Châu Phi sẽ thành nơi tiêu thụ vũ khí Trung Quốc nhiều nhất

19/02/2016 09:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Vũ khí Trung Quốc trở nên hấp dẫn lớn hơn, nhất là nó thường đi kèm theo một gói tài chính lớn về thương mại và đầu tư của Bắc Kinh.

Nikkei Asian Review ngày 19/2 bình luận, vũ khí Trung Quốc đã ngày càng phổ biến ở châu Phi. Từ quan điểm của người mua, vũ khí Trung Quốc tương đối rẻ tiền và ít điều kiện đi kèm như khi mua vũ khí của phương Tây.

Máy bay không người lái được Trung Quốc tung ra trong cuộc duyệt binh tại Thiên An Môn 3/9 năm ngoái. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Máy bay không người lái được Trung Quốc tung ra trong cuộc duyệt binh tại Thiên An Môn 3/9 năm ngoái. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Các chính phủ châu Phi đang phải đối mặt với nguồn ngân sách quốc phòng ngày một hạn hẹp, trong khi các mối đe dọa an ninh đã trở nên mãn tính. Điều này làm cho vũ khí Trung Quốc trở nên hấp dẫn lớn hơn, nhất là nó thường đi kèm theo một gói tài chính lớn về thương mại và đầu tư của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã xuất khẩu vũ khí cho châu Phi trong nhiều thập kỷ, nhưng thực chất đó chỉ là "bản sao di sản" của các loại vũ khí có từ thời Liên Xô, theo Bastian Giegerich, Giám đốc Phân tích Quốc phòng và quân sự từ Viện Nghiên cứu Chiến lược - quốc tế (IISS) tại London cho biết.

Trước đây Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của vũ khí Liên Xô và thường cải biến lại để cho ra các loại vũ khí của riêng mình. Xe tăng T-54A của Liên Xô trở thành loại xe tăng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc. Máy bay MiG-21 được Trung Quốc "nhái" thành J-7.

Bây giờ mọi thứ đang thay đổi. Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí do họ chế tạo nhiều hơn và xuất khẩu chúng sang châu Phi nhiều hơn, Joseph Dempsey, một nhà phân tích IISS nói với Nikkei Asian Review.

Khoảng 2/3 các nước châu Phi đang sử dụng vũ khí Trung Quốc và con số này đang tăng lên. 10 quốc gia đã bắt đầu mua vũ khí Trung Quốc trong vòng 10 năm qua, trong đó có Ghana, Sierra Leone, Angola và Nigeria.

"Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia sản xuất vũ khí mới với chi phí hợp lý đáp ứng được nhu cầu của thị trường châu Phi. Trong khi đó các đối tác phương Tây đã bỏ trống phân khúc này, và Bắc Kinh nhanh chóng lấp đầy nó", Dempsey bình luận.

Hồng Thủy