực với Nhật Bản hoàn toàn là một cách lý giải "bóp méo có ý đồ". Viên giáo sư này cho rằng, ý của Tập Cận Bình trong các thông điệp này là nhằm cảnh báo thế giới bên ngoài rằng, nếu động đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt, trả giá thê thảm. Ngoài ra, thông điệp của ông Bình còn nhằm nhắc nhở quân đội Trung Quốc phải nâng cao ý thức sẵn sàng chiến đấu, tích cực đối phó với môi trường an ninh quốc tế ngày một phức tạp và thứ 3 là thông qua thực hiện giấc mơ quân đội mạnh để thực hiện giấc mộng Trung Quốc. Và để tự tạo cho mình cái cớ bành trướng sức mạnh quân sự trên biển, Lý Đại Quang lại tiếp tục giọng điệu sai trái, chụp mũ, cáo buộc Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam "xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc" đã đặt ra những yêu cầu mới cho việc xây dựng, nâng cao năng lực quân đội nước này?!
Ông Tập Cận Bình thị sát hạm đội Nam Hải 2 lần kể từ khi nhậm chức đến nay.
Ông Tập Cận Bình thị sát hạm đội Nam Hải 2 lần kể từ khi nhậm chức đến nay.
Thật nực cười và trơ trẽn khi chính Bắc Kinh đã chiếm đoạt phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nay tiếp tục rắp tâm độc chiếm 85% diện tích Biển Đông thành ao nhà, trong đó có cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để thực hiện tham vọng vĩ cuồng đó, Trung Quốc đang tìm mọi thủ đoạn để bành trướng sức mạnh quân sự trên các vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông, và để tạo cớ cho những hành động leo thang này, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đưa ra cái gọi là "lợi ích cốt lõi quốc gia", cảnh báo các bên liên quan Bắc Kinh sẽ "không nhượng bộ, không đổi chác" và sẽ "bảo vệ" đến cùng?! Điều này hoàn toàn đi ngược lại xu thế thời đại, hòa bình và ổn định trong khu vực, lợi ích chung của cộng đồng, và thậm chí ngược lại hẳn với những tuyên bố về cái gọi là "trỗi dậy hòa bình" mà chính lãnh đạo Trung Quốc vẫn rao giảng. Nó một lần nữa minh chứng nỗi quan ngại của các quốc gia láng giềng về "mối uy hiếp từ Trung Quốc" không phải không có cơ sở.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy