Cầu thị và thượng tôn luật pháp quốc tế chỉ làm Trung Quốc mạnh hơn

30/06/2016 12:07
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Nội bộ ĐCSTQ, nội bộ giới nghiên cứu, học giả Trung Quốc không thiếu những nhân tài kiệt xuất, có ý thức thượng tôn pháp luật.

LTS: Ngày mai 1/7 là ngày kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là thời điểm cận kề ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) trên Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về biên giới lãnh thổ, công pháp quốc tế và UNCLOS 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông như một lời chào mừng, đồng thời cũng là khuyến nghị chân thành của ông với tư cách một chuyên gia đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết này, ngõ hầu củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, và đồng thời bày tỏ hy vọng những tranh chấp, khúc mắc, bất đồng trong quan hệ hai nước có thể sớm được giải quyết một cách thỏa đáng trên cơ sở khách quan, cầu thị, chân thành và thượng tôn luật pháp quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngày mai 1/7 là ngày kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một sự kiện chính trị quan trọng đối với quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Đây là dịp để ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc ôn lại quá trình hình thành và phát triển, những bài học thành công và thất bại trong quá trình lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Là công dân Việt Nam - một nước láng giềng có nhiều duyên nợ với Trung Quốc, là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cá nhân người viết luôn mong muốn quan hệ Việt - Trung phát triển đúng tinh thần 4 tốt, phương châm 16 chữ.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Những tranh chấp, bất đồng về biên giới lãnh thổ, về quyền và lợi ích trên Biển Đông giữa hai bên hay giữa các bên ở Biển Đông trong đó có Trung Quốc và Việt Nam cần được giải quyết một cách rốt ráo trên tinh thần khách quan, cầu thị, chân thành và thượng tôn luật pháp quốc tế.

Có như vậy chúng ta mới thực sự tránh lặp lại những chương buồn trong lịch sử hai Đảng, hai Nước thời cận hiện đại, vun bồi và củng cố quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực để phát triển phồn vinh, cùng có lợi.

Trên tinh thần đó, người viết xin có mấy lời chia sẻ cùng các đồng chí lãnh đạo, đảng viên ĐCSTQ chân chính, nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và công lý.

Vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc và những tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam

ĐCSTQ ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại trong bước đường phát triển của dân tộc Trung Hoa, nhất là vào thời điểm mà đất nước Trung Quốc, người dân Trung Quốc bị đàn áp bóc lột, bị tước đoạt mọi quyền lợi sống còn của thời kỳ phong kiến, thực dân.

ĐCSTQ đã cứu dân tộc Trung Hoa thoát khỏi cảnh lầm than đó đề xây dựng một nước Trung Quốc mới. Hơn nữa, sự ra đời của ĐCSTQ vì thế cũng góp phần to lớn đối với phong trào đấu tranh giải phong dân tộc của các nước khác trong khu vực, là ngọn cờ tiên phong trong phong trào cộng sản quốc tế.

Sự ra đời của ĐCSTQ cũng là chỗ dựa vững chắc, là hậu phương to lớn giúp đỡ cho phong trào Cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp to lớn và sự giúp đỡ quý giá đó của ĐCSTQ và Nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong lịch sử quan hệ giữa 2 bên cũng có những lúc thăng trầm, thậm chí có lúc xẩy ra xung đột đổ máu, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ song phương và niềm tin từ hai phía. 

Tôi cho rằng nguyên nhân của những chương buồn trong lịch sử quan hệ giữa hai nước có lẽ nằm ở nhận thức về các vấn đề bất đồng, mâu thuẫn và cách thức xử lý mâu thuẫn. 

Cần phải nhìn thẳng sự thật và tìm ra nguyên nhân, rút ra được những bài học quý giá nhất thì quan hệ giữa hai Đảng, hai Nước mới thực sự phát triển bền vững, tạo được lòng tin chiến lược đối với nhau.

Tôi đánh giá rất cao tư tưởng pháp trị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Về đối nội, Trung Quốc đang điều chỉnh các chiến lược hoạch định, quản trị các mặt của đời sống xã hội phải theo pháp luật, bao gồm ĐCSTQ và trọng điểm cũng là ĐCSTQ, đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” rất nổi tiếng, hiệu quả và được lòng dân do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. 

Là một người nghiên cứu luật pháp, cá nhân tôi cho rằng chỉ có một nhà nước pháp trị mới thực sự ngăn ngừa tham nhũng, hủ hóa một cách hiệu quả và tận gốc.

Theo tôi, vấn đề đối ngoại và xử lý bất đồng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng vậy, không thể khác. Chúng ta có quan hệ chính trị mật thiết đặc biệt giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và rất nhiều kênh đối thoại giao lưu đoàn thể nhân dân. 

Thiết nghĩ đây là một tài sản vô giá để giúp chúng ta kiến tạo môi trường thân thiện, đàm phán giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế một cách khách quan, cầu thị, đúng luật.

Đó chính là cơ sở quan trọng, là yếu tố quyết định nhất mà cả 2 bên đã vận dụng để giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ, một trong những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước Việt –Trung thời hiện đại.

Phát huy tinh thần nói trên để xử lý các tồn tại trong quan hệ giữa 2 bên là sự lựa chọn đúng đắn nhất, là cách ứng xử văn minh nhất. Nó chính là động lực nhằm bảo vệ, củng cố thêm tình hữu nghị trong sáng giữa hai Đảng, hai Nước và Nhân dân Việt Nam -  Trung Quốc để tiếp tục hợp tác phát triển vì các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên. 

Là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là người đã từng hợp tác, làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc khi còn tại chức, để giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ quốc gia trên đất liền và trên biển giữa 2 nước, tôi nhiệt liệt chào mừng 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc quang vinh!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái, ảnh: CCTV.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái, ảnh: CCTV.

Cá nhân tôi chân thành gửi lời chúc mừng những thành tựu vĩ đại của Nhân dân Trung Hoa đã đạt được trong suốt gần tròn một thế kỷ qua. Đó là những công hiến vô giá mà nhân dân Trung Quốc, ĐCSTQ đã đóng góp cho phong trào Cộng sản quốc tế kể từ khi ĐCSTQ ra đời. 

Từ đáy lòng mình, tôi và bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí của tôi, vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục những thành tựu của nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Chính vì vậy chúng tôi, những người đồng chí, anh em của các bạn, luôn mong muốn, bằng những việc làm thiết thực, thẳng thắn, chân thành, để đóng góp vào việc giữ gìn, bảo vệ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và 2 Dân tộc Việt Nam – Trung Quốc.

Đặc biệt là cần phải bảo vệ uy tín của đất nước Trung Hoa vĩ đại, một trong những cái nôi đầu tiên của nền văn minh nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức trước những diễn biến chính trị phức tạp của khu vực và quốc tế hiên nay.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn

Thời cơ lớn nhất của Trung Quốc để phát triển đất nước hiện nay theo tôi chính là một môi trường hòa bình và ổn định. 

Nếu tận dụng được thời cơ này, phát triển mạnh mẽ, hài hòa và bền vững nền kinh tế kết hợp chăm lo nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn ổn định hòa hiếu với láng giềng thì những thách thức hiện nay Trung Quốc đang gặp phải sẽ được hóa giải một cách bải bản, căn cơ, lâu dài.

"Trung Quốc mộng" hay tư tưởng Phục hưng dân tộc Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ thành công viên mãn, và chỉ có thể thành tựu nếu giữ được môi trường hòa bình, ổn định.

Mặt khác, Trung Quốc đang sở hữu nguồn lực tài chính, kích thước nền kinh tế và thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới. Đó là một thế mạnh mà không phải quốc gia nào cũng có được. 

Nhưng muốn khai thác thế mạnh ấy một cách lâu dài, thì Trung Quốc cần đặt nền kinh tế của mình vào bức tranh chung của nền kinh tế thế giới, theo đúng tinh thần "thân - thành - huệ - dung" như Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn nói. 

Tất cả những điều này phải được thể hiện bằng hành động, lấy kết quả làm thước đo chứ không nên chỉ dừng ở những lời tuyên bố có cánh. Trung Quốc đang trỗi dậy hòa bình và phát triển là xu thế của thời đại. 

Kết hợp được hai xu thế này, Trung Quốc mới vươn lên mạnh mẽ. Một khi để nổ ra xung đột hay chiến tranh, nhất là ở khu vực Biển Đông, thì nước thiệt hại đầu tiên và không nhỏ chính là Trung Quốc. Nên giữ hòa bình, ổn định để phát triển cùng thắng theo tôi vẫn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

Ngoài ra giá dầu thế giới đang giảm sâu và chưa có dấu hiệu hồi phục cũng là một lợi thế, một thời cơ lớn cho Trung Quốc, một nước lớn có nhu cầu sử dụng và nhập khẩu năng lượng không nhỏ.

Còn về các thách thức liên quan đến đối nội tôi xin phép không lạm bàn vì tôi thiếu thông tin chính xác những gì đang diễn ra trên đất nước các bạn. 

Trên lĩnh vực đối ngoại, thách thức lớn nhất của Trung Quốc chính là lòng tin của phần còn lại của thế giới đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, có thực sự hòa bình hay không? Nếu trỗi dậy hòa bình thì Trung Quốc giải thích thế nào về các hoạt động quân sự của mình trên Biển Đông?

Sắp tới đây Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982 trên Biển Đông. 

Cầu thị và thượng tôn luật pháp quốc tế chỉ làm Trung Quốc mạnh hơn ảnh 3

Ts Trần Công Trục: Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý!

(GDVN) - Khi vẫn còn cơ hội để đối thoại, ngồi được với nhau một cách thiện chí để chia sẻ trách nhiệm trước nhân loại đang đứng bên miệng hố chiến tranh tàn khốc,...

Trung Quốc là một thành viên phê chuẩn UNCLOS 1982, hơn nữa lại nằm trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phản ứng của Trung Quốc ra sao trước phán quyết này sẽ quyết định suy nghĩ, nhận thức và cách nhìn của phần còn lại của thế giới này với Trung Quốc.

Cá nhân tôi hiểu rằng, tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc Trung Quốc có “chủ quyền không tranh cãi với các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại” không phản ánh nhận thức chủ quan của Chủ tịch, mà là sản phẩm của một nền giáo dục có nhiều bất cập sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, kế thừa yêu sách đường chữ U 11 nét của chính quyền Trung Hoa Dân quốc thời Tưởng Giới Thạch vẽ ra năm 1947.

Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều người Trung Quốc trước ông, cùng thời ông và sau này đã được giáo dục yêu sách này từ mầm non đến sau đại học, nên dần hình thành nhận thức một cách mặc nhiên, khiến ít người đặt câu hỏi ngược lại về căn cứ pháp lý và tính chính xác của yêu sách đó.

Theo cá nhân tôi nhận thấy, một nguyên nhân nữa là từ bộ phận tham mưu của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang có những xu hướng, những luồng quan điểm muốn trỗi dậy nhanh chóng, bất chấp thủ đoạn và không quan tâm đến hậu quả.

Tôi tin rằng, nội bộ ĐCSTQ, nội bộ giới nghiên cứu, học giả Trung Quốc không thiếu những nhân tài kiệt xuất, có ý thức thượng tôn pháp luật, hiểu biết đầy đủ và chính xác về Công pháp quốc tế, quan hệ quốc tế cũng như UNCLOS 1982, chủ trương giải quyết các tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế đúng như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định trước công luận.

Tuy nhiên trong tranh luận, dường như quan điểm của nhóm thứ nhất mà dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc tự đặt cho họ cái tên “diều hâu” đã thắng thế nhóm thứ hai, dư luận Trung Quốc gọi là nhóm “bồ câu”.

Phải chăng chính sự thắng thế của xu hướng “trỗi dậy bằng mọi giá” đã dẫn đến những hành động leo thang quân sự hóa trên Biển Đông mà Trung Quốc đã, đang và theo đuổi mạnh mẽ thời gian qua?

Phải chăng cũng chính bởi quan điểm này đang chiếm thế thượng phong trong đội ngũ tham mưu, hoạch định chính sách khiến Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác không tiếp cận được những thông tin khoa học, chân thực và khách quan về các tranh chấp ở Biển Đông, kể cả về căn cứ bảo vệ cho lập trường của Trung Quốc?

Không phải ngẫu nhiên khi chỉ có rất ít các quốc gia đếm trên đầu ngón tay ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện này. Không phải ngẫu nhiên khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cùng với G-7, EU và nhiều nước khác đang đấu tranh kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA.

Là một nhà lãnh đạo đang đề cao pháp trị, chấn chỉnh và dẹp bỏ nạn tham nhũng, hủ hóa trong nội bộ ĐCSTQ và bộ máy nhà nước Trung Quốc rất hiệu quả, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ mít tinh kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 29/6, ảnh: Tân Hoa Xã.
Biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ mít tinh kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 29/6, ảnh: Tân Hoa Xã.

Và tôi cũng hy vọng những tiếng nói của lương tri, của trí tuệ nhân loại, của luật pháp và công lý quốc tế sẽ đến được với đồng chí Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, bất chấp những rào cản do một bộ phận tham mưu muốn “trỗi dậy bằng mọi giá” đang dựng lên.

Còn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cá nhân tôi hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam để trao đổi song phương, trực tiếp những vấn đề liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, một cái gai nhức nhối trong quan hệ song phương hiện nay.

Đó cũng là thực hiện lời cam kết của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình với cố Tổng bí thư Lê Duẩn, thể hiện Trung Quốc xứng tầm nước lớn có trách nhiệm, trước sau như một.

Được biết Chủ tịch Tập Cận Bình rất coi trọng việc nghiên cứu, ứng dụng Chủ nghĩa Mác vào thực tiễn Cách mạng Trung Quốc hiện nay, và đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu làm rõ các giá trị chân lý mà Mác đã chỉ ra.

Tôi cho rằng đó là một tinh thần hết sức cầu thị, tôn trọng quy luật khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi cũng từng khẳng định rõ: 

“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng, ĐCSTQ hay bất kỳ chính đảng nào khác cũng không thể tránh được việc mắc những vấp váp, sai lầm, nhưng quan trọng là thái độ nhận ra sai lầm và sửa chữa nó. Có như vậy mới có Cải cách mở cửa ở Trung Quốc, Đổi mới ở Việt Nam.

Mọi sai lầm đều phải trả giá, và có những sai lầm không thể cứu vãn được. Sự sụp đổ của Liên bang CHXHCN Xô Viết và Đông Âu chính là bài học thời sự luôn có giá trị nóng hổi.

Những quy luật được Mác và các vị lãnh tụ tiền bối đúc rút ngày nay đang được thể hiện trong hệ thống luật pháp quốc tế của nhân loại văn minh, trong đó bao gồm UNCLOS 1982. 

Bởi vậy thiết nghĩ phán quyết của PCA là thời cơ, là cơ hội rất tốt mà ĐCSTQ cần nắm lấy, có những điều chỉnh và sửa đổi cần thiết, để Trung Quốc thực sự trỗi dậy hòa bình, trở thành bạn bè, đối tác, đồng chí anh em đáng tin cậy của các nước láng giềng trong khu vực và quốc tế, đóng vai trò gương mẫu đi đầu trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Thời cơ Trung Quốc hoàn toàn có thể nắm được và nắm rất chắc, vấn đề nằm ở chỗ các bạn có muốn nắm nó hay không, hay còn có những tính toán khác. Thách thức cũng vậy, ĐCSTQ có đủ bản lĩnh và trí tuệ để vượt qua khi biết dung hòa lợi ích quốc gia dân tộc mình với các nước láng giềng, khu vực và thế giới.

Ts Trần Công Trục