Carl Thayer: 2 kết luận từ việc Mỹ nới cấm vận vũ khí với Việt Nam

07/10/2014 07:23
Hồng Thủy
(GDVN) - Sở dĩ có lựa chọn này là vì Trung Quốc đã chọn sử dụng Cảnh sát biển (Hải cảnh) và các lực lượng hàng hải dân sự khác cùng đội "tàu cá" để thúc đẩy yêu sách.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

The Diplomat ngày 6/10 đăng bài phân tích của giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, có 2 kết luận có thể rút ra từ việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Thứ nhất, chính sách của Mỹ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã vượt qua ngưỡng hùng biện ngoại giao và hỗ trợ pháp lý quốc tế đến chỗ (tạo cơ hội) trang bị cho Việt Nam khả năng tự phòng vệ trên biển.

Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển của quốc gia ven Biển Đông để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc mà không trực tiếp kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu với hải quân Trung Quốc.

Trong trường hợp của Việt Nam, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng ưu tiên của họ là tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, sở dĩ có lựa chọn này là vì Trung Quốc đã chọn sử dụng Cảnh sát biển (Hải cảnh) và các lực lượng hàng hải dân sự khác cùng đội "tàu cá" để thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của mình.

Thứ hai, sự thay đổi trong chính sách của Mỹ cũng có ảnh hưởng đến các quan điểm bảo thủ tại Việt Nam phản đối việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ.

Trong quá khứ có những quan điểm muốn ngăn cản hợp tác với Hoa Kỳ bằng cách hỏi, Mỹ đã làm điều gì cho Việt Nam? Những quan điểm này đòi hỏi Mỹ phải rót kinh phí nhiều hơn để làm sạch chất độc da cam trong chiến tranh, hỗ trợ nhiều hơn trong việc xác định hài cốt quân nhân Việt Nam trong chiến tranh và chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí.

Washington đã tiến hành các bước để giải quyết 2 vấn đề đầu tiên. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí giải quyết mối quan tâm thứ ba. Vấn đề còn lại nằm ở phía Việt Nam, ông Carl Thayer bình luận.

Những quan điểm bảo thủ ở Việt Nam bây giờ phải tự quyết định có nên chấp nhận đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ trên biển cho Việt Nam hay không. Có thể sẽ có người cho rằng việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí là chưa đủ lớn và việc gắn nó với các yêu cầu khác như quyền con người là không thể chấp nhận.

Mặt khác, những người vẫn chưa muốn hợp tác với Hoa Kỳ có thể kiểm tra Mỹ bằng cách yêu cầu Washington cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất cho bất kỳ tàu tuần tra và máy bay nào mà Việt Nam đặt hàng.

Hồng Thủy