Chiến binh cuối cùng của Thế chiến I qua đời ở tuổi 110

08/02/2012 16:33
Theo Infonet.vn
Dù chưa bao giờ ra tiền tuyến nhưng với những đóng góp của tại hậu phương bà Florence Green vẫn được vinh danh là một chiến sĩ.
Dù chưa bao giờ ra tiền tuyến nhưng với những đóng góp của tại hậu phương bà Florence Green vẫn được vinh danh là một chiến sĩ trong giai đoạn Đại chiến thế giới I. Bà Green qua đời chỉ 2 tuần trước sinh nhật lần thứ 111 của mình tại một tỉnh miền đông nước Anh.

Bà Green, người được coi là cựu chiến binh cuối cùng của Chiến tranh thế giới I, từng phục vụ trong Lực lượng Nữ Không quân Hoàng gia Anh, vừa qua đời ở độ tuổi 110. Khi tiếng súng ngừng nổ vào ngày 11/11/1918, bà đang làm bồi bàn tại một căn cứ không quân ở miền đông nước Anh.
Bà Florence Green nhận bánh mừng sinh nhật lần thứ 109 vào ngày 19/2/2010 từ Lực lượng không quân Hoàng gia – Nguồn: AP
Bà Florence Green nhận bánh mừng sinh nhật lần thứ 109 vào ngày 19/2/2010 từ Lực lượng không quân Hoàng gia – Nguồn: AP
Trước năm 2010, bà đã được chính thức công nhận là cựu chiến binh sau khi người khảo sát phát hiện thời gian phục vụ của bà trong tập hồ sơ quốc gia.

Bà Green qua đời hôm thứ Bảy tuần trước, 2 tuần trước sinh nhật thứ 111 của bà, tại viện dưỡng lão vùng King’s Lynn, miền đồng nước Anh.

Cựu Phó nguyên soái Không quân, Peter Dye, và là tổng giám đốc của Bảo tàng RAF cho rằng việc người sống sót cuối cùng trong Đại chiến thế giới I là người phục vụ ở hậu phương là rất hợp lí.

“Theo một cách nào đó, người cựu chiến binh cuối cùng là một phụ nữ và là người phục vụ ở hậu phương khiến tôi nhận thấy rằng chiến tranh không chỉ ở trên các chiến hào”, ông Dye nói.

“Nó khiến tôi nhớ lại về Thế chiến I và chiến tranh đã lôi kéo tất cả mọi người tham gia vào. Đó là một trải nghiệm tập thể. Điều đáng buồn là bất kể bạn ở New York, ở Luân Đôn hay ở Kandahar (Afghanistan), chiến tranh tác động đến cuộc sống của tất cả chúng ta”, ông nói tiếp.

Bà Green được sinh ra ở Luân Đôn vào ngày 19/2/1901 và tham gia Lực lượng không quân Hoàng gia của phụ nữ vào tháng 9 năm 1918 khi ở tuổi 17.

Lực lượng này huấn luyện phụ nữ làm những công việc như thợ cơ khí, lái xe và các công việc khác để đàn ông rảnh tay chiến đấu nơi tiền tuyến.

Bà Green đi làm công việc phục vụ ở văn phòng các sĩ quan, ban đầu bà làm ở trường bay Narborough và sau đó ở Lực lượng không quân Marham ở miền đông nước Anh và phục vụ ở đó cho đến khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Nhiều thập kỉ sau đó, bà Green hồi tưởng lại thời gian phục vụ cho cuộc chiến và cho rằng đó là thời gian có nhiều cảm xúc.

“Tôi gặp hàng chục phi công và hẹn hò vài lần”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2008, “Tôi có cơ hội được lên một chiếc máy bay nhưng tôi sợ bay.

Tôi sẵn sàng làm việc mỗi giờ đồng hồ mà Chúa ban cho mình. Nhưng tôi có hàng chục bạn bè ở căn cứ và chúng tôi có nhiều hoạt động vui vẻ khi rảnh rỗi. Trên nhiều khía cạnh, tôi đã có một cuộc sống thực sự của mình vào thời đó”.

Sau cuộc chiến, bà ở lại khu vực này, cùng với chồng mình, ông Walter Green nuôi dạy 3 người con.

Sau khi phát hiện lí lịch phục vụ cho cuộc chiến của bà lần thứ hai, Lực lượng không quân Hoàng gia đã liên lạc với nữ cựu chiến binh và gửi bánh chúc mừng sinh nhật thứ 110 của bà và tháng 2 năm 2011.

Khi được hỏi cảm giác bước sang tuổi 110 của bà như thế nào, bà Green nói “Nó không khác cảm giác bước sáng tuổi 109 là mấy”.

Bà ca ngợi các sĩ quan mà bà đã phục vụ trong thời kì chiến tranh là những quí ông hoàn hảo.

“Công việc đó thật dễ chịu và họ thật là đáng yêu”, bà kể lại “Không có chút gì phiền lòng, họ khiến chúng tôi làm việc luôn tay và không có tình trạng bê trễ”.

Một phái đoán từ căn cứ không quân đã lên kế hoạch đến chúc mừng sinh nhật thứ 111 của bà vào ngày 19/2 tới.

“Khi chúng tôi nghe tin (bà qua đời), chúng tôi không nói được lời nào bởi lẽ tất cả chúng tôi đều hi vọng bà ấy sẽ tiếp tục sống”, trưởng quân đoàn Paula Willmot nói.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I – còn có tên gọi là “Cuộc chiến tranh để chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh” – đã khiến 20 triệu người thiệt mạng trong vòng 4 năm và là cuộc chiến của hai phe, một phe là các nước Anh, Pháp, Nga, Italia, Hoa Kỳ và phe kia là Đức, Áo Hung và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chồng bà Green qua đời năm 1970 và bà sống với hai con gái một con trai và các cháu và các chắt.

Hiện ngày tổ chức lễ tang cho bà chưa rõ nhưng ông Willmot cho hay không quân sẽ tham gia lễ tang và Hiệp hội không quân Hoàng gia sẽ đưa đến một đội kèn và lá quốc kỳ Anh để che quan tài của bà.

“Đó sẽ là cuộc tiễn đưa thực sự dành cho bà ấy”, ông Willmot nói.

Theo Infonet.vn