Các liên minh ở châu Á đang thay đổi theo hướng thực dụng

11/07/2014 08:29
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ Japan Times ngày 9/7 cho biết, các liên minh châu Á đang liên tục thay đổi để thích nghi với tình hình khu vực, nhưng theo xu hướng chủ nghĩa thực dụng.

Japan Times cho rằng các liên minh ở châu Á luôn thay đổi vì mục đích chính là thích nghi chứ không phải mục tiêu chiến lược lâu dài và dẫn tới sự phổ biến chủ nghĩa thực dụng trong khu vực. 

Theo tờ báo của Nhật Bản, Moscow đang chuyển hướng tiến gần tới đối thủ cũ là Trung Quốc, Bắc Kinh thì bắt tay Seoul lạnh nhạt với Triều Tiên, còn Tokyo tăng cường hợp tác với Bình Nhưỡng. 

Washington từ lâu có thể đã lợi dụng sự rạn nứt giữa Nga và Trung Quốc để tăng cường hiện diện trong khu vực. Nhưng mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được hàn gắn lại và phát triển mạnh mẽ đáng kể. Xu hướng này gia tăng một phần là do sự thất vọng của Nga về chính sách của phương Tây đối với Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnnh trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu tháng này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnnh trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu tháng này. 

Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Moscow Carnegie cho rằng các liên minh hiện nay ở châu Á không thể hiện sự phân biệt rõ rệt. Đôi khi một số hình thành chỉ vì các va chạm, lợi ích. Nhưng tất cả đều thách thức trật tự toàn cầu mà Mỹ là trung tâm điều phối trong nhiều thập kỷ qua.

Biểu hiện rõ rệt nhất của sự tăng cường quan hệ Nga-Trung là thỏa thuận mua bán khí đốt 400 tỷ USD được ký hồi tháng trước sau nhiều thập kỷ đàm phán không đạt kết quả. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi thỏa thuận trên là "mang tính thế kỷ", mặc dù giá bán khí đốt đã thấp hơn so với mong đợi của ông. 

Ở Nga, các nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc được gọi là trục của Putin. Mối quan hệ này được hình thành trên cơ sở cả hai cùng có lợi do có cùng quan điểm chung về một số vấn đề toàn cầu và chủ chốt của khu vực. 

Ông Tremin cho rằng, vị trí thống trị của Mỹ tại khu vực châu Âu và châu Á giờ đã chỉ còn là lịch sử. 

Lý giải về hành động lạnh nhạt trong quan hệ với Bình Nhưỡng và thúc đẩy hợp tác với Seoul của Bắc Kinh, Willy Lam - một Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói rằng Trung Quốc đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực đối với các tranh chấp lãnh hải của mình và phá vỡ liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. 

"Rõ ràng (Hàn Quốc) sẽ không bao giờ ra khỏi liên minh với Mỹ. Nhưng Trung Quốc vẫn cố gắng thuyết phục Hàn Quốc rằng không liên minh với Mỹ, Nhật là chìa khóa để giải quyết vấn đề với Bình Nhưỡng", Christopher Johnson - một cựu chuyên gia phân tích vấn đề Trung Quốc của CIA và hiện là Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ nói.

Luận điểm này của Trung Quốc dường như đang ngày càng thuyết phục được Seoul vì sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên thực tế đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á cũng như quan hệ kinh tế phát triển giữa hai bên đã hấp dẫn quốc gia này. 

"Chiến thuật khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau sẽ hình thành lên các đối tác khác nhau," Johnson nói thêm.

Hiện Mỹ không có đồng minh châu Á nào gần gũi và đáng tin cậy hơn Nhật Bản. Nhưng phản ứng ngày càng tức giận của Nhật Bản trong tranh cãi lãnh thổ với Bắc Kinh, nỗi sợ hãi trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và bế tắc với Nga trong tranh chấp lãnh thổ ở phía Bắc đã khiến Tokyo trở nên cảnh giác hơn.

Việc Bắc Kinh phá vỡ liên minh Washington-Seoul dường như đã thúc đẩy Thủ tướng Abe làm sống lại các cuộc đàm phán về vấn đề bắt cóc với Triều Tiên. 

"Các quốc gia trong khu vực đang ngày càng lo ngại về căng thẳng do cách tiếp cận cao tay của Trung Quốc, và cho thấy những kỳ vọng cao đối với vai trò của Nhật Bản," Narushige Michishita - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Viện Nghiên cứu chính sách đại học Quốc gia Tokyo cho biết.  

Tờ báo cũng dẫn lời Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal tại New Delhi cho biết, trong số các đối thủ mạnh ở châu Á thì hiện chỉ có Ấn Độ là có khả năng độc lập nhiều nhất. 

Ấn Độ từ lâu đã duy trì sự tự lập, cố giữ mình ra xa khỏi các liên minh. Mặc dù đây là một chiến lược được đánh giá là có rủi ro, nhưng nó giúp Ấn Độ có tiềm năng trở thành một đối thủ lớn nhất ở châu Á. Và chính điều này là lý do khiến Trung Quốc lo lắng.  Đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong khu vực là Nhật Bản và cả hai luôn duy trì được mối quan hệ thân thiện. 

"Ấn Độ muốn là đối trọng với Trung Quốc ở một mức độ nào đó, nhưng Ấn Độ tin rằng sẽ vẫn cung cấp cho Bắc Kinh một số không gian thở chiến lược", ông Chaulia nói./.

Nguyễn Hường